Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, ai được hưởng?

Ngọc An 20/02/2023 20:49

Lương cơ sở sẽ được tăng lên mức 1,8 triệu đồng kể từ ngày 1/7, dự kiến được áp dụng cho 8 đối tượng theo dự thảo nghị định của Chính phủ đang được xây dựng.

Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo tờ trình Chính phủ và dự thảo nghị định quy định mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang để thực hiện điều chỉnh mức từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng.

Lương cơ sở sẽ tăng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Trong ảnh: một cơ quan tại TP.HCM. Ảnh: Duyên Phan

Theo đó, căn cứ để điều chỉnh lương cơ sở là thực hiện theo Nghị quyết 69 của Quốc hội về việc tăng lương cơ sở.

Đồng thời, với mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng, Bộ Nội vụ đánh giá mặc dù đã tăng thêm 7,19% so với trước, nhưng mức lương này mới đạt 37,89% so với mức bình quân năm 2022 là hơn 3,9 triệu đồng/tháng. Thực tiễn này dẫn tới đời sống cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.

Trên cơ sở đó, dự thảo nghị định của Chính phủ về việc tăng lương cơ sở, mức lương cơ sở điều chỉnh từ 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023, tức là tăng thêm 20,8% so với mức lương hiện hành.

Mức lương này dự kiến sẽ áp dụng cho các đối tượng cụ thể như sau:

1. Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện được quy định tại Luật Cán bộ, công chức năng và Luật Viên chức.

2. Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

3. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được hỗ trợ kinh phí hoạt động theo Nghị định 45 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

5. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng thuộc Việt Nam.

6. Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân, công an thuộc Công an nhân dân.

7. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

8. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Theo dự thảo, mức lương cơ sở sẽ dùng làm căn cứ để tính lương trong bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định.

Đồng thời để tính hoạt động phí, sinh hoạt phí, các khoản trích và các chế độ thưởng theo mức lương cơ sở.

Để thực hiện việc tăng lương cơ sở, dự thảo nghị định cũng quy định về kinh phí thực hiện.

Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan Trung ương sẽ sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán của năm 2023.

Ngoài ra, sẽ sử dụng từ một phần nguồn thu được để lại theo chế độ và sử dụng nguồn cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết (nếu có).

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài khoản 10% tiết kiệm chi thường xuyên, sẽ sử dụng 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2022 thực hiện so với dự toán. Đồng thời sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết, sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023.

Ngân sách Trung ương sẽ bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu do điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2023 cho các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo kế hoạch, trong tuần này Bộ Nội vụ sẽ họp với các bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Theo Tuổi trẻ
Copy Link

Mới nhất

x
Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, ai được hưởng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO