Lao động đến Malaysia, chủ sử dụng phải trực tiếp đón tại sân bay

20/10/2015 15:07

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa có công văn thông báo về những thay đổi trong việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia bắt đầu từ tháng ​Mười.

Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo báo cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cho biết, Cục Nhập cư Malaysia đã có thông báo về việc người sử dụng lao động có trách nhiệm đón người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Malaysia.

Từ ngày 1/10, người sử dụng lao động phải trực tiếp đến làm thủ tục để đón người lao động nước ngoài nhập cảnh, không được thông qua công ty môi giới. Thời gian đón người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Malaysia tại hai sân bay KLIA và KLIA 2 sẽ được rút ngắn từ 24 giờ xuống 6 giờ kể từ khi người lao động nhập cảnh vào Malaysia.

Nếu người sử dụng lao động không đón người lao động trong vòng 6 giờ kể từ khi người lao động nhập cảnh vào Malaysia, người lao động sẽ bị buộc phải quay trở lại địa điểm xuất cảnh.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động sang làm việc tại Malaysia khẩn trương liên hệ với công ty môi giới và người sử dụng lao động tại Malaysia để thống nhất chuyến bay, thời gian đến sân bay KLIA hoặc KLIA 2 và đón người lao động Việt Nam theo đúng quy định của phía Malaysia.

Liên quan đến những quy định mới về đưa lao động đi làm việc tại Malaysia, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng yêu cầu doanh nghiệp rà soát, điều chỉnh lại nội dung các hợp đồng đưa lao động đi Malaysia cho phù hợp với Bản ghi nhớ về tuyển dụng và sử dụng lao động giữa Việt Nam và Malaysia vừa ký kết hồi tháng ​Tám.

Mẫu hợp đồng lao động theo Bản ghi nhớ vừa ký kết quy định trách nhiệm cụ thể của người sử dụng lao động, công ty môi giới Malaysia, người lao động và doanh nghiệp Việt Nam, quy định về tiền lương, thời gian làm việc.

Đặc biệt, trong hợp đồng mẫu có nội dung quy định người lao động có quyền được giữ hộ chiếu và các giấy tờ cá nhân. Đây là những cơ sở quan trọng giúp bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam đi làm việc tại Malaysia.

Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác lao động từ năm 2003. Đến nay, Việt Nam đã đưa được trên 220.000 lao động sang làm việc tại thị trường lao động này, góp phần giảm sức ép giải quyết việc làm hàng năm ở trong nước, giúp x​óa đói giảm nghèo cho người lao động tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo Vietnam+

TIN LIÊN QUAN