Nghệ An: Giá trị gia tăng ngành dệt may thấp vì thiếu công nghiệp hỗ trợ

Thu Huyền 15/11/2022 10:32

(Baonghean.vn) - Dệt may là một trong lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn của Nghệ An. Toàn tỉnh có hơn 60 nhà máy đang hoạt động, sản phẩm dệt may của tỉnh có mặt ở khoảng 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, giá trị tuyệt đối của ngành dệt may Nghệ An lại thấp vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Sản xuất gia công giá trị thấp

Công nghiệp dệt may đang là ngành đóng góp lớn trong giải quyết việc làm và kim ngạch xuất khẩu. Đến nay, các doanh nghiệp đã tạo ra khoảng 40 nghìn việc làm, giá trị sản xuất đạt 4.186,4 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,9%/năm. Sản phẩm may 60 triệu sản phẩm/năm; Sợi 18.000 tấn/năm.

Dệt may luôn là lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn của Nghệ An. 9 tháng đầu năm 2022, mặt hàng này xếp thứ ba của tỉnh với 331,8 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng có sự tham gia xuất khẩu khá sôi động của 33 doanh nghiệp, xuất khẩu hàng sang hơn 20 thị trường trên thế giới, bao gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản,... Trong đó, Công ty CP May Minh Anh Đô Lương và Công ty TNHH Kido Vinh xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch lần lượt là 80 triệu USD và 52 triệu USD.

Hầu hết dây chuyền dệt may trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang làm gia công, giá trị không cao. Ảnh: Thu Huyền

Theo Sở Công Thương, công nghiệp hỗ trợ tỉnh Nghệ An những năm gần đây có chuyển động nhờ thu hút được một số dự án FDI quy mô lớn nhất là lĩnh vực sản xuất, cung cấp linh phụ kiện điện tử phục vụ ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử và công nghệ thông tin. Tuy vậy, theo đánh giá, chất lượng tăng trưởng công nghiệp của Nghệ An nhìn chung vẫn còn yếu và thấp hơn mức trung bình cả nước, các ngành công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao còn hạn chế.

Nói riêng về ngành dệt may, ngành này vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, bị động trong sản xuất, giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động, năng suất lao động chưa cao. Nguồn nhân lực ngành may tuy đông nhưng trình độ qua đào tạo còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông; trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm khoảng 18,24%, thiếu kỹ sư và đội ngũ công nhân kỹ thuật. Hiện Nghệ An mới chỉ có 1 nhà máy sợi của Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan, sản lượng 20.000 tấn sợi/năm; 1 cơ sở thêu (CCN Lạc Sơn, huyện Đô Lương) quy mô lao động 150 - 200 người thêu phụ kiện cho các nhà máy may; và một số cơ sở dệt thủ công khác.

Sản xuất tại Công ty TNHH May mặc Trọng Phúc, huyện Diễn Châu. Ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phúc Liêm - Phó Giám đốc Công ty TNHH May mặc Trọng Phúc, huyện Diễn Châu cho biết, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt với các nước có kinh nghiệm xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… Trong khi đó, quy tắc xuất xứ từ sợi, vải trở đi là khâu yếu của dệt may Việt Nam khi phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu.

“Doanh nghiệp chúng tôi 70% nhận hợp đồng đơn hàng làm gia công nên tuỳ đơn hàng mà tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu khác nhau. Nhưng hầu hết nguyên liệu đầu vào như vải và phụ liệu cúc, khoá kéo phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc; trong nước mới chỉ đáp ứng được một số kim, chỉ khâu…” - ông Phúc cho biết.

Đây cũng là tình hình tương tự ở các doanh nghiệp dệt may hiện nay. Nhìn chung chúng ta chủ yếu khâu may gia công xuất khẩu; yếu và thiếu tập trung ở khâu dệt nhuộm, công nghiệp sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Khó khăn về nguyên liệu khiến ngành dệt may vẫn trong vòng luẩn quẩn nhập bông về xe sợi, sau đó bán sợi rồi lại nhập vải.

Ngành may đang phải nhập khẩu khoảng 70% nguyên phụ liệu, trong đó, phần lớn là nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Trong ảnh: Dây chuyền may của Công ty TNHH Kido Vinh. Ảnh: Thu Huyền

Anh Trần Đức Long - Cán bộ Công ty TNHH Kido Vinh cho biết, ngành may đang phải nhập khẩu khoảng 70% nguyên phụ liệu, trong đó, phần lớn là nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Ta mạnh về sợi, may nhưng yếu hẳn khâu dệt, nhuộm nên lâu nay xảy ra tình trạng xuất sợi sang Trung Quốc sau đó lại nhập vải về. Bất cập này khiến ngành dệt may của cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng, đang phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu vải.

Tăng cường công nghiệp phụ trợ

Theo đánh giá của đại diện Phòng Công nghiệp, Sở Công Thương, khả năng liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn yếu, phần lớn các doanh nghiệp nội địa chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đang hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, chính sách đặc thù khuyến khích, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh còn thiếu và chưa đồng bộ. Chính sách đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao như đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật còn thiếu.

Bông xơ - nguyên liệu chính để sản xuất sợi đang phải nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh: Thu Huyền

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1306/QĐ-UBND ngày 23/4/2019 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2018 - 2025; Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND ngày 20/8/2022 ban hành Quy chế quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy định một số mức chi cụ thể.

Hàng năm, ngân sách tỉnh đã bố trí kinh phí hỗ trợ từ 2-2,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; Tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho các đề án đã triển khai đến nay đạt 6,34 tỷ đồng. Nhìn chung, chính sách ưu đãi của Trung ương đối với công nghiệp hỗ trợ còn khó tiếp cận. Nguồn kinh phí ngân sách địa phương bố trí cho hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ hàng năm còn thấp, khó thực hiện.

Theo Sở Công Thương, giai đoạn tới, Nghệ An sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành sản xuất sẵn có trên địa bàn tỉnh và thị trường cả nước đang có nhu cầu cao. Đối với ngành dệt, nhu cầu về vải thành phẩm phục vụ ngành may từ nay đến năm 2030 tăng thêm 2.500 triệu mét, trong khi đa số sản phẩm vải cung cấp cho ngành may hiện nay đều nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, là quốc gia không tham gia Hiệp định CPTPP.

Vì vậy, để tận dụng cơ hội do CPTPP và EVFTA mang lại, hưởng ưu đãi thuế 0% sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, đây là thị trường lớn để cung cấp sản phẩm sợi phục vụ cho ngành dệt phát triển. Đối với Nghệ An, tiềm năng về nguyên liệu để sản xuất sợi từ cenllulose như tre, nứa, mét trên địa bàn tỉnh lớn do có diện tích lớn nhất cả nước, trong đó đất có rừng chiếm 53,3%; tiềm năng về sản xuất sản phẩm sợi nhân tạo từ các nguyên liệu sau hóa dầu từ Tổ hợp lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Hầu hết phụ liệu cho ngành dệt may như kim, chỉ,... đều phải nhập mua từ nước ngoài. Ảnh: Thu Huyền

Cả nước hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp may mặc, riêng địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 60 cơ sở, nhà máy đang hoạt động và dự kiến đang tiếp tục tăng lên. Đa số các nhà máy hiện nay chủ yếu sản xuất theo mô hình gia công cho khách hàng nước ngoài là công đoạn có giá trị thấp nhất, nên nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch triển khai sản xuất các sản phẩm dạng FOB (doanh nghiệp tự chủ từ nguyên liệu đến cắt may), ODM (doanh nghiệp tự chủ từ thiết kế, nguyên liệu, cắt may). Đây là cơ hội để thu hút và phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành may. Lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An dồi dào, có kỹ năng tay nghề khá. Sự phát triển nhanh của công nghệ số và dữ liệu lớn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị từ khâu thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu.

Ông Lê Đức Ánh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may ở tỉnh ta đang thiếu và yếu. Hầu hết doanh nghiệp của ta chủ yếu làm gia công giá rẻ, thiếu doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt. Vấn đề đặt ra là phải tự sản xuất được nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành, vừa bảo vệ môi trường và hình thành được các chuỗi liên kết dệt - may - phụ liệu. Việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa mới đảm bảo cho doanh nghiệp làm chủ sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi. Điều này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp dệt may phải tập trung phát triển theo chuỗi; Kết nối với các doanh nghiệp may mặc trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị…

Mới nhất

x
Nghệ An: Giá trị gia tăng ngành dệt may thấp vì thiếu công nghiệp hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO