Tiếng Việt chuẩn trên truyền hình: Tại sao không?

10/11/2015 16:03

(Baonghean) - Người xem truyền hình lâu nay thỉnh thoảng lại giật mình một cách… thú vị khi nghe phóng viên Ngọc Chí “đưa tin từ Bắc Kinh” bằng một chất giọng miền trung khá… “lạ tai”. Và câu chuyện nên dùng giọng địa phương nào khi “lên sóng” thì vẫn chưa thể ngã ngũ, ít nhất cũng là trong suy nghĩ của khán giả.

Không còn bảo thủ bằng việc chỉ sống chết “dùng” duy nhất giọng Hà Nội nữa, nhiều năm qua Đài truyền hình Việt Nam đã đưa giọng “3 miền” vào các chương trình thời sự chính luận và nhận được sự hồi âm tích cực từ phía khán giả. Đặc biệt, như biên tập viên Hoài Anh, với chất giọng miền Nam đượm đà đã chinh phục người nghe rất trọn vẹn. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa có thể định hình được chắc chắn đâu là giọng Việt chuẩn. Điều đáng lo ngại là gần đây trên nhiều trang mạng, phổ biến nhất là trong các bình luận (comment) tình trạng viết sai chính tả nhan nhản. Trong lúc rất nhiều địa phương muốn kéo “giọng nhà” lên truyền hình thì không quá nhiều người đề xuất cần có một chương trình phát âm bằng giọng Việt chuẩn.

BTV Đài THVN
BTV Vân Anh và Quang Minh - ĐàiTHVN (Ảnh minh họa - nguồn internet)

Vậy thế nào là giọng Việt chuẩn? Ở đâu có? Theo tôi, giọng Việt chuẩn trước hết phải là phải có âm điệu dễ nghe, đúng dấu, không sai nguyên âm và phụ âm. Đối chiếu với đó thì rất tiếc là không phải giọng Hà Nội, cũng không phải miền Nam, lại càng không phải miền Trung. Với giọng Hà Nội đã có lần người nghe không nhịn được cười khi một bình luận viên hồ hởi mô tả “Chong một pha chanh cướp bóng với các cầu thủ áo chắng, Quang Chường đã bị chượt chân chụ chên xân Lạch… Chay!”.

Còn với chất giọng miền Nam thì nghe nói có vị đi bộ ra đường cũng đội mũ xe máy vì bản tin dự báo thời tiết đài nói hôm nay có… “mưa dừa”. Rất nhiều người đã phải “cứng đơ” trên ghế nóng khi chương trình “Ai là triệu phú” đưa ra câu hỏi “Những từ sau từ nào sau đây viết đúng chính tả?”. Theo chúng tôi, đã đến lúc chúng ta cần phải có một “bộ phát âm” tiếng Việt chuẩn. Ít nhất cũng để người Việt được nghe cái quốc ngữ của mình một cách đúng nghĩa.

BTV Hoài Anh với giọng miền Nam truyền cảm nhận được yêu mến của khán giả
BTV Hoài Anh với giọng miền Nam truyền cảm nhận được yêu mến của khán giả (Ảnh internet)

Vậy ai sẽ làm việc đó? Ai sẽ phổ biến nó một cách hiệu quả nhất nếu không phải là Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói quốc gia? Cần có những hội thảo khoa học. Nhưng, theo ý kiến cá nhân tôi, bên cạnh các chương trình truyền hình địa phương trên sóng quốc gia khuyến khích sử dụng giọng địa phương thì các phát thanh viên khi sử dụng giọng Hà Nội cần chỉnh đúng các phụ âm (tr/ch; s/x; r/d…) cho chuẩn.

Việc này theo tôi không có gì là khó khăn, ít nhất cũng không khó bằng việc học ngoại ngữ chứ nhỉ? Giọng Hà Nội dễ nghe, không sai dấu (yếu tố quan trọng) và lại là giọng gốc của thủ đô nữa, ưu tiên lên sóng là phải rồi. Chỉ chỉnh lại một số phụ âm, khó khăn gì lắm đâu. Có thể không cùng lúc chuẩn hóa được hết tất cả các chương trình phát sóng bằng tiếng Việt. Nhưng thí điểm ở một số chương trình chính luận là điều cần thiết. Thiết nghĩ, trước khi nói hay mà cố gắng nói đúng được thì tốt biết mấy.

Khắc An

TIN LIÊN QUAN