Thanh Tùng: Nhạc sĩ, doanh nhân hay…ông lão phong trần?
Nhắc đến Thanh Tùng người ta không khỏi phân vân không biết nên gọi ông là nhạc sĩ, doanh nhân hay một ông lão phong trần ngao du với đời.
Nhắc đến Thanh Tùng, người ta không khỏi phân vân không biết nên gọi ông là nhạc sĩ, doanh nhân hay một ông lão phong trần ngao du với đời. Trong thời điểm 49 ngày ông ra đi, người ta lại nhớ về ông nhiều hơn.
Vào ngày 7/5 sắp tới, sân khấu đặc biệt của đêm nhạc tưởng nhớ ông tại Hà Nội - "Ngôi sao cô đơn", sẽ làm những người yêu mến ông sống lại cảm xúc khó quên.
Cố nhạc sĩ Thanh Tùng. |
Thanh Tùng - Vị nhạc sĩ tài hoa
Nói đến không gian âm nhạc của Thanh Tùng, mọi mỹ từ sẽ trở nên không cần thiết khi ông sở hữu một gia tài đồ sộ thuộc nhiều dòng nhạc. Với cấu trúc các ca khúc vô cùng đa dạng, biến hoá, dựa trên nền tảng học thuật chuẩn mực, được đào tạo và lĩnh hội sâu sắc, nhưng chúng lại luôn vang lên bằng những giai điệu, ca từ giản dị, nhẹ nhàng.
Còn nhớ, năm 1975, chàng trai Thanh Tùng khi đó đặt bút viết ca khúc đầu tay “Cây sầu riêng trổ bông” cho một vở cải lương. Để rồi từ thời điểm đó, mạch nguồn âm nhạc chảy trong ông đã tưới mát cho cuộc đời, cho con người, cho tình yêu bằng những ca khúc bất hủ như "Hát với chú ve con", "Hoàng hôn màu lá", "Chuyện tình của biển", "Lời tỏ tình của mùa xuân", "Ngôi sao cô đơn", "Câu chuyện nhỏ của tôi", "Hoa tím ngoài sân", "Em và tôi", "Phố biển", "Mưa ngâu", "Lối cũ ta về"…
Nhạc sĩ Thanh Tùng viết nhiều và bỏ các tác phẩm dở dang cũng nhiều, ông có trên 200 tác phẩm chính thức và tỏ ra là một người vô cùng nhạy cảm với thái độ thưởng thức của công chúng trong nhiều thời kỳ.
Chính vì vậy mà sau những giai đoạn nghỉ ngơi, dù quay trở lại ở bất cứ thời điểm nào, ông cũng đều để lại những sáng tác bất hủ, có thể điểm lại trong trí nhớ những ca khúc như “Trái tim không ngủ yên”, “Hoa cúc vàng”, “Cơn bão nghiêng đêm”,… là những tâm sự đương đại ra đời vào thời điểm chuyển mình của nhạc nhẹ, giờ đây cũng đã trở thành những ca khúc bất hủ của vị nhạc sĩ tài hoa.
Thanh Tùng - Vị doanh nhân thành đạt
Nói đến giới nghệ sĩ, nhiều người thường hình dung ra sự lãng mạn nhưng đa mang, nghèo khổ trong đời sống riêng tư. Thanh Tùng lại khác. Ngoài viết nhạc ông còn đam mê kinh doanh và đầu tư ở nhiều lĩnh vực từ khai thác nước khoáng thiên nhiên đến bất động sản, nhà hàng. Và trong đầu tư, kinh doanh, ông luôn thể hiện mình là một người nhạy bén.
Ở thời kỳ đỉnh cao, công việc làm ăn phát triển lớn, ông luôn ủng hộ tiền bạc cho các trại trẻ mồ côi, nhất là ở địa bàn quận Ba Đình - Hà Nội - nơi chất chứa bao kỷ niệm hạnh phúc của ông và người vợ hiền dịu. Và vì yêu trẻ nhỏ, nhạc sĩ Thanh Tùng luôn khuyên các em bên họ ngoại hãy sinh con thật nhiều cho vui cửa vui nhà.
