Người nặng lòng với hát reo

21/04/2016 04:34

(Baonghean) - Hơn 40 năm qua, ông giáo làng Đặng Quang Liễn (xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu) luôn trăn trở về văn hóa truyền thống của quê hương. Bằng tấm lòng, trách nhiệm, công trình nghiên cứu “Làn điệu hát reo ở Nho Lâm” đã ra đời. Tác phẩm đã được Trung ương Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao giải B (không có giải A) về công trình nghiên cứu xuất sắc và đạt giải B, Giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ 5 của tỉnh…

Là một người có tên tuổi trong làng nghiên cứu nhưng người dân xã Diễn Thọ vẫn quen gọi nhà nghiên cứu Đặng Quang Liễn bằng một cái tên bình dị: Thầy Liễn. Ông cho biết: “Tôi sinh ra ở làng Nho Lâm, vùng đất học nổi tiếng. Ông nội tôi trước làm quan hậu bộ ở Hà Tĩnh, ông ngoại cử nhân Hán học, mẹ cũng là người ham chữ nghĩa nên từ nhỏ đến lớn tôi luôn được đắm mình trong sách vở”. Ông tự hào bởi mẹ ông dù chỉ là một người phụ nữ chân quê nhưng lại thuộc rất nhiều dân ca, ca dao nên từ nhỏ ông được thấm đẫm văn hóa dân gian.

Nhà nghiên cứu Đặng Quang Liễn.
Nhà nghiên cứu Đặng Quang Liễn.

Tình yêu với văn hóa của dân tộc cũng được nhen nhóm qua thời gian. Tuy nhiên, phải đến cuối những năm 50, ông mới bắt đầu tiếp cận việc nghiên cứu. Nhớ lại ngày đó, ông kể: “Có lần tôi được mời tập huấn giáo viên trong Vinh. Giữa giờ ra chơi có một ông cao lêu nghêu đến hỏi: “Cậu ở Nho Lâm chắc là biết hát reo? Nhờ cậu đến nhà bà Hoét Ngọc ghi cho mình bài vè lò rèn với!”.

Người có chiều cao vượt trội và nói giọng Thanh Hóa đặc sệt đó, không ai khác chính là giáo sư Ninh Viết Giao. Với ông, bà Hoét Ngọc thì chẳng có gì xa lạ bởi bà ở ngay trước nhà. Ông cảm thấy giận chính mình, người ở xa như GS Ninh Viết Giao lại thấy quý giá, còn mình, vì ở gần lại không nhận ra được giá trị của những bài hát mà bà Hoét Ngọc vẫn hát hàng ngày. Cũng từ sau dạo ấy, ông bắt đầu tìm hiểu về hát reo và ấp ủ khát vọng sẽ chép lại tất cả những bài hát reo còn lưu giữ trong vùng.

Khó khăn nhất khi đó là đất nước còn chiến tranh, bản thân ông lại còn phải đảm nhận công việc giảng dạy nên không có nhiều thời gian để đi sưu tầm. Phải đến sau hòa bình lập lại, ý tưởng mới từng bước được thực hiện. Ông kể về một kỷ niệm trong quá trình đi thu thập tư liệu: “Có lần tôi đi dạy ở Diễn Phú, trên đường về tình cờ nghe kể có ông Điện Hiền biết rất nhiều làn điệu hát reo. Không chần chừ, tôi tìm đến nhà và ngồi từ 11 giờ trưa đến 5 giờ chiều, quên cả ăn để nghe ông hát. Đoạn nào chưa rõ, tôi nhờ ông hát đi hát lại nhiều lần để chép cho đầy đủ… Thời đó, phương tiện hiện đại chưa có nên tất cả các tư liệu đều chép bằng tay hoặc tự học thuộc trong đầu...”.

Hát reo là điệu hát của những người đi hái củi, cỏ trong ngàn Đại Vạc, trong đó chủ yếu là nam, nữ trai tráng của làng Nho Lâm. “Reo” ở đây nghĩa là reo hò. Thường ngày trước, khi đi gánh củi cỏ vì muốn quên đi mệt nhọc, người dân trong làng vừa đi vừa hát. Làn điệu của hát reo chịu ảnh hưởng sâu sắc của làn điệu vè dặm và các làn điệu dân ca khác của xứ Nghệ. Chỉ khác, vì hát khi đang lao động nặng nhọc, vừa chạy vừa hát nên mỗi người hát một câu. Hát cho đến khi về đến làng mới thôi. Khi câu cuối cùng của bài hát được kết thúc thì tiếng tù và thổi lên inh ỏi, tiếng reo hò làm náo động cả vùng quê.

Mặc dù hát reo là một thể loại âm nhạc dân gian độc đáo và đậm bản sắc vùng miền, thế nhưng, trước khi công trình nghiên cứu “Làn điệu hát reo ở Nho Lâm” của tác giả Đặng Quang Liễn ra đời, rất nhiều người dân trong vùng đã quên lãng. Có thể cũng chính vì điều đó, nên sau khi sách xuất bản và nhận được giải thưởng, bản thân tác giả lại không xem điều đó là quan trọng.

Ngược lại, điều ông mừng hơn cả, đó là làm sống lại một làn điệu, một nét văn hóa dân gian của vùng miền. Nhìn vào công trình nghiên cứu gần 200 trang của tác giả Đặng Quang Liễn cũng mới thấy, đây là một công trình khá công phu. Trong đó, có đầy đủ các tư liệu viết về nguồn gốc, quá trình phát triển của phường hát reo trong vùng. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã công bố hàng chục bài hát reo tiêu biểu mà ông đã thu thập được trong suốt hơn bốn mươi năm qua. Các bài hát được phân tích kỹ càng, thể hiện được những giá trị đặc sắc của làn điệu.

Bên cạnh công trình giàu ý nghĩa này, ít ai biết rằng, thầy giáo Đặng Quang Liễn là người đam mê Hán học và có nhiều công trình xuất bản, trong đó có công trình “Văn bia xứ Nghệ” dày gần 600 trang được ông viết cùng tác giả Đào Tam Tỉnh và Thái Doãn Chất. Ngoài ra, ông cũng tham gia viết cuốn “Diễn Châu địa chí, văn hóa làng xã”, Kho tàng vè xứ Nghệ (9 tập), Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ (4 tập), Văn hóa ẩm thực xứ Nghệ, Trò chơi dân gian xứ Nghệ…

80 tuổi, niềm đam mê viết, đam mê cống hiến cũng giúp ông quên đi tuổi già đang tới. Quan trọng hơn, đó là cách lặng thầm nhất để ông biết mình còn có ích, còn có giá trị với cuộc đời.

Mỹ Hà

link

TIN LIÊN QUAN