Với quá trình phát triển hàng trăm năm qua, huyện Nghĩa Đàn luôn được nhắc đến là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là một trong những cái “nôi” của người Việt cổ (Di chỉ khảo cổ học làng Vạc nay thuộc thị xã Thái Hòa, với những chiếc trống đồng và những dụng cụ lao động, săn bắn… biểu tượng rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn).
Tháng 10/1930, tại hang Rú Ấm, xã Thọ Lộc (nay thuộc xã Nghĩa Đức), Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn được chính thức thành lập, đây là một trong những Chi bộ Đảng được thành lập đầu tiên ở các huyện miền núi Nghệ An. Từ khi có Chi bộ Đảng ra đời, phong trào cách mạng ở Nghĩa Đàn phát triển mạnh mẽ.
Từ tháng 5/2008, huyện Nghĩa Đàn thực hiện việc điều chỉnh địa giới hành chính. Khi đó, phần trung tâm phát triển nhất của huyện được chia tách để thành lập thị xã trẻ Thái Hòa.
Thời điểm mới điều chỉnh địa giới hành chính cách đây 15 năm, kết cấu hạ tầng huyện Nghĩa Đàn thiếu thốn và thấp kém, địa bàn bị chia cắt, các tuyến đường từ trung tâm huyện tới nhiều xã đi lại rất khó khăn. Các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa – xã hội có điểm xuất phát thấp. Thậm chí có những cái bắt đầu từ con số không như: Không trụ sở làm việc; không cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, thể thao; không bệnh viện. Đội ngũ cán bộ cấp huyện vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Tỷ lệ hộ nghèo cao, có đến 9/24 xã và 30% số xóm nằm trong diện đặc biệt khó khăn, đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa còn thấp.
Thực tế đó đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Nghĩa Đàn. Nhưng, với truyền thống cách mạng, sự chủ động nắm bắt cơ hội, biết khai thác, đánh thức tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là phát huy yếu tố “nhân hòa” và truyền thống đoàn kết, Nghĩa Đàn đã sớm vượt qua khó khăn, thử thách, tạo nên nhiều sự đổi thay rõ nét trong 15 năm qua.
Bằng sự đoàn kết của cán bộ, đảng viên và nhân dân, cùng sự quan tâm, tạo điều kiện về các cơ chế, chính sách của các cấp, ngành, huyện Nghĩa Đàn đã huy động nhiều nguồn lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Dấu ấn nổi bật nhất là cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch căn bản từ nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hoá theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ, công nghệ cao; tốc độ tăng trưởng cao, duy trì đều trong nhiều năm và có tính bền vững; tỷ trọng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản tăng nhanh (từ 19,9% năm 2009 lên 43,67% vào năm 2022).
Kinh tế ổn định và có bước tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đến giai đoạn 2020 – 2025 hiện nay, tốc độ tăng trưởng ước đạt trên 15%, thu ngân sách năm 2022 đạt 227 tỷ đồng, thu nhập tăng thêm bình quân trên 70 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 20% xuống còn 4,07%.
Những bước phát triển nhanh, bền vững của huyện Nghĩa Đàn hiện nay là kết quả chung sức của cả hệ thống chính trị và của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện trong xác định hướng đi, giải pháp sát đúng cho từng lĩnh vực. Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng từ huyện đến cơ sở được đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn vốn và sự chung tay của các tầng lớp Nhân dân. Hệ thống giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa đến tận thôn, xóm, bản và đến từng hộ gia đình. Hệ thống trường học, trạm y tế xã, hệ thống điện được làm mới, chỉnh trang, duy tu.
Bộ mặt nông thôn mới có thật nhiều khởi sắc, từ một huyện không có xã nào đạt trên 8 tiêu chí, 02 xã không đạt tiêu chí nào, đến nay, Nghĩa Đàn đã có 20/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 01 xã đạt nông thôn mới nâng cao, đây là tiền đề quan trọng để Nghĩa Đàn hiện thực hóa mục tiêu huyện nông thôn mới trong nhiệm kỳ này.
Cùng đó, công tác thu hút đầu tư được huyện Nghĩa Đàn đẩy mạnh, nhiều dự án quan trọng triển khai, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Đến nay, nhiều dự án sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả ở Nghĩa Đàn, như: Nhà máy sữa tươi, gỗ MDF, nước tinh khiết của Tập đoàn TH, nhà máy may mặc, chế biến bột đá, hạt phụ gia nhựa, thức ăn gia súc, gỗ ván thanh, đồ ốp mỹ nghệ… tại Cụm công nghiệp Nghĩa Long.
Huyện cũng đang tích cực thu hút đầu tư nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chú trọng khai thác lợi thế, tiềm năng về đất đai, khí hậu và nguồn lực lao động trên địa bàn. Từ đó, hướng đến thực hiện mục tiêu xây dựng Nghĩa Đàn trở thành trung tâm phát triển kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Nghệ An.
Theo đồng chí Phạm Chí Kiên – Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn, chặng đường phát triển trong thời gian tới, đòi hỏi các cấp, ngành trên địa bàn huyện tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Cùng đó, phát huy khối đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Huyện đã ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX. Qua đó, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; phát triển tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và phòng, chống tham nhũng… tạo sự đoàn kết, đồng thuận, chung sức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội, các tầng lớp nhân dân cho sự phát triển bền vững của huyện Nghĩa Đàn.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, huyện Nghĩa Đàn tiếp tục làm tốt công tác thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển để tạo bước chuyển dịch quan trọng trong cơ cấu kinh tế, nhất là về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến nông, lâm sản. Chăm lo đầu tư và phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với nâng cao đời sống và đảm bảo an sinh xã hội. Triển khai thực hiện có hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn.
“Xuyên suốt quá trình đó, huyện Nghĩa Đàn chú trọng phát huy truyền thống văn hóa, chăm lo bồi dưỡng nguồn nhân lực phát triển toàn diện, tích cực cải cách hành chính, chuyển đổi và ứng dụng số trong tất cả các lĩnh vực. Tiếp tục đầu tư đúng tầm cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; phát huy tốt dân chủ cơ sở, giải quyết có hiệu quả các vấn đề đặt ra trong nhân dân, làm cho dân tin, dân yên, dân vui. Đồng thời, đảm bảo quốc phòng vững chắc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện để Nghĩa Đàn phát triển bền vững”, đồng chí Phạm Chí Kiên – Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn nhấn mạnh.