Nghệ An đặt mục tiêu trồng mới hơn 17.500 ha rừng nguyên liệu

Văn Trường 08/02/2022 08:59

(Baonghean.vn) - Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày đầu Xuân năm mới, nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An đang triển khai công tác trồng rừng vụ xuân.

Nhộn nhịp trồng rừng vụ xuân

Ngay từ mồng 6 tết Nguyên đán, trên những triền đồi ở xã Tiến Thành, Yên Thành bà con đang nhộn nhịp trồng rừng, người xách cây giống, người vun gốc cây. Ông Trần Tuần ở xóm Tây Bắc Tiến, xã Tiến Thành đang trồng rừng cho biết: Ngay từ thời điểm trong Tết chúng tôi đã xử lý thực bì, đào hố, ăn Tết xong là triển khai thuê lao động để trồng 5 ha rừng vụ xuân. Dự kiến khoảng 10 ngày tới sẽ trồng xong diện tích rừng nguyên liệu.

Ông Phan Văn Vũ - Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết: Tiến Thành là xã bán sơn địa có điều kiện trồng rừng nguyên liệu, nhận thức rõ trồng rừng là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thậm chí trở thành con đường làm giàu, nên kế hoạch trồng rừng hàng năm luôn được địa phương và nhân dân tích cực hưởng ứng.

Nhộn nhịp trồng rừng vụ xuân ở xã Tiến Thành, Yên Thành. Ảnh: Văn Trường.

Ngay sau khi ăn Tết xong, ngày mồng 6 Tết, người dân đã triển khai trồng rừng; hiện nay toàn xã đã trồng được trên 50/200 ha rừng nguyên liệu vụ xuân. Theo kế hoạch khoảng tháng 3/2021 toàn xã sẽ trồng xong rừng vụ xuân, nâng tổng số diện tích rừng nguyên liệu trên 800 ha. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có đường “lâm nghiệp” nên vận chuyển vật tư, cây giống chủ yếu bằng thủ công như gánh, xách… rất khó khăn.

Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành cho biết thêm: Năm 2022 tỉnh giao cho Yên Thành trồng 1.500 ha rừng, tuy nhiên huyện sẽ trồng trên 2.000 ha (vượt 500 ha). Thời điểm trong Tết huyện đã chuẩn bị các điều kiện trồng rừng, 100% diện tích đã xử lý xong thực bì, chuẩn bị được khoảng trên 2 triệu cây giống các loại đảm bảo chất lượng.

Tính đến thời điểm này toàn huyện đã trồng được 600 ha rừng vụ xuân, theo kế hoạch hết tháng 3/2022 sẽ trồng trên 800/2.000 ha rừng vụ xuân. Để công tác trồng rừng vụ xuân đảm bảo, trước tết Nguyên đán, UBND huyện Yên Thành đã thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra về hồ sơ giống, nguồn gốc hạt giống, kiểm kê công tác gieo ươm tại các cơ sở sản xuất cây giống trước khi xuất vườn, nhằm đảm bảo chất lượng.

Chuẩn bị keo giống ở xã Tân Hương, Tân Kỳ. Ảnh: Văn Trường.

Cán bộ kỹ thuật của phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông phối hợp với các xã, hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng nguyên liệu. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là huyện vẫn chưa triển khai được diện tích trồng rừng gỗ lớn, giá keo trong năm qua giảm sút nên một số diện tích chuyển sang trồng cây khác…

Địa bàn huyện Tân Kỳ thời điểm này bà con cũng đang tích cực trồng rừng vụ xuân. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Kỳ. Trong năm 2022, kế hoạch tỉnh giao trên 1.700 ha rừng nguyên liệu nhưng Tân Kỳ sẽ thực hiện trồng 2.000 ha.

Đến nay, các diện tích trên đã xử lý xong khâu thực bì, đào hố, các xã đã tiến hành trồng được trên 300 ha rừng vụ xuân.

