Tại sao người Syria đến châu Âu với số lượng ngày càng tăng?

26/10/2015 16:57

(Baonghean.vn)- Tại sao ngày càng có thêm nhiều người tị nạn tìm cách đến châu Âu bất chấp những nguy hiểm đe dọa đến mạng sống? Melissa Fleming (Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn UNHCR) đưa ra 6 nguyên nhân chính sau:

1. Cuộc chiến ở Syria chưa có dấu hiệu kết thúc

Tình hình Syria vẫn tiếp tục có chiều hướng xấu đi, với các cuộc chiến gia tăng ở tất cả các vùng, nền kinh tế và các dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt đều trong tình trạng sụp đổ.

Khi con người chạy trốn khỏi chiến tranh, họ luôn hy vọng sẽ sớm quay trở lại. Vì vậy, họ thường di chuyển đến một nơi nào gần đó, có thể là ở nhà người thân hoặc bạn bè tại một thị trấn không xa, hoặc chỉ qua bên kia biên giới. Nhưng sau hơn 5 năm xung đột xảy ra, nhiều người Syria đã từ bỏ hoàn toàn hy vọng. Nhà cửa của họ đã bị tàn phá, gia đình tan nát, và có rất ít khả năng cho một tương lai hòa bình trở lại. Những căng thẳng ngày càng tăng khiến hàng trăm ngàn người dân bất chấp tất cả để tìm kiếm một nơi khác an toàn hơn.

2. Người dân Syria trượt sâu vào đói nghèo khi tị nạn ở các nước láng giềng

Người di cư chen chúc trên một chiếc thuyền nhỏ vượt Địa Trung Hải đế đến châu Âu. Ảnh: Internet
Người di cư chen chúc trên một chiếc thuyền nhỏ vượt Địa Trung Hải đế đến châu Âu. Ảnh: Internet

Đối với hàng triệu người Syria, nơi an toàn đầu tiên của họ là các nước láng giềng như Lebanon, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Iraq. Tuy nhiên rất ít người tị nạn có khả năng chi trả tất cả mọi chi phí, kể cả khi họ sống trong các phòng nhỏ và đông đúc. Nhiều người tị nạn vì thế phải đối mặt với lệnh trục xuất khỏi nơi tị nạn.

Ở nhiều nước, người tị nạn không được phép tham gia vào thị trường lao động chính thức và phải đối mặt với lệnh trừng phạt nếu bị bắt. Ví dụ như ở Jordan, họ có nguy cơ bị trả lại các trại tị nạn hay như ở Lebanon, họ buộc phải ký cam kết không làm việc nếu họ muốn gia hạn tình trạng cư trú.

Nếu không có thu nhập, đầu tiên người dân buộc phải để dành tiền tiết kiệm và sau đó chi trả các khoản nợ nần. Sau nhiều năm sinh sống và quá mệt mỏi với các khoản chi phí, nhiều người phải rời đi chỉ đơn giản vì không còn khả năng trả tiền thuê nhà, thực phẩm hoặc các mặt hàng thiết yếu.

3. Thiếu nguồn viện trợ quốc tế hỗ trợ người tị nạn trong khu vực

Thông thường, những người tị nạn có thể cầu cứu các cơ quan viện trợ như UNHCR. Song tình trạng của vấn đề này hiện nay không dễ giải quyết, nó đã diễn ra từ rất lâu và các cơ quan viện trợ đang nỗ lực để tìm nguồn tiền hỗ trợ. Tháng trước, khi số lượng người tị nạn Syria đến châu Âu gia tăng, UNHCR đã bắt đầu nhận được các cam kết hỗ trợ mới để tăng cường viện trợ ở các nước láng giềng. Mặc dù vậy, hiện chỉ mới nhận được hơn một nửa khoản viện trợ cho người tị nạn Syria trong năm nay.

Tại Jordan, nhiều người tị nạn cũng không có quyền được chăm sóc sức khỏe miễn phí. Gần 60% người trưởng thành mắc bệnh mãn tính đang sống chung với bệnh tật mà không có thuốc, tăng từ 23% trong năm 2014. Người tị nạn ở Iraq, Jordan, Lebanon và Ai Cập cho rằng nguồn viện trợ là không đáng kể, buộc họ phải rời đi.

4. Trẻ em không được học hành

Người dân Syria luôn mong ước được học hành. Nhưng ở Jordan, Ai Cập, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ không đáp ứng đủ nhu cầu được đi học cho trẻ em Syria. Tại Jordan, 90.000 trẻ em Syria không được học tập trong một nền giáo dục chính thống, 20% trẻ em tị nạn đã phải bỏ học để làm việc kiếm tiền. Nhiều bé gái bị buộc phải kết hôn sớm.

Ngay cả ở Lebanon, nơi nền giáo dục có nhiều chế độ miễn phí cho trẻ em Syria, chi phí đi lại cũng quá cao và nhiều trẻ em phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp gia đình. 200.000 trẻ em sẽ phải rời trường học trong năm nay, và những người trẻ tuổi cũng không có bất kỳ sự lựa chọn nào về một nền giáo dục đại học. Họ cần những kỹ năng và hiểu biết về cuộc sống, để trở về nhà và xây dựng lại mọi thứ sau chiến tranh. Những bậc cha mẹ người Syria cho rằng chỉ có ở châu Âu mới đáp ứng được nhu cầu về giáo dục của họ.

5. Các quốc gia trong khu vực áp đặt các quy định mới về người tị nạn

Các nước láng giềng trong khu vực đã không được hỗ trợ cho việc tiếp nhận số lượng lớn người dân tị nạn, gây ra nhiều sức ép lớn đến cơ sở hạ tầng. Đất nước Lebanon nhỏ bé đã phải đón hơn 1 triệu người tị nạn Syria, chính phủ nước này đã đặt ra các quy định mới để hạn chế số người tị nạn Syria đến đây. Người tị nạn ở Lebanon phải trả tương đương 130 £ mỗi năm, cũng như phải cam kết không làm việc.

Tại Jordan, chính phủ yêu cầu tất cả người Syria sống bên ngoài trại tị nạn phải có hồ sơ nhận dạng mới để tiếp cận các dịch vụ, nhưng chi phí của việc này lên đến 27£, quá cao đối với nhiều người để có thể mua được.

6. Sức hấp dẫn từ sự chào đón của châu Âu trên truyền hình và phương tiện truyền thông xã hội

Thủ tướng Đức Angela Merkel chụp ảnh cùng người tị nạn Syria. Ảnh: Imago/Barcroft Media
Thủ tướng Đức Angela Merkel chụp ảnh cùng người tị nạn Syria. Ảnh: Imago/Barcroft Media

Người dân Syria trong và ngoài nước luôn theo dõi tin tức, những câu chuyện về cuộc hành trình khó khăn trên Địa Trung Hải, qua vùng Balkans và kết thúc ở Áo và Đức với cảnh tượng người tị nạn được chào đón bằng những tràng pháo tay, hoa và gấu bông. Đối với người dân Syria, ý nghĩ có thể xin tị nạn ở một nước có thể đáp ứng được vấn đề an toàn, triển vọng việc làm và giáo dục đã khiến họ bất chấp mọi sự nguy hiểm. Họ lo ngại các nước châu Âu sẽ sớm đóng cửa chính sách dành cho người tị nạn và vì thế họ phải đến đó càng sớm càng tốt.

Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì? Rõ ràng, tất cả các quốc gia liên quan phải tăng cường nỗ lực để kết thúc cuộc chiến tranh Syria. Nhưng cho đến khi hòa bình trở lại, các quốc gia hiện đang có 4 triệu người tị nạn phải nhận được sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và phát triển trong khi UNHCR và các tổ chức đối tác cung cấp các nhu cầu cơ bản cho người tị nạn. Đồng thời, những người tị nạn phải nhập cư bằng con đường hợp pháp hơn thông qua việc tăng hạn ngạch nhập cư, linh hoạt trong vấn đề đoàn tụ gia đình, vấn đề nhân đạo và cấp visa cho học sinh. Như vậy, người tị nạn Syria chắc chắn sẽ suy nghĩ kĩ hơn trước khi rời khỏi đất nước và mạo hiểm vào một cuộc hành trình đến châu Âu./.

Phương Thảo

(Theo The Guardian)

TIN LIÊN QUAN