Kỳ tích ở Bãi Ngang

02/11/2015 15:08

(Baonghean) - Người con xa quê nay trở về, hẳn không khỏi bất ngờ khi bộ mặt xã biển đã có nhiều đổi thay đến thế. Đường sá phong quang đã 100% trải bê tông, 3 trường học đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế đã “về đích” giai đoạn 2, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/năm, xã đạt 19/19 tiêu chí NTM… Đi dọc dài bờ bãi mướt xanh ở Quỳnh Liên (TX. Hoàng Mai), thầm cảm phục người xứ Quỳnh đã bền gan, vững chí làm nên một kỳ tích ở vùng bãi ngang này vậy.

Cánh đồng rau áp dụng công nghệ tưới tự động ở xã Quỳnh Liên   (TX. Hoàng Mai).Ảnh: Mạnh Hùng
Cánh đồng rau áp dụng công nghệ tưới tự động ở xã Quỳnh Liên (TX. Hoàng Mai). Ảnh: Mạnh Hùng.

Ông Hồ Ngọc Tăng - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên nhiệt tình dẫn tôi đi thăm các mô hình kinh tế điển hình ở xã nhà, đoạn, bộc bạch thật tình, rằng ngót mươi năm trước, có nằm mơ, người Quỳnh Liên cũng không thể tưởng tượng được rồi mai này, đồng bãi bạc cát quê mình “vươn” thành những vùng kinh tế bạc tỷ như bây giờ.

Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, từ năm 2004, Quỳnh Liên nằm trong danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo Quyết định số 106/2004-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Độ 5 năm về trước thôi, xã có 15% hộ nghèo, còn lại đa số là hộ cận nghèo. Nhưng nay, dẫu làm nông mưa nắng thất thường, phụ thuộc vào “ông cao xanh” có cho hay lấy, thì nhìn chung so với trước, đời sống thế là khá giả, ổn định” - anh Bạch Văn Thanh nói, rồi anh chỉ tay ra khu vườn nhà, giới thiệu 2 sào mướp đắng trái vụ vẫn đang cho thu hoạch đều, ngày trung bình tạ quả, bán sỉ với giá 10.000 đồng/kg thì ngót ngét cũng thu về triệu hơn, triệu kém. Chưa kể 12 sào đất nhận thầu ngoài bãi đang rợp những bầu xanh, cải ngọt… quanh năm, khơi khơi lãi ròng vài trăm triệu/năm là thường.

Một nét NTM khang trang ở xã Quỳnh Liên. Ảnh: Mạnh Hùng
Một nét NTM khang trang ở xã Quỳnh Liên. Ảnh: Mạnh Hùng.

Toàn xã có 302 ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng không có hệ thống thủy lợi do nằm cuối nguồn nước tự chảy của hồ Vực Mấu. Đất cát chỉ phi lao là sống khỏe, nhưng phi lao chắn sóng, chẳng thể làm giàu. Trăn trở, suy tư mãi, đi học hỏi kinh nghiệm khắp các huyện tỉnh bạn có địa hình, điều kiện tương tự, Đảng ủy, chính quyền Quỳnh Liên nhất tâm làm một cuộc cách mạng ruộng đồng: chuyển 100% đất nông nghiệp sang trồng màu. Chỉ 5 năm sau, lúc lỉu trù phú đồng bãi Quỳnh Liên đã minh chứng cho quyết định đúng đắn ấy. Giờ, vẫn quỹ đất nông nghiệp 302 ha, song diện tích luân canh gieo trồng hàng năm đạt 1.060 ha, với hệ số vòng quay 3,5 lần, giá trị sản xuất từ trồng trọt hàng năm đạt hơn 48 tỷ đồng toàn xã.

Trong xây dựng nông thôn mới ở Quỳnh Liên, tổng kinh phí huy động nguồn lực là 54,77 tỷ đồng, trong đó, ngân sách vốn lồng ghép của Trung ương, của tỉnh và thị xã chỉ hơn 26 tỷ đồng, số còn lại là ngân sách xã và kinh phí nhân dân đóng góp. Kể đến phong trào hiến đất làm đường, làm các công trình phúc lợi cộng đồng, thì cũng đáng ghi công người dân xã nhà khi đã hiến trên 27.000m2 đất các loại, hàng ngàn tài sản trên đất tương đương tổng số tiền 11 tỷ đồng.

Chẳng ganh đua, nạnh tị, đòi hỏi đền bù, người Quỳnh Liên cứ thế lặng thầm cống hiến cho việc chung, vì sự khởi sắc của miền quê. Tôi đến thăm nhà lão nông Vũ Xuân Tàng (xóm 10), năm nay đã xấp xỉ bát tuần. Ngôi nhà của người già đơn sơ với những vật dụng thiết yếu, trên tường, lấp lánh hai tấm Huân chương Kháng chiến hạng Ba lồng trong khung kính. Tuổi già, sức yếu, nhưng vẻ rắn rỏi của người con làng cát vẫn phảng phất trong lối chuyện trò chắc nịch. Lão nói giản dị thôi, nhưng thấm: “Nhà tui hiến hơn 100m2 đất vườn cho xã để mở rộng đường nông thôn mới. Con tui nói, 100m2 giờ trồng hoa màu là ra tiền triệu, tiền tỷ. Nhưng triệu, tỷ mình hưởng chi bằng con đường đẹp, thuận tiện, góp phần làm thêm nhiều triệu, tỷ cho bà con xóm làng cùng được hưởng”.

Có người bảo, không biết chừng, dân Quỳnh Liên “phất” lên mấy năm nay có phần nhờ linh khí các vị ở đền Xuân Úc, thờ vị tướng Đặng Tế - người có công lớn trong sự nghiệp đánh đuổi giặc Chiêm Thành ra khỏi bờ cõi phía Nam đất Việt, thời nhà Lý. Trong tâm thức người miệt bãi ngang xứ Quỳnh, ông được xem là người khai cơ mở đất, lập nên làng Vân Úc từ thế kỷ XI, nay thuộc xã Quỳnh Liên. Bao thập kỷ nay, người xứ cát này dẫu người nghèo đói hay kẻ sang giàu, cũng đều nương tựa tâm linh vào chốn đền thiêng. Năm 1996, đền đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Mỗi năm vào dịp tháng Hai ÂL, Lễ hội Đền Xuân Úc được mở rộn ràng, đậm nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người miệt biển.

Chiều nay, tôi cũng lại về thăm đền Xuân Úc. Trong gió biển, giữa đồng cát, viền trên nền trời xanh linh thiêng là uy nghi ngôi đền xứ kề sông, cận biển. Trộm nghĩ, vị tướng công Đặng Tế đã có công khai cơ mở đất xứ này, nay con cháu ngài lại tiếp nối mạch tự hào truyền thống bằng cách vươn lên trong những khởi sắc kinh tế - xã hội, làm nên kỳ tích miệt bãi ngang...

Phương Chi

TIN LIÊN QUAN