Thềm lục địa và quan điểm giải quyết phân định Biển Đông của Việt Nam
+ Thềm lục địa Việt Nam: là một quốc gia có cấu tạo thềm lục địa đa dạng, Việt Nam thể hiện rõ quan điểm ủng hộ dành cho quốc gia ven biển một thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý. Tuyên bố các vùng biển năm 1977 quy định: thềm lục địa của Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam, mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từđường cơ sởđó. Nhà nước Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa. Các đảo, các quần đảo xa bờ thuộc chủ quyền Việt Nam đều có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa riêng.
Sau Tuyên bố năm 1977, việc xác định các vùng biển Việt Nam có thêm bước đi cụ thể khi Tuyên bố của Chính phủ nước ta vềđường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam vào ngày 12/11/1982 được công bố. Hai tuyên bố này cho phép xác lập bề rộng các vùng biển cũng như các khu vực chồng lấn danh nghĩa Việt Nam và các nước láng giềng đòi hỏi đàm phán phân định.
+ Phân định biển Việt Nam: Với khái niệm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế làm cho nhiều nước trước kia không có chung biên giới nay trở thành các nước láng giềng trên biển, có các đường ranh giới trên biển cần được phân định. Vì vậy, nước ta có ranh giới biển cần phân định với hàng loạt các nước trong khu vực như Trung Quốc (vịnh Bắc Bộ), Thái Lan (vịnh Thái Lan), Malaixia, Campuchia, Inđonexia, tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa với Trung Quốc, trên quần đảo Trường Sa với Trung Quốc, Philippin, Malaixia, Đài Loan và phân định biển trong Biển Đông, nơi bị bao phủ hết bởi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển.
Tuy vậy, là quốc gia yêu chuộng hoà bình, Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp quốc tế một cách hoà bình, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp trên biển, giải quyết vấn đề hoạch định ranh giới biển liên quan với các nước láng giềng. Trong Tuyên bố 1977 của Chính phủ Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp..., Khoản 6 đã công khai: "Việt Nam cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp luật pháp và tập quán quốc tế...". Nghị quyết năm 1994 của Quốc hội phê chuẩn Công ước 1982 cũng nêu rõ: "... giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hoà bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa..."
(còn nữa)
Phòng Bạn đọc (st >)