Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025

Xuân Hoàng 24/02/2023 11:11

(Baonghean.vn)- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất của đời sống nhân dân, do vậy, các bộ, ngành phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý các khó khăn, vướng mắc của các địa phương.

Sáng 24/2, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 họp trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia năm 2022, 2 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Điểm cầu Nghệ An do đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì, cùng các thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng

Nghệ An triển khai chương trình nhanh chóng, kịp thời

Báo cáo tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 giao các địa phương theo Quyết định 652/QĐ-TTg, đến thời điểm hiện tại, 52/52 địa phương được giao đã hoàn tất công tác phân bổ, giao kế hoạch.

Đối với vốn ngân sách Trung ương giao địa phương năm 2022 theo Quyết định số 653/QĐ-TTg, các địa phương đã hoàn tất việc phân bổ, giao vốn chi tiết cho các cấp trực thuộc để tổ chức thực hiện. 55/63 địa phương đã bố trí ngân sách địa phương khoảng hơn 15.111 tỷ đồng để thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Đến nay, đã có 42/48 địa phương được phân bổ ngân sách Trung ương đã phân bổ chi tiết khoảng 18.848 tỷ đồng, đạt 76,34% để thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia; có 25 địa phương bố trí khoảng 5.427 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn.

Các đại biểu tại điểm cầu Nghệ An tham gia cuộc họp. Ảnh: Xuân Hoàng

Dự kiến đến hết quý I/2023, các địa phương phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2022 thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia do HĐND tỉnh thông qua. Dự ước đến ngày 28/2/2023, 17 địa phương giải ngân khoảng 545,283 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước Trung ương năm 2023 thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Đối với Nghệ An, tổng dự toán vốn ngân sách Trung ương năm 2022 của 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 1.788 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 1.295 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là hơn 492 tỷ đồng. Đến nay, đã phân bổ được 96,29% dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn đầu tư phát triển 1.228,708 tỷ đồng, đạt 94,8%; vốn sự nghiệp 492,711 tỷ đồng, đạt 100%.

Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư ngân sách Trung ương 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Nghệ An là 1.180,753 tỷ đồng. Đến nay, đã phân bổ vốn đầu tư phát triển 983,648 tỷ đồng, đạt 83,3%; vốn sự nghiệp là 1.222,366 tỷ đồng đang tiến hành phân bổ.

Trong đó, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được giao năm 2023 là 344,19 tỷ đồng, bố trí 509 dự án; đến nay, đã phân bổ vốn đạt tỷ lệ 98,9%. Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được giao năm 2023 là 632,118 tỷ đồng, đến nay, đã phân bổ vốn đạt tỷ lệ 69,37%. Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững được giao năm 2023 là 204,445 tỷ đồng, đến nay, đã trình và phân bổ vốn đạt tỷ lệ 100%.

Làm đường nông thôn mới tại xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng

Nhìn chung quá trình triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh Nghệ An được triển khai nhanh chóng, kịp thời, hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên, từ đó, tạo sự xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nghệ An gặp một số khó khăn, vướng mắc: Nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia năm 2022 được Trung ương thông báo muộn. Trong khoảng thời gian ngắn, số lượng văn bản hướng dẫn rất lớn, khối lượng công việc cần triển khai rất nhiều, công tác triển khai thực hiện cần sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp; do đó, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện ở các cấp vẫn còn nhiều lúng túng.

Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tham quan mô hình sản xuất rau, củ, quả trong nhà kính ở huyện Đô Lương. Ảnh: Xuân Hoàng

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng: Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề cấp thiết, bức bách nhất của đời sống nhân dân, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và người dân đặc biệt quan tâm.

Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương theo thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý các khó khăn, vướng mắc của các địa phương...

Tích cực theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án thành phần được giao chủ trì quản lý tại các địa phương để chủ động rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách theo tinh thần khơi thông các "điểm nghẽn", phù hợp tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia; khắc phục các tồn tại, hạn chế, khẩn trương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các quy định khung, văn bản quản lý, điều hành để triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia ở địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ngành, đơn vị trong việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và văn bản triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn; rà soát danh mục các dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bảo đảm đúng quy định hiện hành và tiến độ được giao; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra cùng cấp để công tác kiểm tra, giám sát phải thực chất, hiệu quả và đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện./.

Mới nhất

x
Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO