Gặt lúa chạy lụt và bài toán sau thu hoạch

14/09/2011 09:49

Mực nước tại các sông trên địa bàn tỉnh đang dâng lên cao, đe dọa hơn 4000 ha lúa đang ngập trong nước. Hiện nay bà con nông dân đang khẩn trương tiến hành thu hoạch số diện tích lúa đã chín nhằm tránh những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, công tác phơi sấy lúa đang gặp rất nhiều khó khăn trong thời tiết mưa như hiện nay.

(Baonghean) - Mực nước tại các sông trên địa bàn tỉnh đang dâng lên cao, đe dọa hơn 4000 ha lúa đang ngập trong nước. Hiện nay bà con nông dân đang khẩn trương tiến hành thu hoạch số diện tích lúa đã chín nhằm tránh những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, công tác phơi sấy lúa đang gặp rất nhiều khó khăn trong thời tiết mưa như hiện nay.

Sau 3 ngày mưa lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hơn 4000 ha lúa vụ hè thu đã đến thời kỳ thu hoạch trên địa bàn toàn tỉnh đã bị ngập trong biển nước. Nhiều diện tích lúa bị đổ, gãy và ngâm trong nước nên đã bắt đầu có hiện tượng nảy mầm. Hiện nay, mực nước tại các sông trên địa bàn toàn tỉnh đang tiếp tục dâng lên cao và có nguy cơ lũ lụt. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống mưa lũ, trong đó khẩn trương tiến hành thu hoạch diện tích lúa bị ngập.

Theo báo cáo của BCH PCLB huyện Nam Đàn, đến thời điểm này, toàn huyện có 784 ha lúa bị ngập, hỏng trong đợt mưa vừa qua. Những xã có diện tích lúa bị ngập nhiều như Nam Tân, Nam Lộc, Nam Thượng, Khánh Sơn... Đây là những xã nằm ngoài đê nên mực nước sông dâng lên nhanh, mực nước nội đồng không thể thoát được, đã kéo theo hàng trăm ha lúa đang đến thời kỳ thu hoạch bị ngâm trong nước. Trước tình hình đó, UBND huyện Nam Đàn đã có công văn gửi các xã yêu cầu người dân thu hoạch số diện tích lúa bị ngâm trong nước trước khi mực nước tiếp tục dâng lên.


Thu hoạch lúa ở xã Nam Tân (Nam Đàn).

Nam Tân là một trong những địa phương có diện tích lúa ngập nhiều trên toàn huyện. Ông Phạm Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Tân cho biết: Vụ hè thu năm nay, xã Nam Tân tiến hành gieo cấy 110 ha lúa nhưng hiện nay đã có đến hơn 75ha đang bị ngập úng. Là địa phương tiến hành gieo cấy sớm nhất trong toàn huyện nên khi cây lúa đến kỳ thu hoạch thì trúng vào dịp mưa lũ. Trong 2 ngày qua, sau khi ngớt mưa, bà con nông dân đã ra đồng thu hoạch lúa trước khi lũ về. Gia đình anh Nguyễn Trọng Lương (xóm 4, xã Nam Tân) gieo trồng hơn 4 sào lúa thì đã đến 3 sào lúa bị đổ và ngập trong nước. Do bị ngâm trong nước mấy ngày qua nên hầu hết số lúa này đã mọc mầm. Vừa ôm bó lúa trên tay, anh Lương ngậm ngùi: Do mưa to quá, không thu hoạch kịp nên mấy sào lúa đã chín rộ đều đổ xuống và ngâm nước hơn 2 ngày nên bị mọc mầm hết. Giờ số lúa này cũng chỉ làm thức ăn cho trâu bò thôi. Năm ni như rứa là mất mùa rồi.

Tuy nhiên, hiện nay người dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc phơi sấy, bảo quản sau khi thu hoạch lúa về trong điều kiện trời mưa. Để tránh lúa mọc mầm, sau khi thu hoạch xong, nhiều gia đình đã phải tận dụng hết diện tích mặt bằng rồi rải lúa ra nền nhà và bật quạt cho lúa mau khô. Đây là phương pháp truyền thống của người dân. Tuy nhiên, phương pháp này lại không đạt được hiệu quả cao do lượng gió không đủ để hong khô một số lượng lúa lớn và chất lượng lúa sẽ giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, xã không có hệ thống sân bãi tập trung và hệ thống máy sấy để người dân có thể tiến hành phơi sấy.

Gia đình chị Phạm Thị Thu (xóm 5, xã Nam Tân) có hơn 2 hơn sào lúa thì đến nay chị đã gặt được hơn 1 sào. Tuy nhiên, đến bây giờ chị chưa thể tiến hành gặt thêm vì sợ gặt về không có chỗ để phơi. Toàn bộ diện tích nền 2 căn nhà của chị đã được phủ kín lúa, 2 chiếc quạt điện thay nhau bật suốt ngày. Cứ 1 tiếng, chị Thu phải tiến hành đảo lúa để tránh tình trạng những lớp lúa phía dưới ủ nước sẽ lên mầm. Nhiều nhà không có chỗ để phơi lúa nên không dám tuốt, phải dựng ngoài sân cho ráo nước rồi mới tuổt. Việc người dân không có điều kiện phơi sấy lúa trong thời tiết mưa còn kéo dài như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hạt thóc sau này.

Trao đổi khó khăn này với Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn, ông Nguyễn Hữu Nhuần cho biết: Trước đây, phương pháp sấy lúa bằng máy cho người dân đã được triển khai tại xã Nam Lộc. Lúc đó, được Nhà nước hỗ trợ về máy móc nhưng được một thời gian ngắn thì không thực hiện nữa. Và bây giờ, chiếc máy sấy đã trở thành sắt vụn. Có một phương pháp vừa dễ làm, vừa tốn ít chi phí mà hiệu quả cao để người dân có thể sấy lúa trong thời tiết mưa nhiều như hiện nay. Đó là phương pháp sấy lúa bằng than tổ o­ng. Cứ trung bình, khoảng 6 cục than tổ o­ng có thể sấy được 5 tạ lúa trong thời gian 4-5 tiếng. Để thiết kế một máy sấy như ông Nhuần nói thì chỉ cần những nguyên liệu như nứa, cót đan, một ống tôn... Đây là những nguyên liệu dễ làm đối với người nông dân, cách làm này ít tốn kém mà người dân nào cũng có thể làm được. Để thuyết phục chúng tôi, ông Nhuần vẽ trên giấy hình ảnh minh họa cho ý tưởng của mình, chúng tôi bị thuyết phục hoàn toàn về tính khả thi của cách làm này. Theo tính toán, chỉ với vài trăm ngàn đồng là có thể được một lò sấy lúa "dã chiến". Với điều kiện kinh phí đó thì ai cũng có thể làm được. Lò sấy "dã chiến" kiểu này không chỉ sấy lúa mà còn phù hợp sấy cho các loại nông sản khác trong vụ đông như: ngô, đậu tương...

Cũng theo ông Nhuần, hiện nay cái khó nhất là làm sao để bà con hiểu và thực hiện. Ngoài ngành nông nghiệp, việc phối hợp để tuyên truyền là việc làm cần thiết.

Song song với việc các hộ nông dân tìm cho mình cách bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, việc xây dựng một hệ thống phơi sấy tập trung cần được các cấp, các ngành quan tâm để giúp người dân giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong tình hình mưa lụt ngày càng khó lường hiện nay.

Một số phương pháp sấy lúa

Lều sấy lúa
Chọn một sân đất gò cao (nền xi măng càng tốt), làm rãnh thoát nước xung quanh, sau đó dựng một lều hình tam giác (sử dụng tre, gỗ làm trụ cho chắc) và căng hệ thống dây chằng, phủ phía trên là một tấm mủ chống thấm. Dụng cụ làm lều là những đoạn tầm vông, tre, tràm, gỗ tạp được dựng lên theo hình tam giác cân hay tam giác đều (theo nhu cầu mặt bằng), ở giữa chạy dài suốt sân, mỗi cọc cách nhau 3 m. Trên đỉnh các cọc này được cột một cây tầm vông dài, cây tầm vông này có tác dụng như một giá đỡ. Hai bên sườn sân có các hàng cọc cách nhau 1-1,5 m. Dùng dây gân, dây dù nhỏ nối từ cọc bên này sân qua đỉnh cọc và cột với cọc bên kia sân giúp cho hàng cọc giữa sân đứng vững và để đỡ mái che bên trên. Diện tích lều tuỳ theo nhu cầu mà làm lớn hoặc nhỏ. Nếu là sân đất thì trải thêm một lớp lưới mùng chống ẩm phía dưới. Trời nắng thì giở ra sấy nắng, còn mưa thì che lại sấy gió, bảo đảm lúa được bảo quản tốt. Chi phí cho một lều phơi lúa từ 700.000 - 1 triệu đồng và chỉ cần 2 nhân công, lều phơi lúa sẽ đáp ứng và bảo quản tốt từ 100 - 150 giạ. Gặp trời mưa nhiều ngày bà con chỉ cần thỉnh thoảng đảo lúa cho khô mặt và có thể tăng cường quạt điện cho lúa nhanh khô vỏ. Cách làm này giúp lúa sau thu hoạch dù gặp mưa, bão vẫn không bị nảy mầm, thoát được độ ẩm cao, khi xay xát hạt gạo không bị răng cưa, gãy nát. (Sáng kiến của 1 nông dân ở Kiên Giang)

Máy sấy lúa chạy lũ
Máy sấy lúa chạy lũ 2 tấn/mẻ ký hiệu SCM-F2 và 4 tấn/mẻ ký hiệu SCM-F4. Buồng sấy chứa lúa bằng thép, do 4 vách lắp ghép lại. Phía dưới buồng sấy là buồng gió được lắp vào đáy buồng sấy do 16 tay gạt chữ U để nẹp ép vải simili sát kín vào vách buồng sấy. Gió nóng từ quạt đi vào ống chia gió để phân bố đều trong buồng gió trước khi qua lớp lúa. Máy sử dụng quạt ly tâm tốc độ 1500 vòng/phút. Nguyên liệu là dùng than đá làm chất đốt. Do kết cấu rất gọn nhẹ, máy sấy chạy lũ rất thuận lợi cho việc di chuyển kể cả những nơi có mặt bằng rất hạn chế, vì vậy loại máy này đã được người dân sử dụng đánh giá cao. (Máy sấy lúa triển khai ở Khu vực đồng bằng sông Cửu Long).


C.Sáng - P.Bằng

Mới nhất
x
Gặt lúa chạy lụt và bài toán sau thu hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO