Thương con thì đừng bao giờ nói và làm những điều này với con

11/04/2016 16:45

Làm cha mẹ, nếu muốn con mình được phát triển một cách toàn diện và lành mạnh, hãy tránh nói những điều này trước mặt con cái cho dù nó còn là đứa trẻ hay đã trưởng thành.

Đó là những lưỡi dao để lại những vết thương lòng không bao giờ lành khiến tâm hồn của đứa trẻ trở nên tật nguyền.

1. Những lời cạn tình cạn nghĩa

Nhiều bố mẹ Việt mỗi khi nổi giận thường nói vào mặt con mình những lời cực kỳ cay độc kiểu “Cái thứ mày mai mốt có nước đi ăn mày!”, “Tao mà biết mày như vậy thà lúc đẻ ra bóp mũi mày chết cho rồi!”, “Tao không có thứ con như mày!” “Thà đẻ ra hột gà hột vịt còn mang đi bán được!”.

Tôi thực sự không hiểu họ nói ra những câu này với mục đích gì? Hả cơn giận trong lòng mình rồi mặc kệ đứa trẻ cảm thấy đau khổ tủi nhục? Hay để chứng tỏ mình làm cha làm mẹ nên chửi mắng con cái thế nào cũng được?

Những lời như vậy sẽ khiến cho đứa trẻ càng lúc càng lì lợm khó bảo hơn.

2. "Con nhà người ta..."

Câu này nổi tiếng đến mức được dùng trong một số truyện Doraemon chế trên facebook mấy năm gần đây. Nếu “con nhà người ta” kia là bạn của đứa trẻ, tình bạn giữa hai đứa trẻ sẽ vô tình bị người lớn làm tổn thương. Chúng sẽ dẫn đến sự ganh ghét đố kỵ ngấm ngầm.

3. Con là số một

Trái ngược với những bậc phụ huynh luôn chà đạp con mình là những phụ huynh luôn coi con mình là bất khả xâm phạm.

Nếu con vấp ngã, hãy dạy con đi đứng cẩn thận, đừng đổ lỗi cho đất hay đôi dép. Nếu con đánh nhau, đừng vội bênh mà hãy xem ai đúng ai sai và dạy con xin lỗi nếu nó là đứa gây chuyện.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

4. Nói dối

Muốn con đừng quấy khóc hay làm phiền, cha mẹ thường hứa nếu con ngoan sẽ mua quà, hay cuối tuần dẫn đi chơi. Nhưng khi đứa trẻ nhắc lại lời hứa là cha mẹ tìm cách thoái thác, đánh trống lảng hoặc la mắng.

Tồi tệ không kém là cha mẹ dạy con nói dối. Kiểu “Nếu mẹ hỏi ba đi đâu thì bảo con không biết. Đừng nói mấy chú qua rủ ba đi nhậu”, hay “Nếu ba hỏi cái này bao nhiêu tiền thì con phải nói là rẻ lắm”.

Nếu bố mẹ đã dạy con mình từ nhỏ như thế thì sau này đừng bao giờ mắng con mình rằng “Bố mẹ không ngờ con lại nói dối như Cuội!”. Đó là sản phẩm giáo dục của cha mẹ và chính cha mẹ là người hưởng sản phẩm này trực tiếp.

5. Cha mày là người thế này, mẹ mày là người thế kia...

Không phải cuộc hôn nhân nào cũng hạnh phúc, tuy nhiên, nếu mình đã chọn lầm người để kết hôn, hoặc đã tự tay phá hỏng cuộc hôn nhân của mình thì cũng đừng bao giờ nuôi dưỡng con cái trong sự thù hận cha mẹ nó.

Đứa trẻ khi lớn lên có quyền biết sự thật về cha mẹ, có quyền được chọn có nhìn nhận người kia hay không. Nhưng nó không phải là công cụ trả thù hay trút giận vì những lỗi lầm mà nó không hề gây ra.

6. Kể công với con cái

Tôi đã thấy những người đạp xích lô, đổ rác... hi sinh cho con họ học hành đỗ đạt nên người thế nào. Đó là mồ hôi, nước mắt và máu. Nhưng họ chưa bao giờ kể khổ với con mình.

Mẹ vợ tôi là một người phụ nữ mà tôi vô cùng kính nể. Lúc vợ tôi và cậu em vợ còn nhỏ, bà làm đủ tất cả các nghề cực khổ dù không có chồng bên cạnh để nuôi hai con ăn học nên người. Nhưng tất cả những đau khổ bà không bao giờ than thở trước mặt con.

Cha mẹ có nhiệm vụ nuôi con cho tới tuổi trưởng thành, đó là nghĩa vụ được pháp luật quy định và đạo lý bắt buộc. Nếu nghĩ rằng nuôi con quá khổ cực và tốn kém, tốt nhất đừng sinh. Đứa trẻ không bao giờ muốn ra đời để nghe cha mẹ kể lể đã nuôi nó khổ cực thế nào.

7. Ngày trước cha/mẹ muốn trở thành… nhưng không được, bây giờ con phải...

Có những phụ huynh nuôi con như một bản sao của bản thân họ và thúc ép con làm những gì mà họ không thể làm được, bất chấp con mình có năng khiếu hoặc hứng thú hay không.

Cũng có người ép con mình phải chọn ngành nghề kiếm được thật nhiều tiền, dễ thăng tiến để mình được nở mặt nở mày với bà con chòm xóm.

Hãy nhớ đứa con là một thực thể riêng biệt, có đầy đủ suy nghĩ, tính cách và những mặt mạnh yếu khác nhau. Hãy để nó sống như nó muốn, chớ nhào nặn.

8. Tao chết cho mày vừa lòng

“Nếu mày không nghe lời tao, tao chết cho mày vừa lòng!”. Câu này chẳng phải hiếm gặp trong các gia đình Việt. Mỗi lần đọc về những cặp tình nhân trẻ cùng nhau tự tử trong nhà nghỉ, người đầu tiên tôi trách là cha mẹ họ.

Cá nhân tôi có hai nỗi ám ảnh không bao giờ quên được. Năm học lớp 8, tôi theo bố tới nhà riêng của bố để gặp đứa em cùng cha khác mẹ và vợ sau của bố. Mẹ tôi biết được. Bà mang con dao đặt trước mặt tôi bảo: “Để tao đâm chết mày rồi tao tự tử chết!”. Lần đó tôi thực sự sợ đến gần như ngất xỉu.

Lần thứ hai là khi tôi thi không đậu vào trường đại học mà mẹ tôi mong muốn. Mẹ tôi lại mang dao và thuốc ngủ đặt trước mặt tôi và bảo: “Mày chọn một thứ đi, còn thứ kia để lại cho tao!” Những điều đó khiến tôi bị trầm cảm nặng sau này và phải rất khổ sở mới vượt qua. Nhưng nghĩ lại tôi vẫn lạnh người.

9. Những lời khinh rẻ người khác

“Con không ăn hả, cái chú kia ăn mất của con bây giờ!”, “Con mà bỏ đồ chơi lung tung như thế, mấy đứa trẻ hàng xóm nó sẽ ăn cắp đấy!”, “Mày không học hành đàng hoàng thì sau này sẽ đi đổ rác, đạp xích lô hay đi quét đường!” hay “Đừng chơi với mấy đứa nhà nghèo, tụi nó dạy hư cho mày đấy!” ...

Một người đạp xích lô hay hốt rác nếu làm tốt công việc của mình và có lòng tự trọng và đáng kính trọng chứ!

10. Uổng công tao cho mày ăn học để mày cãi lại tao

Nhiều người nhận xét văn hóa tranh luận của người Việt mình kém quá. Văn hóa tranh luận đã bị "giết chết" ngay từ khi con cái muốn tranh luận thẳng thắn với bố mẹ bởi những câu như: “Nuôi cho mày lớn ăn học thành tài để mày giờ đây cãi lại tao!” hay “Áo mặc sao qua khỏi đầu!” hay “Bây giờ các anh các chị khôn lớn đủ lông đủ cánh rồi không coi ông bà già này ra gì nữa phải không?”...

Chính việc người lớn lấy quyền làm cha làm mẹ chèn ép con cái mình sẽ khiến sau này khi con lớn lên sẽ khiếp nhược và khuất phục trước mọi thứ cường quyền mặc dù chúng biết thế nào là lẽ phải.

Việc nghiêm cấm con cái tranh luận với bố mẹ sẽ dẫn đếu một hậu quả nhãn tiền đó là ngoài miệng thì vâng vâng dạ dạ nhưng sau lưng con cái làm những chuyện mà khi bố mẹ biết hậu quả đã quá muộn màng rồi, có hối cũng không kịp. Vì vậy cha mẹ nên cho con quyền được tranh luận để nói lên quan điểm của bản thân trẻ.

Theo Phụ nữ và Gia đình

TIN LIÊN QUAN