Đô Lương xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh
(Baonghean) - Hiện trên địa bàn huyện Đô Lương có 177 di tích, danh thắng trong đó có 24 di tích đã được xếp hạng. Nhằm bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa để phục vụ du lịch văn hóa tâm linh, thời gian qua, Đô Lương đã có nhiều giải pháp hiệu quả.
Nỗ lực bảo tồn
Đến thăm đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (xã Tràng Sơn) vào đúng ngày 13 tháng hai âm lịch, vì gần ngày rằm thế nên nhân dân đến dâng hương ở đền khá đông. Không chỉ có người dân bản địa mà có rất nhiều du khách ở các địa phương khác cũng tới tưởng nhớ công đức của Thái phó Tấn quốc công. Bà Nguyễn Thị Hoa (quê xã Đông Sơn) cho biết: Tuy sống ở xã Đông Sơn nhưng từ hồi còn con gái bà đã theo mẹ đi các đền, chùa vào dịp mồng một hay ngày rằm, ngày tết. Thói quen đó đã theo bà hàng chục năm nay, và tháng nào cũng vậy, đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan và đền Quả - nơi thờ tự Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là nơi bà tìm đến đầu tiên. Hai ngôi đền này rất linh thiêng và đặc biệt là có cảnh quan rất đẹp khiến cho tâm hồn mình thư thái, nhẹ nhàng.
Di tích Nguyễn Cảnh Hoan vẫn giữ nguyên nét cổ kính xưa. |
Ông Nguyễn Cảnh Khâm – Trưởng Ban quản lý di tích đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan đưa chúng tôi đi tham quan một vòng trong và ngoài ngôi đền mới thấy hết vẻ uy nghi, bề thế, linh thiêng của ngôi đền cổ kính này. Tọa lạc trên khuôn viên 13.290 m2, hiện đền vẫn nguyên vẹn với 3 tòa chính hạ đường, trung đường, thượng đường và những công trình phụ trợ khác. Là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của dòng họ Nguyễn Cảnh và cũng là nơi thờ chính đức thánh Thái phó và 3 vị tiên tổ khác của dòng họ. Những năm gần đây, con cháu dòng họ khắp nơi trong cả nước đã công đức gần 2 tỷ đồng tôn tạo lại di tích đồng thời mở rộng thêm khuôn viên để xứng với công lao to lớn của Thái phó Tấn Quốc công. Điều đáng ghi nhận là dòng họ Nguyễn Cảnh không chỉ làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo di tích mà còn rất quan tâm tới việc giáo dục truyền thống cho con cháu. Và dù công tác sinh sống ở nơi nào thì các dịp tế lớn tại đền như ngày giỗ Nguyễn Cảnh Hoan (15/9 âm lịch); ngày giỗ Liêu quận công Nguyễn Cảnh Quế (17/1 âm lịch); ngày giỗ Thái Bảo Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên (4/8 âm lịch); ngày giỗ Thiếu phó Tạ tư Mã Thắng Quận công Nguyễn Cảnh Hà (5/9 âm lịch). Dòng họ đều tổ chức mừng thọ cho các cụ cao tuổi, khen thưởng cho các cháu có thành tích trong học tập tại đền. Ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng, con cháu trong họ lại về dâng nén hương thơm và cầu mong những điều may mắn, an lành.
Lễ rước thần tại Lễ hội Đền Quả Sơn. |
Tiêu biểu nhất trên địa bàn huyện Đô Lương không thể không nhắc tới đó là di tích lịch sử Truông Bồn và đền Quả Sơn – ngôi đền đứng thứ hai trong 4 ngôi đền linh thiêng nhất xứ Nghệ. Cả hai di tích này đều được đầu tư hàng tỷ đồng từ kinh phí Nhà nước và xã hội hóa. Riêng dự án Khu di tích lịch sử Truông Bồn (xã Mỹ Sơn) đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Truông Bồn với tổng diện tích 21,7 ha, tổng mức đầu tư 365 tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh đầu tư 50 tỷ đồng, còn lại sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp với mục đích xây dựng Truông Bồn trở thành biểu tượng của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam.