Vận chuyển cây giống trồng rừng vụ xuân ở Đô Lương. Ảnh: Văn Trường

Những ngày này, Công ty Nông lâm nghiệp Sông Hiếu đang triển khai trồng rừng vụ xuân rừng trên khắp các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong… Năm nay đơn vị này trồng trên 700 ha rừng nguyên liệu, để thuận lợi cho công tác trồng rừng, ngay từ đầu năm đơn vị đã huy động máy xúc, máy ủi, duy tu sửa được hàng trăm km đường nguyên liệu. Nhờ vậy mà rất thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư trồng rừng. Đến thời điểm này, 100% diện tích đã đào xong hố bằng máy, hiện đã trồng được trên 30 ha keo.

Mục tiêu trồng mới hơn 17.500 ha rừng

Theo báo cáo Chi cục Kiểm lâm, trong năm 2022, Nghệ An đặt mục tiêu trồng mới hơn 17.500 ha rừng nguyên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy sản xuất chế biến gỗ trên địa bàn. Riêng vụ xuân năm nay toàn tỉnh sẽ triển khai trồng 6.500 ha (trong đó trồng rừng gỗ lớn khoảng 500 ha). Hiện nay, các địa phương đang tích cực trồng rừng vụ xuân đảm bảo tiến độ, tính đến thời điểm này đã trồng được trên 1.500 ha rừng vụ xuân, khoảng hết tháng 3/2022 sẽ kết thúc trồng rừng vụ xuân.

Trồng rừng vụ xuân ở huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Văn Trường

Trên địa bàn tỉnh, các đơn vị, cơ sở sản xuất cùng người dân đã chuẩn bị được trên 5 triệu cây giống các loại để trồng rừng vụ xuân. Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập đoàn kiểm soát chất lượng giống cây lâm nghiệp trước khi xuất khỏi vườn ươm. Đảm bảo tốt cho điều kiện trồng rừng, Sở Nông nghiệp &PTNT yêu cầu các huyện, xã bám địa bàn, phối hợp hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho người trồng rừng. Về cơ chế chính sách, chủ yếu do người dân tự bỏ vốn ra trồng rừng nguyên liệu, một số huyện chủ động hỗ trợ giống cây cho nhân dân.

Về trồng rừng gỗ lớn đang còn gặp những khó khăn, hiện chưa phân bổ được nguồn hỗ trợ 5 triệu đồng/ha trồng rừng gỗ lớn. Việc trồng rừng gỗ lớn đòi hỏi thời gian chăm sóc, bảo vệ dài tối thiểu gấp đôi trồng rừng gỗ nhỏ, dẫn đến quá trình được khai thác, thu hồi lâu nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp vào kết hợp trồng rừng gỗ lớn, ký kết tiêu thụ.

Được biết, Công ty Nông lâm nghiệp Sông Hiếu đầu tư trồng rừng thâm canh khá cao, trên 20 triệu đồng/ha, trong đó bao gồm tiền giống, phân bón và chăm sóc, trong khi nhiều địa phương chỉ đầu tư 1,5-2 triệu đồng/ha. Về mặt kinh tế, đối với rừng gỗ lớn sau khi trồng khoảng 10 năm cho thu hoạch từ 180- 250 m3 gỗ/ha, cao gấp 2- 3 lần rừng trồng như hiện nay.

Tại huyện Tân Kỳ, huyện chỉ đạo các xã thực hiện trồng trên 300 ha rừng gỗ lớn nhưng do các loại phân bón tăng cao nên nhiều hộ dân vẫn đang trồng “chay” chờ phân bón giảm sau đó mới tiếp tục mua để chăm sóc sau nên ảnh hưởng đến sinh trưởng cây keo...

Giao đất, giao rừng gắn với phòng, chống cháy rừng

Giao đất, giao rừng gắn với phòng, chống cháy rừng

(Baonghean.vn) - Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, phòng chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An là những nội dung được UBND tỉnh bàn các giải pháp thực hiện trong cuộc họp chiều 12/6.

Mới nhất
x
Nghệ An đặt mục tiêu trồng mới hơn 17.500 ha rừng nguyên liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO