Học phí mới - cần phù hợp thu nhập người dân

03/08/2016 09:45

(Baonghean) - Chính sách học phí mới đang được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua để áp dụng vào năm học 2016 - 2017. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về cơ sở xác định mức thu đối với các bậc học để phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và thu nhập của người dân.

Cơ sở thực tiễn và pháp lý

Trường THCS Thanh Lương, huyện Thanh Chương có quy mô học sinh khoảng 350 học sinh, gồm 13 lớp học. Do địa bàn trường thuộc miền núi khu vực I, nên mức đóng học phí là 20.000 đồng/học sinh/tháng. Như vậy, tính tổng mỗi năm học, nhà trường thu từ học phí khoảng 60 triệu đồng.

Theo quy định về mức chi từ nguồn học phí có 40% chi bù trả lương cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; 60% còn lại thì có 35% được chi cho mua sắm, sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất và 65% chi các hoạt động khác của nhà trường, bao gồm chi bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, tổ chức thi cử, tập huấn, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, công tác phí, tiền điện, nước, lương bảo vệ nhà trường,...

Học sinh Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (Nam Đàn) duyệt đội hình trong lễ khai giảng.
Học sinh Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (Nam Đàn) duyệt đội hình trong lễ khai giảng.

Thầy Lê Như Huân - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Lương, cho rằng: Với mức thu như vậy không đáp ứng nhu cầu chi của nhà trường, nhất là các hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Bởi thực tế, nguồn từ ngân sách cho các hoạt động chi khác trong nhà trường rất nhỏ; nguồn thu từ xã hội hóa chỉ phục vụ đầu tư cơ sở vật chất như sửa chữa phòng học, bàn ghế học sinh, mua sắm trang thiết bị, máy tính, máy chiếu…

Tương tự, ở Trường THPT Quỳnh Lưu I, việc thu học phí được thực hiện theo quy định với mức thu 70.000 đồng/học sinh/tháng. Với khoảng 1.600 học sinh, bình quân mỗi năm nhà trường thu khoảng 800 triệu đồng tiền học phí. Trong số đó 40% chi bù lương, tương đương 320 triệu đồng; 35% trong 60% tổng số thu, tương đương gần 170 triệu đồng chi vào cơ sở vật chất; số còn lại 65% trong 60% tổng thu, tương đương trên 300 triệu đồng chi cho các hoạt động của nhà trường. Chính vì vậy, nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động chuyên môn của nhà trường vô cùng khó khăn.

Thầy giáo Nguyễn Hải Thanh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Cần phải tính đủ cho các cơ sở giáo dục, đáp ứng nhu cầu các hoạt động tổi thiểu trong các trường. Muốn vậy, bên cạnh ngân sách Nhà nước cấp đủ dự toán chi thường xuyên cho các trường, đảm bảo 18% tổng nguồn ngân sách được cấp cho từng cơ sở giáo dục thì cũng cần điều chỉnh tăng thu học phí để người dân chia sẻ cùng với Nhà nước trong việc lo chung đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo.

Xét về góc độ pháp lý, chủ trương xã hội hóa trong các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao được Chính phủ quy định tại Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP, ngày 18/04/2005; còn việc thu học phí được coi là một hình thức xã hội hóa, được quy định cụ thể tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, và nay được thay thế bằng Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 2/10/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Một lớp học trẻ 5 tuổi Trường mầm non Hưng Dũng, thành phố Vinh
Một lớp học trẻ 5 tuổi Trường Mầm non Hưng Dũng (thành phố Vinh).

Để tạo cơ sở cho các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện thu học phí trong năm học 2016 - 2017, UBND tỉnh đã có tờ trình về việc ban hành quy định mức thu học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập trong các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021.

Cần đảm bảo phù hợp

Rõ ràng, việc đề xuất HĐND tỉnh ban hành chính sách tăng học phí của UBND tỉnh lần này là hoàn toàn hợp lý, xét cả về cơ sở thực tiễn và tính pháp lý. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu thực tế, chúng tôi ghi nhận khá nhiều ý kiến cho rằng, việc xác định mức tăng học phí như thế nào cho hợp lý là cần phải được tính toán, cân nhắc một cách cụ thể.

Theo khung học phí mới đối với giáo dục mầm non, phổ thông được quy định trong Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ phân chia theo từng khu vực. Và theo đó, khung học phí mà UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét và thông qua tại kỳ họp tới được chia làm 4 khu vực. Cụ thể, bậc mầm non, khu vực thành phố Vinh có mức thu 235.000 đồng/học sinh/tháng; thị xã Cửa Lò, các phường thuộc thị xã Hoàng Mai, thị trấn các huyện đồng bằng là 205.000 đồng/học sinh/tháng; khu vực nông thôn là 110.000 đồng/học sinh/tháng; khu vực miền núi là 50.000 đồng/học sinh/tháng.

Đối với bậc THCS, khu vực thành phố Vinh là 100.000 đồng/học sinh/tháng; thị xã Cửa Lò, các phường thuộc thị xã Hoàng Mai, thị trấn các huyện đồng bằng là 90.000 đồng/học sinh/tháng; khu vực nông thôn là 50.000 đồng/học sinh/tháng; khu vực miền núi là 30.000 đồng/học sinh/tháng. Đối với bậc THPT và giáo dục thường xuyên, khu vực thành phố Vinh là 150.000 đồng/học sinh/tháng; thị xã Cửa Lò, các phường thuộc thị xã Hoàng Mai, thị trấn các huyện đồng bằng là 140.000 đồng/học sinh/tháng; khu vực nông thôn là 100.000 đồng/học sinh/tháng; miền núi là 50.000 đồng/học sinh/tháng.

Trên cơ sở so sánh khung học phí mà Chính phủ quy định với đề xuất mức học phí mới do UBND tỉnh trình, ông Phạm Huy Đức - nguyên Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo, cho rằng, mức thu học phí mới mà tỉnh đề ra là quá cao so với điều kiện kinh tế và mức thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, việc phân chia khu vực để tính mức học phí cũng còn cứng nhắc.

Đơn cử như thành phố Vinh được quy định một mức thu học phí chung, tuy nhiên trong thực tế, điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân ở một số xã vùng ngoại thành cũng đang còn rất thấp, không khác như vùng nông thôn như xã Hưng Hòa, Nghi Đức, Nghi Phú... Đồng tình với quan điểm của ông Phạm Huy Đức, ông Lê Tiến Hưng - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, cho rằng: Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ nêu rất rõ, mức thu học phí phải phù hợp điều kiện kinh tế của tỉnh và đời sống của người dân. Theo đó, khung học phí mà Chính phủ đưa ra với biên độ giao động lớn, từ 60.000 - 300.000 đồng/học sinh/tháng ở khu vực thành thị; 30.000 - 120.000 đồng/học sinh/tháng khu vực nông thôn; 8.000 - 60.000 đồng/học sinh/tháng khu vực miền núi. Vậy, điều kiện kinh tế và mức sống của người dân Nghệ An đang ở mức độ nào so với cả nước cần phải được đánh giá chính xác để xây dựng mức thu hợp lý.

Một tiết học tại Trường tiểu học Vân Diên, huyện Nam Đàn
Một tiết học tại Trường Tiểu học Vân Diên, huyện Nam Đàn.

Nếu kinh tế và đời sống của người dân Nghệ An đạt ở mức trung bình thì nghĩa là mức học phí nằm ở khoảng 50% khung; nếu ở trên mức trung bình thì nằm ở mức 60 - 70% khung... Việc tăng học phí là một chủ trương đúng và cần thiết, tuy nhiên HĐND tỉnh cần tiến hành nghiên cứu, xem xét một cách thận trọng để quyết định mức thu hợp lý để vừa không tạo khó khăn cho người dân, vừa tạo điều kiện cho ngành Giáo dục hoạt động.

Ở góc nhìn cụ thể, thầy giáo Lê Như Huân - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Lương, huyện Thanh Chương, cho rằng, nếu theo mức học phí mới, mỗi học sinh sẽ tăng thêm 10.000 đồng/tháng thì không lớn. Song với người dân Thanh Lương nói riêng và Thanh Chương nói chung, đời sống hiện rất khó khăn lại phải “gánh” nhiều khoản đóng góp, nhất là đóng góp xây dựng nông thôn mới thì thêm một khoản nào cũng tạo khó khăn cho họ.

Còn chị Nguyễn Thị Hường, xóm Ba Nghè, xã Thanh Giang (Thanh Chương), hiện có 3 đứa con đang theo học ở 3 cấp: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, tâm sự: “Giá cả tiêu dùng thì thấy cấy chi cũng tăng nhưng các loại nông sản bà con nông dân bầy tui sản xuất nỏ thấy tăng chi cả. Giờ học phí tăng nữa, những gia đình nông dân lại tăng thêm một khoản chi nữa, thêm khó khăn”.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho rằng: Xét về điều kiện kinh tế, Nghệ An đang là tỉnh gặp nhiều khó khăn. Mức thu nhập và đời sống của người dân chưa cao và có sự chênh lệnh lớn giữa vùng thành thị, nông thôn và miền núi, đặc biệt là miền núi cao.

Bởi vậy, quá trình tham mưu mức thu học phí mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm xây dựng phân chia thành mức học phí ở 4 vùng miền. Mặt khác, tuy là tỉnh có điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng chất lượng giáo dục Nghệ An luôn đứng đầu cả nước, trong đó nhờ vào sự quan tâm ủng hộ và đóng góp rất lớn của nhân dân, phụ huynh học sinh thông qua đóng góp học phí, đóng góp xã hội hóa.

Vì vậy, mức thu học phí tại Nghệ An những năm qua luôn cao hơn các địa phương có cùng điều kiện; và mức tăng học phí mới lần này cũng mong muốn người dân chia sẻ cùng với ngân sách khi điều kiện của tỉnh còn khó khăn để chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo chung của tỉnh nhà.

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN