Nhút là món ăn dân dã, gắn bó bao đời nay, trở thành món ăn truyền thống với tính đặc trưng của người dân Thanh Chương “nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”. Dù đi khắp mọi miền quê sinh sống, ngả dặm đường làm ăn, nhút luôn là hình ảnh gợi nhớ về miền quê nhà mến thương trong mỗi người con Thanh Chương. Nhút đi cả vào thơ ca dân gian đến hiện đại: “Đất Thanh Chương nhút mặn, chua cà”; “Đừng khinh dưa nhút, tương cà/Tuy không lịch lãm nhưng mà sạch trong”; “Đã say câu ví thiết tha/Đừng chê nhút mặn chua cà Thanh Chương/Câu ca đọng mãi giọt thương/Lọc nên vị nhớ quê hương bao đời”…
Với bà Hồ Thị Quế, ở xã Hạnh Lâm, năm nay gần 70 tuổi, biết làm nhút cách đây hơn 50 năm từ cha mẹ truyền cho. Để nhút ngon, ngoài áp dụng đúng, đủ công thức, điều quan trọng là “theo tay” người làm, cho nên nhút bà Quế làm ra ngon hơn nhiều người. Bởi vậy, ngoài phục vụ gia đình, nhút bà Quế làm còn phục vụ bà con ở địa phương và gửi các con ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội làm thực phẩm, làm quà biếu.
Bà Hồ Thị Quế – Giám đốc Hợp tác sản xuất nhút và đặc sản nông nghiệp Thanh Chương (chủ nhân của sản phẩm nhút OCOP 4 sao) cho biết: Từ việc biếu nhút mà theo lời các con là “người ta quý lắm, nhất là con em xa quê thèm vị quê nhà”; thông qua định hướng, hỗ trợ từ cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng sản phẩm OCOP với quy trình chặt chẽ hơn, từ lựa chọn nguyên liệu đầu vào quả mít non, hạt muối, đến các thùng, lọ đựng nhút đều chất lượng; các công đoạn chế biến sạch sẽ, không chất bảo quản; có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc…; sản phẩm “Nhút bà Quế” được tỉnh công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao năm 2020.
Kể từ đó, nhút bà Quế “lan toả” ra Bắc, vào Nam; tập trung nhiều ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa… Sản lượng sản phẩm theo đó tăng 4 – 5 lần so với trước đây, khoảng 4 – 5 tấn/năm. Điều vui hơn mà bà Quế tâm sự là mình đã góp phần bảo tồn và lan tỏa nét văn hóa làng quê thông qua món ăn dân dã nhút truyền thống quê hương. Cùng sản phẩm nhút, Hợp tác sản xuất nhút và đặc sản nông nghiệp Thanh Chương còn có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, gồm măng chua và măng cay.
Với sản phẩm trám đen Thanh Chương, từ cây trồng bản địa, tự cung, tự cấp, sau khi có sự phối hợp giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân đã tạo ra sản phẩm trám đen muối đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao (năm 2019) và làm thay đổi hoàn toàn “số phận” quả trám. Đặc tính của quả trám đen không để được lâu sau khi hái xuống, cho nên việc chế biến trám muối đưa ra thị trường là biện pháp bảo quản quả trám sử dụng thời gian dài trong cả năm; theo đó thị trường tiêu thụ cũng xa, rộng hơn. Đặc biệt thông qua việc thu mua, chế biến của Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp Trọng Anh tại Nghệ An với giá mua thông thường cao hơn so với thị trường đã khích cầu, nâng giá trị kinh tế quả trám từ 30 – 40 nghìn đồng/kg (thời điểm năm 2017), lên 50 – 70 nghìn đồng, rồi đến 90 – 100 nghìn đồng và có thời điểm là 120 nghìn đồng/kg; khó có sản phẩm nông nghiệp nào chỉ trong vòng 5 năm đã có giá trị tăng như vậy.
Theo chia sẻ của TS. Lê Văn Khánh – chuyên gia chế biến sản phẩm trám đen của Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp Trọng Anh tại Nghệ An, với những ưu thế sạch, nhiều chất dinh dưỡng quý của quả trám, thị hiếu tiêu dùng ngày càng tăng; đồng thời để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng; cùng với thu mua, chế biến, hiện doanh nghiệp đang tập trung phát triển vùng nguyên liệu gắn với tăng quy mô chế biến, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cùng với trám đen, bưởi Thanh Mỹ cũng là cây trồng bản địa mang tính đặc sản của địa phương Thanh Chương. Bưởi Thanh Mỹ với đặc điểm quả tròn đẹp, ruột trắng xanh, múi đều, vị ngọt thanh và được nhiều người đánh giá ngon hơn bưởi Phúc Trạch và bưởi da xanh. Và thực tế, cùng với thời gian, khi điều kiện giao thông đi lại thuận lợi, giao thương buôn bán phát triển, bưởi Thanh Mỹ được người tiêu dùng biết đến thông qua các thương lái nhỏ đến tận các vườn mua với giá 20.000 – 30.000 đồng quả; bình quân mỗi cây đem lại thu nhập 13 – 20 triệu đồng/năm. Từ giá trị hàng hóa đó, ngoài 150 hộ trồng bưởi với hơn 500 gốc có 15 đến hơn 20 năm tuổi, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Mỹ tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích (hiện tại có hơn 40 ha) và xây dựng sản phẩm OCOP đối với quả bưởi Thanh Mỹ được công nhận năm 2020.
Ngoài 5 sản phẩm: nhút bà Quế, trám đen muối, bưởi Thanh Mỹ, măng chua, măng cay; hiện tại ở huyện Thanh Chương còn có thêm 15 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao và 3 sao. Trong tổng 20 sản phẩm OCOP có đến 16 sản phẩm là thực phẩm nông nghiệp hoặc liên quan đến sản phẩm nông nghiệp, như gà Thanh Chương, cam tổng đội 4, cam bù Phong Thịnh, bưởi Thanh Mỹ, trám đen muối, mật ong Tiên Hội, tỏi tía Thanh Lĩnh, tinh bột nghệ Hoa Thoả, cơm nếp sấy dăm bông, rượu nếp cái hoá vàng… Bốn sản phẩm còn lại, gồm nước súc miệng, răng miệng, xịt khử mùi (thương hiệu Xuân Vinh) và hương trầm Liên Đức.
Với lợi thế đa dạng về sản phẩm nông nghiệp, trong đó có những sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc hữu địa phương, theo chia sẻ của ông Trần Phi Hùng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Sản xuất nông nghiệp của huyện Thanh Chương với mục tiêu sản xuất hàng hoá, gia tăng giá trị trên cơ sở khai thác lợi thế của địa phương và nhu cầu của người tiêu dùng. Muốn thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải đảm bảo đầy đủ hành lang pháp lý và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để đi vào thị trường, cho nên cùng với đẩy mạnh áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, thời gian qua, huyện đã chỉ đạo xây dựng các sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng, có nhãn hiệu hàng hóa, logo, địa chỉ sản xuất, mã vạch truy xuất nguồn gốc… đối với các sản phẩm mà địa phương có lợi thế: chè, gà, cam, bưởi, trám đen, nhút…
“Thực tiễn, các sản phẩm nông nghiệp khi đạt chuẩn OCOP, người tiêu dùng yên tâm và tin tưởng hơn về chất lượng, mở rộng, lan toả thị trường tiêu thụ. Đây là hướng đi vững chắc cho nông nghiệp Thanh Chương” – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết.
Bên cạnh chỉ đạo xây dựng sản phẩm OCOP trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Thanh Chương đang tập trung chỉ đạo mở rộng phát triển sản phẩm OCOP từ các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn thông qua ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2023 – 2025 với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó tập trung chỉ đạo, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân, các chủ thể sản xuất; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thông qua thành lập ban chỉ đạo ở cấp huyện và xã, đặc biệt là phát huy vai trò chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của chính quyền cấp xã. Yêu cầu cụ thể từ nay đến năm 2025 đối với xã đã có sản phẩm OCOP, tối thiểu mỗi xã có thêm 1 sản phẩm mới; xã chưa có sản phẩm OCOP yêu cầu đăng ký xây dựng 2 sản phẩm.
Quyết tâm chính trị của huyện Thanh Chương trong 3 năm (2023 – 2025) sẽ xây dựng thêm 72 sản phẩm OCOP, đưa tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện vào cuối năm 2025 đạt 92 sản phẩm. Cùng với xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP, ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nhấn mạnh: Khâu quảng bá, xúc tiến thương mại sẽ được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tập trung nhằm lan tỏa, đưa các sản phẩm vào thị trường trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, gắn bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của địa phương; góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.