Đoàn đại biểu Trung tâm người có công với cách mạng tỉnh Nghệ An về thăm Khu di tích lịch sử Truông Bồn. |
Trao đổi với ông Chu Vĩnh Hiệp, Giám đốc Khu di tích lịch sử Truông Bồn được biết: Hàng ngày Truông Bồn phục vụ và đón hàng trăm lượt khách, những ngày lễ, tết có hàng nghìn lượt khách tới dâng hương, tưởng niệm. Đến với Truông Bồn, du khách sẽ được xem những thước phim tư liệu sống động nhất về Truông Bồn qua các hình ảnh, sa bàn điện tử... thăm quan khu tượng đài biểu tượng cho sự hy sinh oanh liệt của 1.240 liệt sỹ trên cung đường huyền thoại, thắp hương tưởng niệm 13 liệt sỹ tại Nhà tưởng niệm... Cùng với hoạt động tri ân, Khu di tích còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa như trao phần thưởng cho học sinh giỏi, làm lễ kết nạp Đoàn, tổ chức cho các cặp vợ chồng trẻ dâng hương tưởng niệm trước ngày cưới…
Và những trăn trở
Tuy đã có cố gắng trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn nhưng hiện nay nhiều di tích ở Đô Lương đang nằm trong tình trạng xuống cấp, một số di tích (chưa được xếp hạng) xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ trở thành phế tích như: Hầm trú ẩn của cố Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Võ Thúc Đồng (xã Thượng Sơn), đền Khai Long (xã Trung Sơn)... Công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn thiếu những chính sách cụ thể để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Lượng khách đến làm lễ và du lịch tại các di tích còn tập trung vào thời điểm lễ hội đầu năm, khách tham quan (khách đến trong ngày) chiếm tỉ lệ cao nên hiệu quả khai thác các dịch vụ lưu trú thấp. Thời gian cao điểm tổ chức các lễ hội đầu năm, vào khoảng giữa tháng Giêng đến đầu tháng 3 Âm lịch thu hút khoảng 70% khách du lịch cả năm. Số lượng di tích có giá trị đặc sắc có thể khai thác phục vụ hoạt động du lịch chưa nhiều, rải rác trên địa bàn huyện, chương trình lễ hội chưa phong phú. Công tác tuyên truyền về di tích chưa được chú trọng, thông tin về di tích còn hạn chế. Hoạt động tổ chức giới thiệu tại di tích chưa có hoặc chưa được làm một cách khoa học, bài bản.
Làng nghề bánh đa sẽ trở thành sản phẩm đặc trưng nằm trong tour du lịch Đô Lương. |
Bà Nguyễn Thị Lan – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương khẳng định: Với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử phục vụ sinh hoạt văn hóa tâm linh và phát triển du lịch. Thời gian tới, Đô Lương tập trung tôn tạo, mở rộng khuôn viên các di tích đã có quy hoạch được phê duyệt như đền Quả Sơn – xã Bồi Sơn, đền Đức Hoàng – xã Yên Sơn. Tiến hành cắm mốc địa giới khoanh vùng di tích, nhất là những di tích cộng đồng như: đình, đền, chùa. Quy hoạch mở rộng khuôn viên đối với các di tích gắn liền với lễ hội. Tranh thủ sự giúp đỡ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban quản lý di tích – danh thắng tỉnh; Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh để sớm triển khai liên kết các khu, điểm du lịch của huyện với các tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh như tour Du lịch Nam Đàn và vùng phụ cận (trong đó có 4 điểm đến của Đô Lương gồm: Khu di tích lịch sử Truông Bồn (xã Mỹ Sơn), chùa Ba Nàng (xã Mỹ Sơn), đền Quả Sơn và lễ hội đền Quả Sơn (xã Bồi Sơn), làng nghề nồi đất nung (xã Trù Sơn). Đồng thời hình thành các tour du lịch nội huyện như Khu di tích Truông Bồn – Chùa Ba Nàng – đền Đức Hoàng - làng nghề truyền thống bánh đa, kẹo lạc thị trấn - Tượng đài chiến thắng không quân Mỹ - đập Ba ra Đô Lương – đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan - đền Quả Sơn – chùa Bà Bụt – Suối nước nóng Giang Sơn. Gắn với các điểm đến sẽ giới thiệu, quảng bá đặc sản địa phương như: bánh đa, kẹo lạc, bánh mướt, làng dâu tằm tơ…
Thanh Thủy
TIN LIÊN QUAN