Để đảng viên thực hiện đầy đủ trách nhiệm nơi cư trú
(Baonghean.vn) - Trách nhiệm, nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở nơi cư trú được cụ thể hoá bằng 7 nhiệm vụ tại Quy định số 213 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn đảng viên ít tham gia sinh hoạt và các phong trào ở khu dân cư, thậm chí việc lấy giấy nhận xét chi uỷ nơi cư trú cũng còn nhờ người thân đến bí thư chi bộ xin xác nhận.
CHUYỂN ĐỘNG TÍCH CỰC
Liên quan đến quản lý đảng viên đang công tác nơi cư trú, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 213, ngày 02/01/2020 về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và Nhân dân nơi cư trú (thay thế Quy định số 76 của Bộ Chính trị ban hành hành ngày 15/6/2000).
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Quy định số 213 của Bộ Chính trị, qua tìm hiểu ở một số tổ chức đảng nơi đảng viên đang công tác cư trú cho thấy quy định của Đảng đã đi vào cuộc sống và có nhiều tác động tích cực.
Chi bộ cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An tọa đàm “Nâng cao trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và Nhân dân nơi cư trú”. Ảnh tư liệu: Mai Hoa |
Đồng chí Trần Văn Minh - Bí thư Chi bộ xóm Đại Thắng, xã Thượng Tân Lộc (huyện Nam Đàn) chia sẻ: So với Quy định số 76 trước đây thì Quy định số 213 đã quy định cụ thể, chi tiết và chặt chẽ hơn về 7 nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở nơi cư trú; 5 nhiệm vụ của cấp uỷ cơ sở nơi đảng viên đang công tác; 6 nhiệm vụ của tổ chức đảng nơi đảng viên đang công tác cư trú. Nhờ quy định này, cấp uỷ chi bộ có cơ sở để thực hiện bài bản hơn. Về phía đảng viên gắn bó nơi cư trú, có ý thức tham gia đầy đủ, trách nhiệm hơn các hoạt động của cấp uỷ và xóm tổ chức, gương mẫu đi đầu trong các khoản đóng góp xây dựng các thiết chế ở xóm cũng như ủng hộ các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, ủng hộ bão lụt, Covid-19… Vai trò của họ góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín người đảng viên trong quần chúng Nhân dân.
Khẳng định tính tích cực khi triển khai Quy định số 213, đồng chí Ngô Xuân Thành - Bí thư Chi bộ khối 11, phường Quang Trung (thành phố Vinh) nhấn mạnh: Quy định số 213 của Bộ Chính trị là cơ chế quan trọng để đảng viên đang công tác thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ nơi cư trú một cách đầy đủ hơn; ý thức giữ gìn, xây dựng hình ảnh người đảng viên nơi cư trú tốt hơn. Cấp uỷ chi bộ cũng trăn trở khích lệ đảng viên tham gia vào các hoạt động của chi bộ, của xóm, đồng thời giáo dục, nhắc nhở, điều chỉnh hành vi đối với đảng viên chưa thật sự gắn bó với cấp ủy, với Nhân dân nơi cư trú.
Trên cơ sở thực hiện chức năng giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ theo các quy định của Đảng, đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An khẳng định: Quy định 213 đã tiếp tục phát huy ý nghĩa trong việc tạo điều kiện, quản lý chặt chẽ hơn việc gắn bó của đảng viên với tổ chức Đảng và Nhân dân nơi cư trú. Đây là một trong những biện pháp quan trọng khắc phục tình trạng xa rời, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với Nhân dân mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra đối với đảng viên đang công tác. Ý thức tiên phong, gương mẫu, tu dưỡng đạo đức, lối sống và tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các phong trào ở địa phương của các đảng viên đang công tác ở nơi cư trú cũng được nâng lên.
Một buổi sinh hoạt của Chi bộ xóm Mẫu Đơn, xã Hưng Lộc (TP. Vinh) với đảng viên đang công tác cư trú tại địa phương. Ảnh: Hữu Quân |
NHỮNG HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC
Bên cạnh những chuyển động tích cực, nhiều ý kiến thẳng thắn, trăn trở về chất lượng và hiệu quả giám sát, quản lý đảng viên đang công tác nơi cư trú. Không ít nơi, vẫn còn tình trạng đảng viên chưa có sự gắn bó thường xuyên, chặt chẽ với nơi cư trú. Bí thư chi bộ xóm 22, xã Nghi Phú (thành phố Vinh), đồng chí Nguyễn Thị Mơ cho biết, chỉ có khoảng 30% đảng viên đang công tác tham gia các cuộc sinh hoạt và phong trào cùng với Nhân dân ở xóm và 70% còn lại là thờ ơ.
Không chỉ ít tham gia sinh hoạt và các phong trào ở khu dân cư, nhiều ý kiến cũng phản ánh, tình trạng lấy giấy nhận xét chi uỷ nơi cư trú đối với đảng viên đang công tác, nhiều đảng viên nhờ phụ huynh hoặc người thân đến bí thư chi bộ để xin xác nhận. Thậm chí, theo phản ánh của Bí thư Chi bộ khối 5, phường Lê Lợi (thành phố Vinh) - Nguyễn Trọng Liễu, Bí thư Chi bộ xóm Đại Thắng, xã Thượng Tân Lộc (huyện Nam Đàn) - Trần Văn Minh, có nhiều đảng viên hàng năm còn không lấy giấy nhận xét đảng viên nơi cư trú. Một số đảng viên chỉ tích cực đóng góp tiền khi nơi cư trú có chủ trương kêu gọi, coi đó là đã có liên hệ với địa phương mà không có sự gắn kết chặt chẽ, thậm chí thường ngày sống tách biệt với người dân xung quanh…
Tình trạng trên xuất phát từ 3 bên. Đối với đảng viên chưa có ý thức tự giác và trách nhiệm cao để thực hiện 7 nhiệm vụ theo quy định của Đảng ở nơi cư trú. Đối với cấp ủy cơ sở nơi đảng viên đang công tác, nhiều đơn vị chưa giữ mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với tổ chức Đảng nơi đảng viên đang công tác cư trú.
Huy động sức dân làm tuyến đường bê tông ở xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn). Ảnh tư liệu: Minh Thái |
Phán ánh của một số bí thư chi bộ khối, xóm, mặc dù trên địa bàn có hàng chục đảng viên đang công tác cư trú, nhưng hàng năm ít cơ quan, đơn vị có giấy giới thiệu đảng viên về sinh hoạt cũng như gửi yêu cầu đề nghị nhận xét, đánh giá cuối năm đối với đảng viên ở nơi cư trú. Thậm chí nhiều cơ quan, đơn vị còn dễ dãi, không giám sát chặt và yêu cầu nghiêm việc lấy giấy nhận xét nơi cư trú, bởi trong thực tế có nhiều đảng viên không lấy giấy nhận xét nơi cư trú hoặc có những đảng viên ở một nơi, xin giấy nhận xét một nơi khác ngoài nơi ở hiện tại hay ngoài nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Điều này dẫn đến, việc nắm bắt chính xác số đảng viên đang công tác cư trú trên địa bàn ở các khối, xóm hạn chế, trừ trường hợp các đảng viên hàng năm xin giấy xác nhận đảng viên nơi cư trú vào cuối năm, chi bộ mới nắm được; đồng thời vai trò quản lý, giám sát đảng viên nơi cư trú đối với các trường hợp này không được thực hiện.
Về phía cấp ủy chi bộ nơi đảng viên cư trú có có tâm lý “ưu ái”, “cả nể” hàng xóm láng giềng với nhau trong nhận xét, đánh giá đảng viên đang công tác nơi cư trú; ít quan tâm đến việc tạo sự gắn kết, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao năng lực của chi bộ và phong trào của khối xóm.
Cụm cột cờ và bồn hoa của thôn 2, xã Tào Sơn được các đảng viên nơi cư trú đóng góp ủng hộ xây dựng. Ảnh tư liệu: Hoài Thu |
Để công tác quản lý đảng viên được thực hiện hiệu quả, chặt chẽ, có nền nếp theo quy định của Đảng, góp phần nâng cao chất lượng đảng viên thực sự có ý thức, trách nhiệm trong công tác, gương mẫu về đạo đức, lối sống; ngăn ngừa đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao sức chiến đấu từng tổ chức đảng; các cấp ủy Đảng cần quan tâm có giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế đang đặt ra từ thực tiễn; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá, đảm bảo Quy định số 213 của Bộ Chính trị được thực hiện đầy đủ và chặt chẽ./.