Phim về đề tài chiến tranh cách mạng: Gửi niềm tin vào thế hệ trẻ

08/11/2015 08:44

Bộ phim truyện nhựa “Người trở về” của Điện ảnh Quân đội nhân dân sau khi ra mắt ngay lập tức chiếm được thiện cảm của đông đảo công chúng và người làm nghề.

Sau ba tháng công chiếu với 12 suất phía Bắc và 22 suất chiếu phía Nam, “Người trở về” đọng lại trong lòng người xem không chỉ là một bộ phim đầy chất lính, đậm chất tình mà còn để lại dấu ấn đặc biệt: Dấu ấn về những tài năng nghệ thuật trẻ làm phim chiến tranh cách mạng.

Điều chưa từng có...

“Người trở về” là dự án phim lớn và quan trọng của Điện ảnh Quân đội nhân dân (ĐAQĐND), được sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị (TCCT), nhằm phục vụ các ngày kỷ niệm lớn của đất nước năm 2015. Từ trước đến nay, ĐAQĐND chưa có tiền lệ đưa phim ra công chiếu rộng rãi ở các rạp bên ngoài, nhưng ngay sau buổi chiếu ra mắt giới chuyên môn và truyền thông báo chí, “Người trở về” đã thu hút sự quan tâm, đánh giá khá tốt về một tác phẩm điện ảnh thuộc dòng phim chiến tranh lấy bối cảnh hậu chiến. Đề tài không mới, nhưng phim đã đạt tới giá trị nghệ thuật mà các bậc tiền bối khó tính cũng hài lòng.

Làm nên một tác phẩm nghệ thuật, bất kỳ người sáng tạo nào cũng có khát khao đưa đến với công chúng, được công chúng đón nhận. Đó cũng chính là khát khao của những người sáng tạo ra “Người trở về”, gồm: Nhà văn Sương Nguyệt Minh (tác giả truyện ngắn “Người ở bến sông Châu”); tác giả kịch bản Nguyễn Thu Dung, đồng tác giả - đạo diễn Đặng Thái Huyền lấy ý tưởng từ truyện ngắn; quay phim Trịnh Quang Tùng… cùng ê kíp làm phim gần 100 người. Họ đã vượt qua bao khó khăn, thử thách trong hơn 3 tháng quay phim ở hiện trường, thực hiện những cảnh quay bom rơi, đạn nổ, mưa rét của những ngày đông cuối năm, có hôm xuống tới 6 độ C; rồi cũng bằng ấy thời gian ngày đêm dựng phim khép kín trong xưởng phim của ĐAQĐND còn nhiều thiếu thốn.

Cảnh trong phim truyện nhựa “Người trở về”. Ảnh: QUANG QUYẾT
Cảnh trong phim truyện nhựa “Người trở về”. Ảnh: QUANG QUYẾT

Đáp lại sự mong mỏi ấy, lãnh đạo TCCT đã đồng ý cho phép phim của ĐAQĐND được công chiếu ngoài rạp; đặc biệt, với sự hưởng ứng của lãnh đạo Trung tâm Văn hóa Kim Đồng (19 Hàng Bài, Hà Nội), “Người trở về” đã có 10 suất chiếu liên tục không bán vé. Ngay lập tức, hiệu ứng “Người trở về” đã lan truyền trên hầu hết các báo, kênh phát thanh, truyền hình…, kéo người xem đến kín rạp. Thậm chí, có những buổi chiếu, đạo diễn và nữ diễn viên chính vào vai Mây - người trở về (Lã Thanh Huyền) đã phải bê những chiếc ghế nhựa xếp dọc lối đi trong rạp để phục vụ khán giả.

Đại diện lãnh đạo của Trung tâm Văn hóa Kim Đồng cho hay, đây là điều chưa từng có tiền lệ đối với một tác phẩm điện ảnh do Nhà nước sản xuất và cũng là lần đầu tiên một bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng của quân đội tạo hiệu ứng mạnh, thu hút khán giả xếp hàng tới xem như vậy. Đặc biệt hơn, khi những hiệu ứng khán giả đến rạp chiếu tại Hà Nội chưa dừng lại, thì tại phía Nam, đích thân ngài Dong Won Kwak, Tổng giám đốc Công ty CJ CGV Việt Nam đã gửi thư mời ĐAQĐND hợp tác,công chiếu “Người trở về” trong chương trình CGV Art house - giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của Việt Nam và Hàn Quốc tại một trong những hệ thống rạp chiếu lớn nhất của TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu của Tổng giám đốc CGV trong phần khai mạc đã nhấn mạnh: “Người trở về" là một trong những bộ phim mà chúng tôi mong đợi và đánh giá cao về mặt nội dung cũng như chất lượng hình ảnh. Thể loại phim chiến tranh lịch sử luôn là đề tài mà chúng tôi muốn tập trung khai thác và truyền tải đến khán giả, đặc biệt là các khán giả thuộc thế hệ trẻ, để họ cảm nhận được sâu sắc hơn những bi thương, hùng tráng của chiến tranh mà không một ngôn từ nào khác ngoài điện ảnh có thể làm được”. Ông Dong Won Kwak chia sẻ rằng, đây là lần đầu tiên CGV vinh dự được đón tiếp, hợp tác quảng bá tác phẩm nghệ thuật của những người Việt Nam khoác trên mình bộ quân phục màu xanh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tổng giám đốc CGV bày tỏ hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục được đón nhận những tác phẩm nghệ thuật tương tự.

Gửi gắm niềm tin vào người trẻ

Trong buổi công chiếu “Người trở về” tại Hà Nội hôm 5/11 vừa qua, trước sự hiện diện của lãnh đạo TCCT, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, phim “Người trở về” đã khắc hoạ rõ nét nỗi đau số phận con người thời hậu chiến. Chiến tranh có mất mát, có đau thương, nhưng cảm nhận ở “Người trở về” là sự sống, tình yêu, phim chiến tranh nhưng không bi lụy. Phim góp thêm bầu nhiệt huyết cống hiến của người trẻ, phát huy tinh thần tự hào, đặc biệt là đề cao tính nhân văn của con người Việt Nam.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh bảy tỏ tin tưởng vào những người làm nghệ thuật trẻ. Ông cho biết từng có thời gian lo ngại về lớp trẻ khi họ mải đi kiếm tìm những dự án điện ảnh thương mại, giải trí hời hợt mà quên đi nghĩa vụ công dân của mình, nghĩa vụ của người làm nghệ thuật nước nhà là cống hiến tài năng, sức lực cho nền điện ảnh nói riêng và nghệ thuật dân tộc phát triển, bền vững. Nhưng qua bộ phim “Những người viết huyền thoại” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) và nay là “Người trở về” (đạo diễn Đặng Thái Huyền), NSND Đặng Nhật Minh tạm yên lòng vì đã có những tài năng trẻ kế tục sự nghiệp, tiếp bước “lửa nghề” mà các thế hệ cha chú từng có thời gian dấn thân, mở lối.

Đặc biệt ghi nhận ở “Người trở về”, ngoài giá trị nhân văn còn là tấm lòng, nghị lực của một nữ đạo diễn trẻ (Đặng Thái Huyền sinh năm 1980) cùng nhiệt huyết cống hiến nghệ thuật của cả một ê kíp trẻ, hầu hết thuộc thế hệ "7X", "8X" và có cả "9X" tham gia thành phần đoàn làm phim.

Cảnh quay trong phim Người trở về.
Cảnh quay trong phim Người trở về.

Trước đó, Đại tá Đinh Xuân Sơn, nguyên Phó giám đốc ĐAQĐND chia sẻ, khi được TCCT chỉ đạo sản xuất phim “Người trở về”, đã có nhiều ý kiến cho rằng, hơn 10 năm ĐAQĐND mới có một dự án phim truyện lớn (sau “Tiếng cồng định mệnh”), cần phải thận trọng và nên mời các gương mặt đạo diễn có kinh nghiệm, uy tín của điện ảnh thực hiện. Nhưng ĐAQĐND đã tin tưởng và quyết tâm giao dự án cho những người trẻ cùng sự hợp tác với các tài năng bên ngoài, chung bầu nhiệt huyết, và thành công ban đầu đã đến với “Người trở về”, với những gửi gắm niềm tin.

Thay mặt lãnh đạo TCCT, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm TCCT đã biểu dương sức cống hiến của đạo diễn, ê kíp đoàn làm phim. Qua bộ phim “Người trở về”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, nhất là các đơn vị nghệ thuật cần tin tưởng và giao việc cho thế hệ trẻ.

Mong muốn hơn cả từ “Người trở về”, có lẽ ngoài sự tin tưởng giao việc sáng tạo, thực hiện cho những người trẻ, còn là mạnh dạn đưa những tác phẩm điện ảnh, nghệ thuật ra rạp, sân khấu ngoài quân đội; quảng bá những tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí trên các phương tiện truyền thông đại chúng, để hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ được đông đảo công chúng đón nhận… Và hơn hết, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới sẽ vẫn luôn là hình ảnh đẹp, là những câu chuyện, chân dung đẹp trong nhiều hơn nữa các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí nước nhà.

Theo QĐND

TIN LIÊN QUAN