Nghệ An và bài toán 'hút' dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may

Thu Huyền 01/03/2022 15:20

(Baonghean.vn) - Công nghiệp dệt may Nghệ An là ngành chủ lực tạo ra nhiều việc làm, mang lại kim ngạch xuất khẩu cao cho tỉnh. Tuy nhiên, lĩnh vực này nhìn chung đang yếu và thiếu, các doanh nghiệp chủ yếu là gia công, nguồn nguyên phụ liệu phải phụ thuộc vào nhập khẩu.

PHỤ THUỘC VÀO NHẬP KHẨU

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 65 cơ sở, nhà máy may đang hoạt động rải khắp các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Với quy mô phát triển hiện nay của dệt may là điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp hỗ trợ ngành này phát triển. Tuy số lượng nhà máy may nhiều nhưng doanh nghiệp làm vệ tinh mang sứ mệnh hỗ trợ thì lại quá ít. Hiện mới chỉ có 1 nhà máy sợi của Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan sản lượng 20.000 tấn sợi/năm; 1 cơ sở thêu (CCN Lạc Sơn, huyện Đô Lương) quy mô lao động 150 - 200 người thêu phụ kiện cho các nhà máy may của các Công ty Havina Kim Liên và Công ty TNHH Prex Vinh và khoảng 18 cơ sở dệt thủ công khác.

Dệt may tiếp tục đạt kim ngạch xuất khẩu cao. Sản xuất tại Nhà máy may Venture ở xã Thanh Tiên (Thanh Chương). Ảnh Thu Huyền
Nhiều nhà máy may đã được đầu tư khắp các huyện, thị ở Nghệ An. Trong ảnh: Sản xuất tại Nhà máy may Venture ở xã Thanh Tiên (Thanh Chương). Ảnh: Thu Huyền

Trong hàng chục nhà máy may thì chỉ có 1 nhà máy sản xuất sợi. Dây chuyền sản xuất Nhà máy Sợi Vinh được đầu tư từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nhưng hiện tại đã được công ty mẹ đầu tư một số thiết bị mới các công đoạn đầu, cuối để cân đối dây chuyền, cải thiện và nâng cao năng suất, chất lượng sợi,...

Theo đánh giá, hiện nay công nghiệp dệt, nhuộm rất yếu; rất nhiều nhà máy may mọc lên ở địa bàn thành phố và khu vực nông thôn nhưng chủ yếu là may gia công giá trị thấp. Phân khúc sản xuất vải gồm dệt, nhuộm, hoàn thiện lại kém phát triển, tạo ra thế “nút thắt cổ chai” khiến ngành dệt may khó bứt phá. Qua tìm hiểu, một số doanh nghiệp cho rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may đòi hỏi chi phí cho xử lý môi trường rất cao, nhất là công đoạn nhuộm vải nên sản phẩm làm ra có giá thành cao.

Hầu hết phụ liệu cho ngành dệt may như kim, chỉ,... đều phải nhập mua từ nước ngoài. Ảnh Thu Huyền
Hầu hết phụ liệu cho ngành dệt may như kim, chỉ,... đều phải nhập mua từ nước ngoài. Ảnh: Thu Huyền

Để tăng khả năng cạnh tranh, tăng giá trị sản phẩm, phát triển bền vững ngành dệt may, các doanh nghiệp đều ý thức tầm quan trọng của công nghiệp dệt, nhuộm nhưng sản xuất dệt, nhuộm vẫn đang ở “vùng trũng”. Lý do là đầu tư vào dệt nhuộm, doanh nghiệp phải tuân thủ quy định liên quan đến môi trường, đòi hỏi chi phí sản xuất tăng lên rất cao, nên cho đến nay tỉnh chưa có nhà máy nhuộm nào.

Khó khăn về nguyên liệu khiến ngành dệt may vẫn trong vòng luẩn quẩn nhập bông về xe sợi, sau đó bán sợi rồi lại nhập vải. Anh Trần Đức Long - Cán bộ Công ty TNHH Prex Vinh cho biết, ngành may đang phải nhập khẩu từ 60-70% nguyên phụ liệu, trong đó, phần lớn là nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Ngành dệt may của ta mạnh về sợi, may nhưng yếu hẳn khâu dệt nhuộm; xuất sợi sang Trung Quốc sau đó lại nhập vải về. Bất cập này khiến ngành dệt may của cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng, đang phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu vải.

Bông xơ - nguyên liệu chính để sản xuất sợi đang phải nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh Thu Huyền
Bông xơ - nguyên liệu chính để sản xuất sợi cũng đang phải nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh: Thu Huyền

Ngoài sợi, nhuộm, các thiết bị cơ khí gồm các chi tiết thiết bị, phụ tùng cơ khí thay thế trong qua trình vận hành bảo dưỡng, sản phẩm cơ khí sử dụng hỗ trợ cho công nghiệp dệt may; các chi tiết dẫn sợi, suốt sắt kéo dài, các loại gá lắp, suốt chỉ, kéo cắt vải, kéo cắt chỉ... hiện nay nhu cầu thay thế các sản phẩm này rất lớn nhưng chủ yếu vẫn nhập khẩu là chính; Các sản phẩm nhựa hỗ trợ cho ngành dệt may (ống nhựa cho ngành dệt, sợi tổng hợp, móc áo cho ngành may, các loại ghim cài, kẹp nhựa...); Các sản phẩm hóa chất hỗ trợ chủ yếu cho ngành dệt (thuốc nhuộm, chất trợ, hóa chất cơ bản, chế phẩm sinh học); Nguyên phụ liệu hỗ trợ chủ yếu cho ngành may như chỉ may, thêu các loại, nhãn mác, logo; khóa kéo; nút áo... cũng đều phụ thuộc vào nước ngoài.

Ông Hoàng Minh Tuấn – Trưởng phòng Quản lý XNK, Sở Công Thương cho biết: Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng 34,9%, xơ sợi dệt các loại tăng 75,7%. Năm 2022, kim ngạch ngành dệt may tiếp tục đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khá, song khó khăn nhất với ngành này vẫn nằm ở bài toán nguyên liệu, các sản phẩm hỗ trợ cho ngành may. Nếu lỗ hổng này không được khắc phục thì việc chủ động nguyên phụ liệu để tận dụng các hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, yêu cầu của Hiệp định CPTPP thì sản phẩm phải rõ ràng xuất xứ từ sợi trở đi.

THU HÚT DỰ ÁN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ CHO NGÀNH MAY

Thực tế, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh yếu và thấp hơn mức trung bình cả nước, chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên từng ngành, lĩnh vực còn ít; yếu về năng lực vốn, công nghệ, năng lực sản xuất; phạm vi thị trường rất hạn chế, chỉ có khả năng tham gia vào một số lĩnh vực không đòi hỏi cao về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp này chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Chúng ta cũng chưa thu hút được nhiều các tập đoàn đa quốc gia đầu tư có tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ vào ngành công nghiệp mũi nhọn để làm đầu tàu thúc đẩy hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các doanh nghiệp này.

Dây chuyền sản xuất sợi tại công ty CP dệt may Hoàng Loan. Ảnh Thu Huyền
Dây chuyền sản xuất sợi tại Công ty CP dệt may Hoàng Loan. Ảnh: Thu Huyền

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển dẫn đến các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào linh kiện nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí đầu vào do tiền chuyên chở, kho vận, bảo hiểm,... tăng lên, chưa kể rủi ro về thời gian nhận hàng ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, giảm sức cạnh tranh. Vì thế, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao giá trị nội địa của các sản phẩm công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển công nghiệp bền vững.

Tại một Hội thảo về khoa học công nghiệp Nghệ An đến năm 2030, TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khiến công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ngành dệt may chưa phát triển là do bất lợi về địa kinh tế của Nghệ An khiến thu nhập, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề phát triển lực lượng doanh nghiệp, ngành hàng còn tương đối thấp. Việc xa các trung tâm, cực tăng trưởng của cả nước và các hành lang kinh tế, thương mại quốc tế,… là những nhân tố khiến Nghệ An vẫn gặp khó khăn nhất định trong thu hút đầu tư, nhất là khó thu hút các tập đoàn đặt cơ sở sản xuất dẫn đến các công ty FDI ít đầu tư vào.

Quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đang gặp phải nhiều rào cản về công nghệ và chi phí, thị trường kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu, chính sách hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực và quy hoạch cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật; năng lực cung cấp của ngành công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh còn rất hạn chế. Khả năng liên kết được với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để cung cấp nguyên liệu linh kiện phụ tùng yếu.

Sản xuất công nghiệp phụ trợ theo dây chuyền khép kín đang là mục tiêu trong quy hoạch công nghiệp dệt may Nghệ An. Ảnh Thu Huyền
Sản xuất công nghiệp phụ trợ theo dây chuyền khép kín đang là mục tiêu trong quy hoạch công nghiệp dệt may Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Dệt may là nhóm ngành cần thiết phải có công nghiệp hỗ trợ để phát triển vì hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án may mặc đầu tư, trong đó một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền với quy mô khá lớn,... Trong khi đó, ngành dệt may phải nhập khẩu phần lớn các nguyên liệu, phụ kiện nên cần thu hút nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập siêu.

Nghệ An đang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ tăng bình quân 9-10%/năm, đến năm 2025 chiếm từ 10-12% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tăng dần tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Giai đoạn 2018-2025, phấn đấu số lượng doanh nghiệp tăng bình quân 3%/năm, đến năm 2025 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chiếm từ 10 -12% số lượng doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp. Có từ 20 - 30 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đóng trên địa bàn tỉnh có thể tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp FDI và tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn.

Để tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có tiềm năng nhất, đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất, cần có định hướng, mục tiêu cùng với hệ thống cơ chế, chính sách và những giải pháp thúc đẩy từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Mục tiêu phát triển công nghiệp Nghệ An trong những năm tới là vừa ưu tiên các ngành có lợi thế cạnh tranh, vừa tập trung chuyển dịch cơ cấu sang các lĩnh vực có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu, đẩy mạnh các ngành sản xuất thành phẩm cuối cùng…

Mới nhất
x
Nghệ An và bài toán 'hút' dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO