Lời kể những người trở về từ tâm bão

(Baonghean.vn) - “Trời mưa như trút, sóng giật liên hồi, dúi mũi tàu xuống biển, nước ngập đầy khoang, anh em trên tàu nghĩ đến chuyện xấu nhất, đang tuyệt vọng cực độ thì chiếc tàu cao tốc của bộ đội biên phòng xuất hiện. Mọi người hô lên “chúng ta được cứu sống rồi”, anh Lê Bá Tuấn, máy trưởng con tàu gặp nạn trong bão số 6 xúc động lể lại giây phút vật lộn giữa sự sống và cái chết. 

-->> Tàu chết máy, 12 ngư dân gặp nạn trên biển

Mờ sáng 8/8, con tàu cao tốc đặc chủng 3800 CV của Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh rẽ sóng, lai dắt tàu cá NA-93044 TS của ông Trương Văn Thức, trú từ đảo Hòn Ngư trở về cảng Cửa Lò trong sự chào đón nồng nhiệt của hàng chục cán bộ chiến sĩ biên phòng Nghệ An cùng bà con nhân dân. Tàu vừa cập cảng, chủ tàu Thức, máy trưởng Lê Bá Tuấn cùng nhiều thanh niên khác khoác tay nhau, đứng thành hàng trước bom, vẫy tay chào những người đứng trên cầu cảng và nở nụ cười mãn nguyện.

Tàu cá gặp nạn được tàu cứu hộ lai dắt vào Cảng Cửa Lò sáng 8/8

Tàu cá của gia đình ông Thức trú tại xóm Quyết Tâm, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai có tất cả 12 thuyền viên làm việc, hầu hết là bố con, anh em trong gia đình với nhau. Con tàu được mua từ năm 2011 với giá hơn 2 tỷ đồng, có công suất 320 CV, chuyên đánh cá cơm ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Sau  khi cập bến ẩn nấp ở Quỳnh Lưu để tránh bão số 5, chiều 4/8, con tàu lại ra khơi trong niềm hi vọng của tất cả thủy thủ và anh em, gia đình, vợ con ở nhà. Sau khi chạy thẳng một mạch ra vùng biển Vịnh Bắc Bộ, các thủy thủ trên tàu quyết định buông neo, tìm đúng luồng cá cơm và thả lưới.
 
Hai ngày sau, khi đang thả lưới thì tàu nhận được thông tin áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 6, mọi người cố gắng đánh nốt mẻ cuối rồi quấn lưới, trở về. Chủ tàu Trương Văn Thức và máy trưởng Tuấn tính toán và quyết định đưa ra thời điểm chạy tránh bão sao cho tàu của mình sẽ cập bờ an toàn trước khi bão đổ bộ. Trưa 7/8, khi tàu đang chạy với tốc độ cao thì bất ngờ bão cũng tăng tốc lên nhiều lần so với dự kiến khiến biển động dữ dội, sóng giật liên hồi đánh mạnh vào mạn tàu. Con tàu 320 CV của ông Thức quá nhỏ bé so với sóng gió cấp 7, 8 của vùng tâm bão. Chỉ trong ít phút, chiếc bánh lái của con tàu bị sóng bẻ gãy. Khi toàn bộ thủy thủ đang tìm cách khắc phục sự cố bánh lái thì thợ máy thông báo chân vịt đã bị cuốn, máy bị mất nước không thể hoạt động.
 
“Lúc này khoảng 13h30, chúng tôi hoảng quá, không biết làm cách nào nên báo động, xin cấp cứu. Qua chiếc bộ đàm trên tàu, chúng tôi gọi điện cho Đồn biên phòng Quỳnh Phương, nhờ hỗ trợ khẩn cấp”, anh Thức kể lại.
 
Lúc này, mưa như tát nước vào mặt, biển động dữ dội, sóng dâng cao lút cả con tàu. Thuyền trưởng quyết định thả neo, để con tàu tự lắc lư theo sóng và huy động 3 chiếc bơm công suất cao, bơm nước liên tục khỏi khoang tàu, vừa bơm nước, vừa gọi cứu hộ và cầu trời cho mình khỏi chết.
 
Suốt cả buổi chiều, 12 con người trên tàu vật lộn với sóng, gió bão bùng. Những thanh niên trẻ như Lê Bá Kiên (SN 1989), Lê Hội Thái (SN 1992), Lê Bá Mai (SN 1990) có tuổi nghề ít, chưa lần nào gặp cảnh bão bùng sóng gió như vậy đã chùn chân, tỏ vẻ thất vọng. Thấy vậy, những người lớn tuổi hơn cố gắng xốc lại tinh thần của anh em, đề nghị mọi người mặc áo phao, ăn tạm mì tôm sống và sẵn sàng nhảy xuống biển nếu tàu chìm.
 
“Đến 16 giờ, chúng tôi nhận được điện thoại từ bộ đội biên phòng động viên mọi người cố gắng bám trụ, chiếc tàu cao tốc nhỏ không thể ra được vì sóng lớn, đang phải điều động tàu lớn hơn, anh em có phần yên tâm hơn, mọi người vừa bơm nước ra khỏi bong tàu, vừa động viên nhau nếu tình huống xấu nhất thì sẽ cứu người, vứt tàu ở lại”, lái phó Lê Hội Thế vừa nghe điện thoại của vợ con, vừa kể lại.
 
Khoảng 20 giờ, khi mọi người bắt đầu tuyệt vọng nhất vì bão đang đổ bộ, tàu cá sắp bị nhấn chìm thì bất ngờ từ phía xa, một vùng sáng xuất hiện, tàu cao tốc 3800 CV mang số hiệu BP34-1901 bật còi hiệu, cưỡi sóng, vượt bão gió cấp 8, 9 từ từ tiến tới. “Nhìn thấy tàu cứu hộ, anh em reo lên “được cứu rồi” và ôm chầm lấy nhau, khóc như trẻ con được quà”, máy trưởng Lê Bá Tuấn không cầm được nước mắt khi nhớ lại giây phút định mệnh.
 
Dù tàu cứu hộ đã có mặt nhưng việc tiếp cận với tàu cá bị nạn gặp rất nhiều khó khăn vì trời mưa quá to, biển động rất mạnh, sóng đánh cao lút boong tàu cá. Lúc này, trung tá Ngô Đức Đông, Hải đội trưởng Hải đội 2 - Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, người trực tiếp chỉ huy con tàu cứu nạn quyết định ném dây cáp từ tàu cứu hộ qua tàu cá. Nhưng mỗi lần ném dây cáp đều bị sóng đánh rơi xuống, phía bên tàu cá không ai có thể tiếp cận được với dây của tàu cứu hộ vì chỉ cần bước ra ngoài lập tức sẽ bị sóng đánh rơi xuống biển.
 
Sau gần 1 giờ đồng hồ tìm cách tiếp cận và móc nối với con tàu bị nạn nhưng không có kết quả, trung tá Đông và các chiến sĩ trong đội cứu hộ quyết định buông neo, đứng gần tàu cá bị nạn để đối phó với tình huống xấu nhất. “Khi biết tàu cứu hộ buông neo, chúng tôi rất an tâm và gọi điện cho anh Đông đề nghị tàu buông neo ra xa khoảng dăm trăm mét, đón luồng nước chảy để nếu tàu cá bị chìm thì anh em thuyền viên trên tàu sẽ bơi theo dòng nước để được cứu hộ. Khi bão đổ bộ, cứ nghĩ rằng chắc chắn tàu sẽ bị chìm nên ai nấy đều sẵn sàng nhảy xuống biển”, thuyền trưởng Thức cho biết.
 
Các chiến sĩ biên phòng liên tục gọi điện sang động viên mọi người cố gắng vừa bơm nước ra khỏi tàu và giữ bình tĩnh vì đã có các lực lượng cứu hộ bên cạnh. Khoảng 12 giờ đêm, khi sóng đang to, gió đang thổi mạnh thì bất ngờ trời tạnh mưa, sóng giảm xuống khoảng cấp 6. Lúc này, lực lượng cứu hộ và các thủy thủ trên tàu cá cố gắng nối cáp tàu với nhau. Khoảng 30 phút sau, việc nối cáp được hoàn tất, tàu cao tốc của bộ đội biên phòng quyết định lai dắt tàu cá vào khu vực Đảo Ngư để tránh bão. Tại đây, khi đã định vị được con tàu một cách an toàn, những ngư dân mới thở dài nhẹ nhõm, một số người lập tức có biểu hiện kiệt sức, lăn đùng ra giữa sàn khiến lực lượng cứu hộ phải chạy sang để chăm sóc.

Thuyền trưởng Trương Văn Thức liên tục nhận điện thoại hỏi thăm từ bạn bè, vợ con sau khi thoát nạn.

Đến sáng 8/8, khi trời yên, biển lặng, bão qua, con tàu cứu hộ màu vàng lai dắt tàu cá trở vào đất liền trong niềm  vui vô bờ bến của cả ngư dân lẫn lực lượng chức năng. Dù phải lai dắt tàu cá của ngư dân nhưng con tàu của lực lượng biên phòng vẫn băng băng rẽ sóng, hai lá cờ tổ  quốc trên hai tàu cá bay phần phật trong nắng sớm Cửa Lò khiến những người có mặt tại bến cảng đều xúc động, tự hào.

Máy trưởng Lê Bá Tuấn không tin rằng mình còn sống.

Ngay khi tàu cập cảng, thuyền trưởng Thức, máy trưởng Tuấn, lái phó Lê Hội Thế cùng  anh em trên tàu đều rút điện thoại, thông báo với vợ con, người thân ở Hoàng Mai rằng “tất cả đã trở về an toàn”. Các anh cho biết, trong đêm qua, dù vợ con lo lắng gọi điện ra biển liên tục nhưng tất cả đều dấu đi, không dám nói thật tình trạng của mình giữa biển vì sợ mọi người ở nhà lo lắng. Tất cả những người trên tàu đều là anh em, bà con, trong đó có nhiều người là bố con, anh em ruột như anh Lê Hội Thái và con trai Lê Hội Thế; Lê Bá Tuấn và con trai Lê Bá Mai hay cặp anh em ruột Nguyễn Văn Hải – Nguyễn Văn Nguyên, Vũ Mạnh Cường – Vũ Mạnh Hà,… “Hôm qua, nếu không có các chiến sĩ biên phòng và sự may mắn, có lẽ chúng tôi đã không thể trở về lành lặn được”, thuyền trưởng Trương Văn Thức tâm sự và cho biết, giây phút được gặp tàu cứu hộ trên biển giữa tâm bão rất giống với tâm trạng cách đây hàng chục năm, khi anh đi bộ đội và trở về nhà gặp mẹ già, gặp lại vợ con.

 Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An (áo trắng) cảm ơn các chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh

Nhiều thuyền viên bị kiệt sức sau cuộc vật lộn với sóng bão

 Đoàn công tác của tỉnh Nghệ An thăm hỏi các thuyền viên trên con tàu bị nạn.

Sáng 8/8, ngay khi tàu vừa cập cảng Cửa Lò, thừa ủy quyền của đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đoàn công tác do ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An dẫn đầu đã có mặt tại tàu cá, động viên, thăm hỏi những ngư dân gặp nạn, tặng quà cho các chiến sĩ trên tàu cứu hộ đồng thời cảm ơn sự xả thân, quên mình, bất chấp nguy hiểm để cứu người của các chiến sĩ lực lượng bộ đội biên phòng Nghệ An và Hà Tĩnh. Tại đây, đại tá Hoàng Ngọc Năm, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Nghệ An một lần nữa cảm ơn sự có mặt kịp thời của các chiến sĩ Hải đội 2 - Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh. “Đây là kết quả của sự hợp tác hiệu quả, chí tình của lực lượng bộ đội biên phòng hai tỉnh, tất cả đều không quản ngại hi sinh, gian khổ vì người dân, thể hiện hình ảnh cao đẹp về những người lính mang quân hàm xanh trên mặt trận cứu hộ, cứu nạn”, đại tá Năm nhấn mạnh.
 
Sau một đêm dài không ngủ và vật lộn với sóng gió bão bùng, trung tá Ngô Đức Đông, Hải đội trưởng Hải đội 2 cùng 8 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh và 3 cán bộ của Bộ đội biên phòng Nghệ An phờ phạc hẳn nhưng ánh mắt của họ vẫn tinh anh, nhanh nhẹn. Ngay trong đêm, khi trời yên, gió lặng trở lại, các chiến sĩ đã sang tận tàu cá, thăm hỏi từng ngư dân, pha bát mì tôm, tỉ mỉ bóc miếng lương khô và ăn ngon lành với ngư dân để động viên họ. Trung tá Đông cho biết, ngay khi nhận được thông tin về vụ tàu chết máy và biết rằng tàu cao tốc của Bộ đội biên phòng Nghệ An không thể tiếp cận được vì sóng quá lớn, không một chút ngần ngại, các cán bộ chiến sĩ của Hải đội 2 đã lập tức có mặt tại cảng Cửa Hội với quyết tâm ra được hiện trường sớm nhất để sát cánh với ngư dân, vượt qua bão tố.

Năm 2011, khi đang trú bão tại biển Cửa Sót, Hà Tĩnh, tàu cá NA-93044 TS của ông Trương Văn Thức và các thủy thủ nhận được yêu cầu của Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đề ngị ra khơi, cứu hộ và lai dắt tàu cá của Đà Nẵng đang bị chết máy ngoài khơi. Ông Thức và các thủy thủ trên tàu đã bất chấp nguy hiểm, lao ra biển cứu được tàu cá và 7 ngư dân đang gặp nạn. “Khi lao ra biển cứu người trong bão ở Hà Tĩnh, chúng tôi không bao giờ hi vọng sẽ có một ngày mình được cứu trở lại. Lần này, chính con tàu của bộ đội biên phòng Hà Tĩnh cứu chúng tôi khỏi cái chết, âu cũng là định mệnh”, thuyền trưởng Thức tâm sự.

Nguyên Khoa
;
Các tin khác
.
.

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.

Thăm hỏi, động viên người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên công nhân lao động trên công trường Dự án đường dây 500Kv mạch 3

(Baonghean.vn) - Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3, nỗ lực để công trình được đóng điện trước ngày 30/6/2024.

Cửa Lò

Trong 3 ngày tổ chức lễ hội, Cửa Lò đón trên 65.000 lượt khách, doanh thu trên 70 tỷ đồng

(Baonghean.vn) - Sau ngày khai hội, khách du lịch gần, xa liên tục đổ về biển Cửa Lò để tham quan, nghỉ dưỡng, hứa hẹn năm 2024, Cửa Lò đạt mục tiêu đón 4,15 triệu lượt khách; khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. 

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Từ năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ–HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, đến nay, một số CLB trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này.

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

(Baonghean.vn) - Cùng với việc tạo ra hàng trăm nghìn cơ hội kinh doanh và trị giá doanh số giao dịch, kinh doanh lên tới hàng nghìn tỷ đồng, BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội trên địa bàn.