Gặt lúa chạy lụt và bài toán sau thu hoạch
Mực nước tại các sông trên địa bàn tỉnh đang dâng lên cao, đe dọa hơn 4000 ha lúa đang ngập trong nước. Hiện nay bà con nông dân đang khẩn trương tiến hành thu hoạch số diện tích lúa đã chín nhằm tránh những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, công tác phơi sấy lúa đang gặp rất nhiều khó khăn trong thời tiết mưa như hiện nay.
(Baonghean) - Mực nước tại các sông trên địa bàn tỉnh đang dâng lên cao, đe dọa hơn 4000 ha lúa đang ngập trong nước. Hiện nay bà con nông dân đang khẩn trương tiến hành thu hoạch số diện tích lúa đã chín nhằm tránh những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, công tác phơi sấy lúa đang gặp rất nhiều khó khăn trong thời tiết mưa như hiện nay.
Sau 3 ngày mưa lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hơn 4000 ha lúa vụ hè thu đã đến thời kỳ thu hoạch trên địa bàn toàn tỉnh đã bị ngập trong biển nước. Nhiều diện tích lúa bị đổ, gãy và ngâm trong nước nên đã bắt đầu có hiện tượng nảy mầm. Hiện nay, mực nước tại các sông trên địa bàn toàn tỉnh đang tiếp tục dâng lên cao và có nguy cơ lũ lụt. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống mưa lũ, trong đó khẩn trương tiến hành thu hoạch diện tích lúa bị ngập.
Theo báo cáo của BCH PCLB huyện Nam Đàn, đến thời điểm này, toàn huyện có 784 ha lúa bị ngập, hỏng trong đợt mưa vừa qua. Những xã có diện tích lúa bị ngập nhiều như Nam Tân, Nam Lộc, Nam Thượng, Khánh Sơn... Đây là những xã nằm ngoài đê nên mực nước sông dâng lên nhanh, mực nước nội đồng không thể thoát được, đã kéo theo hàng trăm ha lúa đang đến thời kỳ thu hoạch bị ngâm trong nước. Trước tình hình đó, UBND huyện Nam Đàn đã có công văn gửi các xã yêu cầu người dân thu hoạch số diện tích lúa bị ngâm trong nước trước khi mực nước tiếp tục dâng lên.
Thu hoạch lúa ở xã Nam Tân (Nam Đàn).
Nam Tân là một trong những địa phương có diện tích lúa ngập nhiều trên toàn huyện. Ông Phạm Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Tân cho biết: Vụ hè thu năm nay, xã Nam Tân tiến hành gieo cấy 110 ha lúa nhưng hiện nay đã có đến hơn 75ha đang bị ngập úng. Là địa phương tiến hành gieo cấy sớm nhất trong toàn huyện nên khi cây lúa đến kỳ thu hoạch thì trúng vào dịp mưa lũ. Trong 2 ngày qua, sau khi ngớt mưa, bà con nông dân đã ra đồng thu hoạch lúa trước khi lũ về. Gia đình anh Nguyễn Trọng Lương (xóm 4, xã Nam Tân) gieo trồng hơn 4 sào lúa thì đã đến 3 sào lúa bị đổ và ngập trong nước. Do bị ngâm trong nước mấy ngày qua nên hầu hết số lúa này đã mọc mầm. Vừa ôm bó lúa trên tay, anh Lương ngậm ngùi: Do mưa to quá, không thu hoạch kịp nên mấy sào lúa đã chín rộ đều đổ xuống và ngâm nước hơn 2 ngày nên bị mọc mầm hết. Giờ số lúa này cũng chỉ làm thức ăn cho trâu bò thôi. Năm ni như rứa là mất mùa rồi.
Tuy nhiên, hiện nay người dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc phơi sấy, bảo quản sau khi thu hoạch lúa về trong điều kiện trời mưa. Để tránh lúa mọc mầm, sau khi thu hoạch xong, nhiều gia đình đã phải tận dụng hết diện tích mặt bằng rồi rải lúa ra nền nhà và bật quạt cho lúa mau khô. Đây là phương pháp truyền thống của người dân. Tuy nhiên, phương pháp này lại không đạt được hiệu quả cao do lượng gió không đủ để hong khô một số lượng lúa lớn và chất lượng lúa sẽ giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, xã không có hệ thống sân bãi tập trung và hệ thống máy sấy để người dân có thể tiến hành phơi sấy.
Gia đình chị Phạm Thị Thu (xóm 5, xã Nam Tân) có hơn 2 hơn sào lúa thì đến nay chị đã gặt được hơn 1 sào. Tuy nhiên, đến bây giờ chị chưa thể tiến hành gặt thêm vì sợ gặt về không có chỗ để phơi. Toàn bộ diện tích nền 2 căn nhà của chị đã được phủ kín lúa, 2 chiếc quạt điện thay nhau bật suốt ngày. Cứ 1 tiếng, chị Thu phải tiến hành đảo lúa để tránh tình trạng những lớp lúa phía dưới ủ nước sẽ lên mầm. Nhiều nhà không có chỗ để phơi lúa nên không dám tuốt, phải dựng ngoài sân cho ráo nước rồi mới tuổt. Việc người dân không có điều kiện phơi sấy lúa trong thời tiết mưa còn kéo dài như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hạt thóc sau này.
Trao đổi khó khăn này với Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn, ông Nguyễn Hữu Nhuần cho biết: Trước đây, phương pháp sấy lúa bằng máy cho người dân đã được triển khai tại xã Nam Lộc. Lúc đó, được Nhà nước hỗ trợ về máy móc nhưng được một thời gian ngắn thì không thực hiện nữa. Và bây giờ, chiếc máy sấy đã trở thành sắt vụn. Có một phương pháp vừa dễ làm, vừa tốn ít chi phí mà hiệu quả cao để người dân có thể sấy lúa trong thời tiết mưa nhiều như hiện nay. Đó là phương pháp sấy lúa bằng than tổ ong. Cứ trung bình, khoảng 6 cục than tổ ong có thể sấy được 5 tạ lúa trong thời gian 4-5 tiếng. Để thiết kế một máy sấy như ông Nhuần nói thì chỉ cần những nguyên liệu như nứa, cót đan, một ống tôn... Đây là những nguyên liệu dễ làm đối với người nông dân, cách làm này ít tốn kém mà người dân nào cũng có thể làm được. Để thuyết phục chúng tôi, ông Nhuần vẽ trên giấy hình ảnh minh họa cho ý tưởng của mình, chúng tôi bị thuyết phục hoàn toàn về tính khả thi của cách làm này. Theo tính toán, chỉ với vài trăm ngàn đồng là có thể được một lò sấy lúa "dã chiến". Với điều kiện kinh phí đó thì ai cũng có thể làm được. Lò sấy "dã chiến" kiểu này không chỉ sấy lúa mà còn phù hợp sấy cho các loại nông sản khác trong vụ đông như: ngô, đậu tương...
Cũng theo ông Nhuần, hiện nay cái khó nhất là làm sao để bà con hiểu và thực hiện. Ngoài ngành nông nghiệp, việc phối hợp để tuyên truyền là việc làm cần thiết.
Song song với việc các hộ nông dân tìm cho mình cách bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, việc xây dựng một hệ thống phơi sấy tập trung cần được các cấp, các ngành quan tâm để giúp người dân giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong tình hình mưa lụt ngày càng khó lường hiện nay.
Một số phương pháp sấy lúa Lều sấy lúa |
C.Sáng - P.Bằng