Phát huy hiệu quả kinh tế vườn đồi

10/08/2016 10:51

(Baonghean.vn) - Phong trào cải tạo vườn tạp và phát triển kinh tế vườn đồi trên địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An) phát triển rất mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Vườn đồi ở đập Cầu Cau được trồng chè phát huy hiệu quả kinh tế bền vững. Nơi đây còn được đưa vào khai thác du lịch.
Vườn đồi ở đập Cầu Cau (Thanh An- Thanh Chương) được trồng chè, phát huy hiệu quả kinh tế bền vững. Nơi đây còn được đưa vào khai thác du lịch.

Anh Võ Văn Lành ở xóm 10, xã Thanh Nho (Thanh Chương) tiến hành cải tạo 1 ha vườn tạp tiến hành trồng 200 gốc cam V2. Nhờ chăm sóc tốt, vườn cam gia đình anh phát triển tốt, đem lại giá trị kinh tế cao. Anh Lành cho rằng: "Cam là loại cây dễ trồng, nếu chăm sóc phòng trừ sâu bệnh tốt mỗi năm 1 ha có thể cho thu nhập 250 triệu đồng".

Còn ông Đinh Quang Chương, sau khi nghỉ hưu, ông cùng vợ là Nguyễn Thị Diên về quê ở Thôn Trung, xã Thanh Lĩnh mua 5 sào đất đồi để làm nhà và làm vườn. Ông bắt đầu làm vườn từ việc trồng tiêu, bưởi, hồng và một số loại cây ăn quả khác phù hợp trên đất đồi. Được sự hỗ trợ kỹ thuật ông đã từng bước lai ghép thành công giống hồng Thạch Thất có ưu điểm là to quả với giống hồng địa phương có vị ngọt thơm và sức sống tốt thành một giống hồng mới. Với chất lượng thơm ngon, không hạt những quả hồng từ vườn nhà ông đã được thị trường ưa chuộng. Từ đó ông đã nhân mỗi năm bán ra hàng ngàn cây giống, đưa lại cho gia đình ông hàng chục triệu đồng.

Mô hình hồng không hạt của vợ chồng Nguyễn Thị Diên (xã Thanh Lĩnh) được nhiều người mua giống.
Mô hình hồng không hạt của vợ chồng Nguyễn Thị Diên (xã Thanh Lĩnh) được nhiều người mua giống.

Là huyện miền núi có nhiều lợi thế về đất đai vườn đồi, nhân dân Thanh Chương đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi, sản xuất hiệu quả. Theo thống kê của Hội làm vườn, toàn huyện đã có khoảng 20.000 hộ tiến hành cải tạo vườn tạp, mở rộng đất trống, đồi núi trọc làm kinh tế.

Trong số các loại cây ăn quả nổi tiếng nhất là cây cam V2, cam bù, cam Sen Cát Ngạn, cam Hương Sơn được trồng tại các Tổng đội TNXP và các xã liền kề trong vùng với tổng số khoảng 400 ha và nhiều hộ trồng hồng, thanh long, mít… rải rác ở tất cả các xã.

Mít là một trong những cây trồng lợi thế ở vườn đồi Thanh Chương. Hiện nhiều gia đình đưa giống mới vào trồng theo hướng hàng hóa.
Mít là một trong những cây trồng lợi thế ở vườn đồi Thanh Chương. Hiện nhiều gia đình đưa giống mới vào trồng theo hướng hàng hóa.

Cùng đó, cây trám đen với lợi thế dễ trồng, ít sâu bệnh và hiệu quả kinh tế rất cao. Nét đáng chú ý là huyện đã xây dựng thành công dự án, hàng năm tự ghép và nhân giống được 2.000 - 3.000 cây giống tốt để phục vụ nhân dân.

Nhiều mô hình vườn đồi VAC tổng hợp đã cho tổng doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Trong tổng số 355 trang trại, có 33 trang trại đạt theo Thông tư 27/BNN của Bộ NN&PTNT. Bình quân tổng giá trị sản lượng hàng hóa hàng năm/lao động là 138,9 triệu đồng/ trang trại; bình quân giá trị sản lượng hàng năm là 392,4 triệu đồng/trang trại.

Trồng thanh long hàng hóa là hướng đi mới của nhiều gia đình ở Thanh Chương.
Trồng thanh long hàng hóa là hướng đi mới của nhiều gia đình ở Thanh Chương.

Theo tính toán sơ bộ, kinh tế vườn đồi đóng góp hơn 50% nguồn thu nội ngành nông nghiệp Thanh Chương. Để phát huy giá trị kinh tế vườn đồi, chính quyền huyện chỉ đạo các ngành tăng cường phổ biến kiến thức KHTK cho nông dân; tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ thực vật, cung cấp giống, thức ăn đạt chuẩn và chú trọng liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm vườn đồi.

Trần Đình Hà

TIN LIÊN QUAN