Chính nhờ tài kinh doanh mà Thanh Tùng luôn duy trì cho cuộc sống gia đình mình đầy đủ. Trong khi nhiều nghệ sĩ khác phải lo chuyện cơm áo gạo tiền thì cuộc sống gia đình Thanh Tùng lại khá dư dả. Ông thường đưa vợ con đi du lịch nhiều nơi .
Sau khi vợ mất, cũng nhờ tài kinh doanh mà Thanh Tùng có thể duy trì cho 3 người con: Bách, Thông, Bạch Dương, một cuộc sống đầy đủ về vật chất và chế độ giáo dục tốt nhất, để giờ đây cả ba đều khá giả và có cuộc sống ổn định.
Ông lão phong trần ngao du đường đời
Lúc sinh thời, nhạc sỹ Thanh Tùng nổi tiếng là người đào hoa, đa tình và tài ba. Vì lẽ đó, cuộc đời của ông tràn ngập các bóng hồng từ Nam ra Bắc. Và đó cũng là lý do mà khi nói đến âm nhạc của ông, người ta thường nhắc đến những “nàng thơ”. Họ chính là ngọn nguồn cảm hứng, là căn nguyên nỗi buồn vui và là chất xúc tác cho sự thăng hoa khiến ông phải cầm bút lên để viết.
Thanh Tùng đã từng nhiều lần nhắc đến những “nàng thơ” ấy. Những cái tên: Ngọc Bích, Ngọc Thúy, Tôn Nữ Minh Tâm… là “nguyên cớ” cho những “Chuyện tình của biển", "Giọt nắng bên thềm", "Phố biển", "Hát với chú ve con", "Hoa tím ngoài sân", "Lời tỏ tình của mùa Xuân", "Trái tim không ngủ yên"... ra đời đã được ông kể lại trong những lần trà dư tửu hậu cùng bè bạn.
Nói là vậy nhưng thực tế thì Thanh Tùng chưa viết bài hát tặng riêng cho người đẹp nào cả. Ông chỉ viết tặng riêng cho người vợ yêu quý của mình.
Những “nàng thơ” trong ca khúc của ông xuất hiện cũng không rõ, ví như mái tóc cô này, nụ cười cô kia, mùi thơm cô nọ… Sẽ là mâu thuẫn khi nói một người yêu nhiều lại là một người chung thuỷ. Nhưng đó là sự thật trong cuộc sống tình cảm của nhạc sỹ Thanh Tùng.
Kể từ khi người vợ hiền mất đi, nhạc sĩ Thanh Tùng sống một đời cô đơn, ngao du. Chính người con gái của ông là Bạch Dương đã chia sẻ, cô nhiều lúc nhìn thấy cha mình cô đơn, uống rượu say. Bạch Dương cũng sẽ có mặt trong chương trình tưởng nhớ bố là “Ngôi sao cô đơn” ngày 7/5 tới tại Hà Nội, để chia sẻ thêm những kỷ niệm về người bố của mình.
Ai yêu nhạc Thanh Tùng, hẳn đều biết mối tình vĩ đại của ông dành cho người vợ quá cố của mình. Câu chuyện tình yêu bất tử, sống mãi cùng những nốt nhạc, những câu hát của ông và sẽ còn được ngân nga đến hàng chục, hàng trăm năm nữa. Chắc chỉ đến khi con người không còn biết yêu, người ta mới thôi nhớ về nhạc của Thanh Tùng, thôi nhớ về những Một mình, Hoa cúc vàng, Ngôi sao cô đơn…
"Vắng em đời còn ai với ai. Ngất ngây men rượu say. Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ. Cô đơn, cùng với tôi về". Những lời ca trong “Một mình” sẽ còn được ngân nga mãi như để minh chứng cho tình yêu mãnh liệt của Thanh Tùng với người vợ tri âm, tri kỷ./.
Theo VOV