500 triệu đồng từ thẻ ATM của khách hàng bị bay khỏi tài khoản

12/08/2016 15:37

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Vietcombank phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ phản ánh của khách hàng, về việc 500 triệu đồng không cánh mà bay khỏi thẻ ATM.

Đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) xác nhận, phía ngân hàng nhận được phản ánh của chị H.T.N Hương (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) về việc 500 triệu đồng trong tài khoản số 001100115xxxx của chị được mở tại Vietcombank, chi nhánh Trần Quang Khải không cánh mà bay.

Mất 500 triệu bằng 7 lần giao dịch, được trả lại 300 triệu

Cụ thể, vào lúc 12h56 ngày 4/8/2016, dù không giao dịch gì, nhưng tài khoản của chị Hương bỗng dưng bị trừ số tiền 100 triệu đồng. Đến 5h17 ngày 5/8/2016, tài khoản trên lại tự động thực hiện thêm 3 giao dịch qua Internet banking, mỗi giao dịch trừ thêm số tiền 100 triệu đồng nữa.

 500 trieu dong cua khach hang bay khoi the ATM Vietcombank hinh anh 1
Tài khoản của chị Hương liên tiếp bị trừ tiền dù chị không thực hiện giao dịch. Ảnh: VOV.

Tổng cộng sau 7 giao dịch như thế, tài khoản của chị bị trừ 500 triệu đồng. Đồng thời chị Hương cũng nhận được tin nhắn từ ngân hàng báo số dư tài khoản qua email, nhưng không báo bằng tin nhắn mã OTP như thường có khi giao dịch.

Thấy bất thường, chị Hương gọi điện cho Vietcombank để thông báo và khóa tài khoản vào lúc 7h50, ngày 5/8/2016.

Đến sáng ngày 8/8 vừa qua, sau khi yêu cầu chị Hương làm đơn tra soát, phòng giao dịch của Vietcombank ở Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) đã chuyển lại số tiền 300 triệu đồng cho chị Hương.

200 triệu đồng còn lại của chị Hương vẫn “biến mất”.

Sáng 12/8, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, NHNN đã yêu cầu Vietcombank phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ phản ánh trên, và sẽ sớm có thông tin chính thức.

Công an đã có manh mối

Trong khi đó, đại diện Vietcombank cho biết trong sáng nay ngân hàng sẽ làm việc với cơ quan điều tra để làm rõ sự việc.

“Có một trang web giả mạo giống website của Vietcombank, nhưng lại đưa khách hàng tới một đường dẫn hoàn toàn khác, gây ra sự cố trên. Công an đã tìm ra dấu vết, nhưng hiện khách hàng không phối hợp với cơ quan điều tra”, đại diện ngân hàng nói.

Khẳng định manh mối nằm ngay trên máy của khách hàng, ngân hàng cho hay vì khách chưa phối hợp nên công tác điều tra đang gặp khó khăn.

 500 trieu dong cua khach hang bay khoi the ATM Vietcombank hinh anh 2
NHNN cho biết, đang yêu cầu Vietcombank phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ phản ánh của khách hàng về việc 500 triệu đồng không cánh mà bay khỏi thẻ ATM. Ảnh: Duy Tín.

“Không có chuyện hệ thống bảo mật của ngân hàng bị hack. Hack là tấn công vào một tổ chức, còn trường hợp trên chỉ gọi là Phishing, nghĩa là họ lấy cắp tài khoản của từng người dùng một. Hệ thống bảo mật của chúng tôi không có vấn đề gì cả”, đại diện Vietcombank nhấn mạnh.

Ngân hàng cho biết thêm, không thể nói ngân hàng “đền bù” cho khách hàng số tiền 300 triệu đồng, mà “đây là tổn thất ngân hàng thu giữ được cho khách sau sự cố trên”.

“Chúng tôi chưa muốn công bố nhiều thông tin, bởi như thế sẽ làm nhiễu loạn công cuộc điều tra. Trong buổi làm việc chiều qua (11/8), chúng tôi đã có nhiều trao đổi sâu với khách hàng Hương về việc này”, vị đại diện nói.

Có thể khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trước phản hồi từ ngân hàng, chị Hương cho biết, chị đã yêu cầu tất cả mọi vấn đề làm việc giữa mình và ngân hàng cần qua đường công văn. "Họ nên trả lời tôi là điều tra như thế nào, và bao giờ thì trả lại tiền cho tôi”, chị Hương nói.

Khách hàng này cho biết thêm, chị chủ yếu thực hiện các giao dịch trên máy tính chứ không cài apps giao dịch vào điện thoại. Chị cũng không click vào website lạ như phía ngân hàng nói.

“Tôi mới ở nước ngoài về ngày 18/7 nên chẳng có giao dịch gì cả. Tôi nghĩ tôi không vào web lạ nào. Tôi đăng ký nhận mã OTP qua điện thoại, nhưng thời điểm phát sinh giao dịch tôi lại không nhận được tin nhắn có mã OTP nào cả. Tôi nghĩ hệ thống của ngân hàng có vấn đề, vì nếu không tại sao tôi không nhận được mã OTP mà lại bị chuyển khoản?”, chị Hương nói thêm.

Chia sẻ với Zing.vn, chị Hương cho biết số tiền trên chị mới chuyển vào tài khoản ATM để chuẩn bị cho một thanh toán quan trọng vào hôm sau. Nhưng chưa kịp thực hiện thì sự cố xảy ra với 4 giao dịch chuyển từ thẻ qua thẻ và 3 giao dịch Internet banking.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch nhận định, trường hợp này đã có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

“Việc cần phải làm lúc này của khách hàng là ngay lập tức làm đơn trình báo lên Cơ quan điều tra, phối hợp chặt chẽ với ngân hàng và Cơ quan điều tra để cung cấp thông tin một cách trung thực, nhằm nhanh chóng xác định được hành vi cũng như đối tượng phạm tội nhằm giảm thiểu các thiệt hại”, luật sư Tuấn Anh nói.

Theo luật sư này, trong trường hợp xác định có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan điều tra cần phải khởi tố vụ án về Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, để điều tra và tìm ra người thực hiện hành vi phạm tội.

Còn về trách nhiệm dân sự, do hành vi này có dấu hiệu của tội phạm, vì vậy chị Hương sẽ được xác định là người bị hại trong vụ án. Chị có quyền làm đơn, đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng buộc người phạm tội phải bồi thường lại cho mình toàn bộ số tiền đã bị chiếm đoạt.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, cơ quan điều tra cũng cần phải làm rõ lỗi của các bên liên quan (như ngân hàng, khách hàng....). Đặc biệt là có hay không lỗi bảo mật từ phía ngân hàng, để ngay lập tức có phương án xử lý, tránh việc gây ra thiệt hại cho khách hàng.

Trong những ngày qua, Vietcombank cũng liên tục gửi tin nhắn và thư điện tử khuyến cáo khách hàng của mình phòng tránh rủi ro trong giao dịch và sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến.

Phía ngân hàng cho biết, hiện có nhiều phương thức được kẻ gian sử dụng để lừa đảo khách hàng, như giả mạo cán bộ Vietcombank lừa chuyển tiền, làm giả thông báo hoặc màn hình đăng nhận tài khoản VCB-iB@nking …

“Khách hàng tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin bảo mật dịch vụ, như tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã xác thực giao dịch OTP, mã kích hoạt Smart OTP, địa chỉ email và thông tin cá nhân cho bất kỳ ai và bất kỳ hình thức nào”, Vietcombank khuyến cáo.

Đây không phải lần đầu Vietcombank gửi tin nhắn cảnh báo trên toàn hệ thống về nguy cơ mất an toàn thông tin thẻ.

Một số ngân hàng khác như TPBank, Viettinbank, VIB, Sacombank… gần đây cũng liên tục đưa ra cảnh báo về giao dịch ngân hàng điện tử, đặc biệt sau sự cố hàng không cuối tháng trước.

Theo Zing.vn

TIN LIÊN QUAN