Kỳ II: Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay
Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước đều nêu rõ: Tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán...
Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước đều nêu rõ: Tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán...
Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An, 5 tháng đầu năm 2011, tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chiếm 10,3% trong tổng dư nợ. Trong đó, riêng dư nợ cho vay bất động sản gần 2.000 tỷđồng. Thực tế cho thấy các tổ chức tín dụng vẫn chưa chấp hành nghiêm các chủ trương của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước trung ương. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp luôn luôn khát vốn thì lại khó tiếp cận vốn vay, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo khảo sát của Chương trình hỗ trợ khu vực doanh nghiệp (BSPS) trên địa bàn tỉnh, khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Cản trở lớn nhất đến việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng là các điều kiện cho vay quá chặt và thủ tục hành chính phức tạp.
Chế biến gỗ tại doanh nghiệp tư nhân Long Thắng (Nghi Phú - TP. Vinh).
Thời gian thẩm định hồ sơ vay vốn đối với doanh nghiệp còn kéo dài, quy trình chưa rút gọn, như vậy, có thể làm mất cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp còn phải chấp nhận lệ phí vay cao và thậm chí phải chi những khoản phí vay không chính thức.
Ngoài ra, khá nhiều doanh nghiệp cho rằng các ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng còn có sự phân biệt giữa các loại hình doanh nghiệp- doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước trong các hoạt động cho vay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, không đủ tài sản thế chấp, khả năng lập phương án kinh doanh và trả nợ vốn vay đáp ứng yêu cầu còn hạn chế, hệ thống kế toán chưa được minh bạch và đầy đủ.
Bà Phạm Thị Hồng Thái - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nghệ An cho biết: Hàng nghìn doanh nghiệp thành viên đều than thở với chúng tôi là khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Với vai trò của Hội, chúng tôi rất trăn trở về vấn đề này trong nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có hướng tháo gỡ. Các tổ chức tín dụng luôn có nguyên tắc khắt khe của họ, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa thì vờn quanh, khó gặp nhau. Hơn nữa, trong giai đoạn lạm phát cao, lãi suất ngân hàng tăng cao 22- 28%/năm, doanh nghiệp càng vay, càng cố gắng làm, càng lỗ nặng, không chịu nổi.
Bà Hồ Thị Tân- Chủ nhiệm HTX Quyết Thành chia sẻ: Mặc dù đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện thế chấp, chúng tôi đi khắp các ngân hàng để vay vốn nhưng đều nhận được câu trả lời "năm nay thực hiện chủ trương thắt chặt tín dụng, ngân hàng không có nguồn để cho vay". Tưởng đã hết hy vọng, song may mắn nhờ có người quen ở một ngân hàng nọ, doanh nghiệp đã vay được vốn với lãi suất 22%/năm.
Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong - ông Thái Đại Phong thổ lộ: Năm nay kế hoạch của công ty là mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động làng nghề trong tỉnh, nhưng do lãi suất ngân hàng tăng quá cao nên doanh nghiệp phải dừng lại kế hoạch của mình. Bởi lo vay được vốn đã khó, lo sản xuất kinh doanh như thế nào đểđủ kinh phí trả lãi suất vay lại càng khó hơn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thương bức xúc: Doanh nghiệp chúng tôi cần vay vốn 1 tỷđồng để mở rộng sản xuất kinh doanh và thu hút nhân lực, đầu năm 2011, tôi cầm bìa đất ở của gia đình để thế chấp ngân hàng xin được vay vốn. Theo giá thị trường thì lô đất ở và căn nhà 2 tầng của gia đình trị giá hơn 5 tỷđồng, nhưng ngân hàng chỉđịnh giá được 2,2 tỷđồng, và xét cho doanh nghiệp chỉđược vay 300 triệu đồng.
Thế nhưng, điều đáng nói là từđó đến nay doanh nghiệp chờđợi đã 4 tháng trời trôi qua, tốn kém biết bao công sức và thời gian đi lại, song vẫn chỉ nhận được câu trả lời từ phía ngân hàng là: chờ cấp trên ký duyệt. Doanh nghiệp kiên trì chờđợi mỏi mòn và không biết đến bao giờ mới được giải ngân? Làm ăn không phải lúc nào cũng có cơ hội. Hiện tại, doanh nghiệp đang rất khó khăn về vốn, ngân hàng không cho vay, dẫn đến ngưng trệ sản xuất, công nhân không có việc làm. Bình quân hàng tháng riêng tiền chi trả lương cho 50 lao động của Công ty đã hết hơn 100 triệu đồng/tháng... đang dồn doanh nghiệp đến bế tắc...
Thiết nghĩ, trong khi Nhà nước đã có cơ chế chính sách ưu tiên vốn vay cho khu vực doanh nghiệp sản xuất, thúc đẩy lưu thông hàng hoá, cớ sao các ngành, các cơ quan chức năng thực thi lại không thực hiện một cách minh bạch, công bằng đểđảm bảo lợi ích chung? Những vướng mắc trong giải ngân vốn cho doanh nghiệp cần được giải quyết thoảđáng.
Quỳnh Lan