Hiện thực hóa định hướng phát triển chăn nuôi

09/10/2015 18:11

(Baonghean) - Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đánh giá "Chăn nuôi tiếp tục phát triển, đã từng bước chuyển dịch theo hướng tập trung, quy mô trang trại và chế biến công nghiệp”. Đây là nhận định rất sát đúng bởi nhiệm kỳ 2010 - 2015, ngành chăn nuôi đã có những bước chuyển biến căn bản trên các phương diện, nhất là sau 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Tăng quy mô, nâng chất lượng

Để tăng giá trị do ngành chăn nuôi tạo ra và chuẩn bị các điều kiện hội nhập kinh tế, cuối năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 6593/ QĐ-UBND về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2020.

Mục tiêu đặt ra đối với đề án là tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế nông nghiệp của tỉnh; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, có quy mô lớn, cân đối và bền vững; xây dựng, hoàn thiện và phát triển hình thức hợp tác liên kết trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh với sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và các tổ chức xã hội.

Riêng ngành chăn nuôi, nội dung tái cơ cấu trên 4 nội dung: chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp; chuyển dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao (vùng đồng bằng) đến nơi có mật độ dân số thấp (trung du, miền núi); khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín giữa các khâu theo chuỗi giá trị; và kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Có thể nói việc ban hành đề án đã mở ra một hướng phát triển rõ ràng, cụ thể, theo đó, từ khi có đề án số lượng trang trại quy mô lớn tăng nhanh, phương thức chăn nuôi theo hình thức công nghiệp đã được đẩy mạnh phát triển tạo một hiệu ứng khá tốt.

Chúng tôi có dịp đến với Nghĩa Hành, một trong những xã miền núi còn khó khăn của huyện Tân Kỳ, ghé thăm trang trại lợn nuôi theo hình thức công nghiệp của bà Lê Thị Thành ở xóm 10. Quả là bất ngờ quy mô đầu tư lớn khi trên diện tích 2 ha xây dựng hệ thống trang trại nuôi gần 1.800 con lợn thịt theo quy mô công nghiệp với khép kín hệ thống quy trình làm mát cho lợn, phân loại theo từng chuồng, hệ thống biogas...

Chủ trang trại, bà Lê Thị Thành cho biết: Mỗi năm trang trại xuất 3 lứa, mỗi lứa lãi trên 350 triệu đồng. Hiện trang trại đang tạo việc làm ổn định cho 5 lao động. Cũng giống hình thức nuôi tại trang trại bà Thành, trang trại của ông Nguyễn Đình Hoài ở xóm Tân Mỹ, xã Mỹ Thành (Yên Thành) có đầu tư chiều sâu hơn, trong đó là tập trung nuôi lợn sinh sản. Sau khi đầu tư quy mô lớn trên diện tích gần 3 ha, trang trại của ông đã khép kín theo chuỗi sinh sản - nuôi lớn và xuất bán.

Ông Hoài nuôi gần 100 con lợn nái giống vừa quay vòng giống lợn trong trang trại, đồng thời cung cấp giống cho bà con trong vùng. Vùng Thung Bần, nơi ông Hoài chọn xây dựng trang trại cách biệt với vùng dân cư, tuy vậy ông cũng đã hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường để tạo sự bền vững không những cho trang trại mà cả vùng.

Có thể thấy rằng, trang trại nuôi lợn theo hình thức công nghiệp như bà Thành, ông Hoài không còn lạ đối với bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Báo cáo tổng hợp về thực trạng trang trại quy mô lớn của ngành Nông nghiệp cho thấy, toàn tỉnh hiện có 199 trang trại đạt tiêu chuẩn, trong đó có 68 trang trại nuôi lợn, 99 trang trại nuôi gà, 15 trang trại nuôi trâu, bò, 17 trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Trong đó, những trang trại chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp, áp dụng phương thức hiện đại tầm khu vực và quốc tế đã và đang khẳng định hiệu quả, hướng phát triển tất yếu như trang trại bò sữa TH True milk đã có trên 30.000 con, Trang trại của Vinamilk có 3.000 con. Ngoài 2 doanh nghiệp lớn trên, còn có doanh nghiệp chăn nuôi bò thịt ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) có quy mô 7.500 con/năm; trang trại ở Tân Kỳ 4.500 con/năm; còn trang trại tại Quỳnh Lưu hiện đang khảo sát lập dự án.

