Lan tỏa niềm tin!
(Baonghean) - Bài viết “Lan toả nghĩa tri ân…” trên nhật báo ngày 12/8 nhận được lượng phiếu bình chọn bài hay cao nhất của tuần 2. Bài viết không chỉ phản ánh kịp thời những hoạt động tri ân ấm áp nghĩa tình của các cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, mà còn góp phần lan tỏa niềm tin về truyền thống tôn trọng đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc…
Trường THPT chuyên Phan Bội Châu là ngôi trường có bề dày truyền thống và giàu thành tích trong dạy và học. Để tưởng nhớ và tri ân nhà chí sỹ cách mạng Phan Bội Châu, các thế hệ học trò của trường đã vận động, quyên góp xây dựng Nhà tưởng niệm cụ Phan Bội Châu tại Nam Đàn. “Cuộc sống có muôn vàn nỗi lo toan, bận bịu, nhưng họ vẫn dành thời gian và tâm sức khởi nguyện công trình tâm linh ý nghĩa này”, mà theo lời bộc bạch của các cựu học sinh Trường Phan thì việc làm ấy là để “xứng với tầm vóc và nhân cách của nhà chí sỹ yêu nước có dấu ấn lớn lao trong lịch sử dân tộc”.
“Không dừng lại ở đó, những cựu học sinh Trường Phan còn có nhiều hoạt động ý nghĩa khác, như hỗ trợ các gia đình thầy, cô giáo Trường Phan gặp hoàn cảnh khó khăn; chung tay xây dựng chương trình “Vì biển đảo quê hương” đóng góp được 178 triệu đồng để thăm hỏi, động viên gia đình các chiến sỹ đang chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và các ngư dân đang ngày đêm bám biển; đứng ra tổ chức nhiều buổi biểu diễn Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại nhiều tỉnh, thành lớn trong cả nước”… Đó là những việc làm “chứng tỏ sự tiếp nối truyền thống nhân văn, toả sáng vẻ đẹp nhân cách của những học trò tri ân người thầy vĩ đại” như lời ông Phan Thiệu Cát – cháu nội của cụ Phan Bội Châu từng nói.
Việc làm ấy hôm nay của các cựu học sinh Trường Phan đã không chỉ thắp sáng ngọn lửa tri ân cho lớp lớp thế hệ học sinh của ngôi trường này, mà còn lan toả trong cộng đồng xã hội. Ấy là sự lan tỏa về những việc làm có tác dụng khơi dậy trong cộng đồng lòng biết ơn, tri ân, gìn giữ, phát huy những thành quả vật chất hoặc tinh thần mà cha ông đã tạo dựng nên, để lại cho con cháu được hưởng thụ. Vì vậy thế hệ sau cần phải biết “nhớ nguồn”. "Nhớ nguồn” là sự biết ơn tổ tiên, cội nguồn dân tộc, biết ơn cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng, biết ơn thầy, cô đã cung cấp cho ta kiến thức, biết ơn người lao động đã đem lại những cái ta cần, biết ơn những người đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ quê hương, bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Lòng biết ơn đó phải thể hiện bằng việc làm cụ thể ở mỗi con người.
Với các cựu học sinh Trường Phan hôm nay, việc tôn tạo, xây dựng Nhà tưởng niệm cụ Phan chỉ là việc làm nhỏ thể hiện tâm nguyện bấy lâu, nhưng với cộng đồng, xã hội thì lại có ý nghĩa lớn, như một lời khích lệ cộng đồng cùng phát huy, nhân lên nhiều hơn nữa những nghĩa cử như thế. Và thực tế, ở Nghệ An, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa cũng đã diễn ra rộng khắp, sôi nổi ở hầu hết các địa phương. Minh chứng là năm nay tỉnh ta đã triển khai các chương trình kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) sớm hơn những năm trước. Từ giữa tháng 5, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động đầy ý nghĩa như: về với cội nguồn đền Hùng để thắp hương tưởng niệm Vua Hùng đã có công dựng nước, thăm An toàn khu ở Thái Nguyên; thăm Khu di tích lịch sử Truông Bồn, Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào, Nghĩa trang Quốc gia đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn; tổ chức thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công tiêu biểu trong tỉnh; phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở tất cả các cấp tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa, thắp nến tri ân vào tối 26/7 ở tất cả các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh. Hội Hỗ trợ các gia đình liệt sỹ của tỉnh tổ chức chương trình sự kiện để tri ân các Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Bên cạnh đó, còn xây dựng và sửa chữa nhà cho 79 Bà mẹ Việt Nam anh hùng có 2 con là liệt sỹ trở lên. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã nhận phụng dưỡng 130 Bà mẹ Việt Nam anh hùng,…
Có thể thấy, việc phát tâm công đức xây dựng Nhà tưởng niệm Phan Bội Châu không chỉ khơi nguồn và lan tỏa niềm tin đến toàn cộng đồng xã hội cùng hành động, góp sức, bảo vệ và phát huy những giá trị hệ thống di sản của tỉnh nhà mà còn thúc đẩy việc xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử trong hoàn cảnh ngân sách địa phương, ngân sách quốc gia còn eo hẹp. Đó là việc làm “vừa ý Đảng, hợp lòng dân”. Từ đó cho thấy, trong mọi chủ trương, đường lối xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, khi đã thực hiện được xã hội hóa thì chắc chắn sẽ thành công; đúng như chân lý mà xưa kia cụ Phan Bội Châu đã đúc kết: “Nướng nhiệt tình có thể làm khô bể/Cậy đoàn thể có thể vá được trời”.
Người xây dựng
TIN LIÊN QUAN