Hay các trang trại chăn nuôi lợn ngoại, gà siêu trứng theo mô hình liên kết cũng đã và đang được đẩy nhanh như liên kết với Công ty CP: 9 trang trại lợn, 38 trang trại gà: liên kết với Công ty JAFA: 9 trang trại gà quy mô 5.000 - 8.000 con... Nghệ An hiện tại là tỉnh có đàn bò số lượng lớn nhất cả nước, trong đó số lượng đàn bò sữa đứng thứ 2. Nhờ đó, tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nội ngành Nông nghiệp chiếm 44,6%, tăng 3,38% so với năm 2013.

Tổng đàn chuyển dịch theo hướng duy trì, tăng tỷ trọng gia cầm trong đàn vật nuôi. Đàn trâu, bò, lợn toàn tỉnh ổn định, giảm nhẹ ở vùng đồng bằng và tăng nhẹ ở vùng miền núi; tổng đàn gia cầm cũng dần tăng so với những năm trước. Đồng thời, thực hiện đồng bộ giải pháp quản lý giống vật nuôi, triển khai công tác quản lý lợn đực giống, quản lý thức ăn chăn nuôi; các chính sách về hỗ trợ chăn nuôi.

Đồng chí Lưu Công Hòa, Trưởng phòng chăn nuôi, Sở NN&PTNT cho biết thêm: Bên cạnh duy trì ổn định số lượng tổng đàn đối với trâu, bò, lợn thì chủ trương của ngành Nông nghiệp là không ngừng nâng chất lượng đàn bằng giải pháp sind hóa đàn bò và nạc hóa đàn lợn... để bảo tồn, giữ gìn gen giống bò, lợn địa phương, từ đó tạo nên sự phong phú sản phẩm cho ngành.

Hình thành chuỗi giá trị

Một dấu ấn nổi rõ trong lĩnh vực chăn nuôi nhiệm kỳ 2010 - 2015, là đã hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất, quy trình nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Điều này thấy rõ ở trang trại bò sữa và nhà máy sữa của Vinamilk liên kết với bà con nông dân vùng nguyên liệu trong việc hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp con giống và thu mua toàn bộ sữa cho bà con. Có dịp thăm trang trại bò sữa của chị Nguyễn Thị Lộc ở xóm Đông Thành, xã Đông Hiếu (TX. Thái Hòa) mới thấy hết được hiệu quả, ý nghĩa kinh tế - xã hội của sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân mang lại.

Trang trại của chị Lộc hiện có 12 con bò, bê, trong đó có 6 con cho sữa với sản lượng sữa bình quân 120 kg/ngày. Với giá thu mua của nhà máy sữa hiện tại trên 12.000 đồng/kg, gia đình chị có thu nhập từ nghề chăn nuôi bò sữa mỗi ngày gần 1,5 triệu đồng. Chị Lộc cho biết: "1 ha chuyên trồng cỏ bán cho trang trại mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng (sau khi trừ chi phí) và diện tích còn lại làm thức ăn cho đàn bò, thu nhập từ nuôi bò sữa khoảng được 700 triệu đồng/năm".

Gia đình chị Lộc chỉ là một trong số hàng trăm hộ dân ở TX. Thái Hòa, Nghĩa Đàn và các xã vùng phía Tây Quỳnh Lưu đang tham gia quy trình chuỗi giá trị trong chăn nuôi theo hình thức công nghiệp tạo ra. Với cách làm này, Vinamilk đang đồng hành cùng bà con nông dân vùng nguyên liệu, tạo mối liên hệ chặt chẽ trong khâu tiêu thụ sản phẩm do nông hộ tạo ra.

Tạo ra chuỗi giá trị trong chăn nuôi hiệu quả, tạo cơ sở cho một nền sản xuất bền vững còn thấy rất rõ trên cơ sở được sự hỗ trợ của Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LifSap) đã góp phần tích cực hình thành các nhóm, các hộ dân chăn nuôi lợn, gà theo mô hình GAP nông hộ. Xã Diễn Trung, một trong nhưng xã vùng biển điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn của huyện Diễn Châu.

Đất bãi cát bạc màu, kinh tế biển chưa phát triển nên đại bộ phận các hộ dân thực sự loay hoay vì chưa tìm ra phương thức làm ăn và họ đã được mở hướng làm ăn bắt đầu từ tháng 5/2013 khi dự án vào cuộc tập huấn và hỗ trợ vật chất cho các hộ dân. Những kiến thức về chăn nuôi bền vững an toàn, theo chuỗi đã được cán bộ dự án đưa đến cho bà con. Hiện tại với 119 hộ tham gia (80 hộ chăn nuôi gà, 39 hộ nuôi lợn), Diễn Trung là địa phương có số hộ tham gia đông nhất, hiệu quả nhất, chiếm 1/5 số hộ của 10 huyện tham gia dự án.

Trang trại chăn nuôi gà thịt và gà đẻ của ông Phạm Đình Cần, xóm 10 luôn duy trì ở quy mô trên 12.000 con gà đẻ. Thời điểm chưa tham gia dự án, ông nuôi trong sự thấp thỏm bởi dịch bệnh, kết cấu chuồng trại làm tự phát, chưa hợp lý bởi quy trình chăn nuôi an toàn chưa được tiếp cận. Ông Cần khẳng định: Từ khi là thành viên của dự án chúng tôi luôn tuân thủ các quy trình quy định từ nguồn thức ăn, chọn giống và khâu tiêu thụ sản phẩm nên chất lượng đàn phát triển tốt và an toàn.

Trang trại của ông Cần mỗi năm cho doanh thu trên 2,5 tỷ đồng, lãi trên 700 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 lao động. Từ thực tế chăn nuôi an toàn hiệu quả, ông Cần đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng trang trại sang phía Đông để giữ vững vị thế là trang trại nuôi gà lớn nhất Diễn Châu. Đồng chí Đậu Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Diễn Trung từ chỗ bà con rất mơ hồ về chăn nuôi an toàn, tuy nhiên hiện tại ngoại trừ các hộ tham gia dự án thì bây giờ ở địa phương hầu hết các hộ còn lại đều triển khai thực hiện theo quy trình chăn nuôi an toàn. Vì vậy, phương pháp chăn nuôi cạnh tranh, an toàn, tạo cơ sở quan trọng để xã tăng tỷ trọng trong chăn nuôi, giảm tỷ lệ hộ nghèo và điều quan trọng nữa là nâng cao thu nhập cho người dân trong quá trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cũng từ yêu cầu của thực tế hình thành chuỗi giá trị nâng cao sản phẩm ngành Nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng cũng như tăng sức cạnh tranh, ngành Nông nghiệp cũng đã tham mưu để UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch cở sở giết mổ, chế biến gia súc. Trên cơ sở đã quy hoạch 121 cơ sở giết mổ gia súc tập trung, thì đã có 33 cơ sở được đầu tư xây dựng, đang hoạt động có hiệu quả; dự án cạnh tranh chăn nuôi cũng đã hỗ trợ xây dựng 20 cơ sở bán thực phẩm theo tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để đảm bảo cho việc thực hiện chuỗi giá trị trong phương thức chăn nuôi bền vững thời gian tới, UBND tỉnh cũng đã ban hành một loạt quyết định, quy định mang tính chất pháp lý như: Quyết định quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng tái cơ cấu; đề án thí điểm quản lý, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm hàng ngày; quy định về giống, quy định về thức ăn trong chăn nuôi... đồng chí Lưu Công Hòa, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT đánh giá: Chưa lúc nào Nghệ An có đầy đủ các văn bản, quyết định, quy định mang tính chất pháp lý như thế này trên lĩnh vực chăn nuôi. Đây là cơ sở để chăn nuôi trong tỉnh phát triển toàn diện trên cơ sở phát huy được những tiềm năng, lợi thế của mình, hạn chế những bất cập nảy sinh trong quản lý nhà nước trên lĩnh vực.

Có thể nói, nhiệm kỳ 2010 - 2015, dấu ấn trên lĩnh vực nông nghiệp, ngành chăn nuôi đã tạo được sự phát triển có tính chất đột phá. Những trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn xuất hiện ngày càng nhiều và đã hình thành chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất, tạo cơ sở thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu tỷ trọng nội ngành Nông nghiệp đến 2020, chăn nuôi chiếm 47 - 47%.

Đồng chí Vi Lưu Bình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sở tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt; tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp gắn với việc chú trọng phát triển diện tích trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tập trung thực hiện các giải pháp phát triển nhanh tổng đàn về số lượng và nâng chất lượng với những con nuôi chủ lực mà Nghệ An đã khẳng định như trâu, bò thịt, bò sữa, lợn và gia cầm.

Hồng Sơn

TIN LIÊN QUAN