Làm tốt công tác dân vận, gây dựng nhân tố tích cực

11/10/2015 17:44

(Baonghean) - Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng, ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị tại các vùng đặc thù, vận động tuyên truyền bồi dưỡng, phát triển nhân tố tích cực; đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với đồng bào có đạo, đồng bào các vùng dân tộc…

Vun đắp khối đoàn kết lương - giáo...

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 2 tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo với khoảng 26 vạn giáo dân và 4 vạn tín đồ phật tử sinh sống ở khoảng 300 xã trên địa bàn các huyện, thành, thị. Thực hiện Kết luận số 09-KL/TU của Tỉnh ủy về việc xây dựng hệ thống chính trị vùng giáo vững mạnh và Đề án “Xây dựng cốt cán trong tôn giáo”, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ vai trò quan trọng và có các giải pháp cụ thể để củng cố hệ thống chính trị vùng giáo.

Cấp ủy, Ban Cán sự xóm 6, xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) bàn kế hoạch xây dựng nông thôn mới theo sơ đồ quy hoạch.
Cấp ủy, Ban Cán sự xóm 6, xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) bàn kế hoạch xây dựng nông thôn mới theo sơ đồ quy hoạch.

Với đặc thù xóm giáo xen lương với 186 hộ, 873 khẩu, trong đó có 84 hộ giáo, 345 khẩu giáo dân xóm 6 (xã Hưng Trung, Hưng Nguyên) được cấp ủy, chính quyền chọn làm điểm xây dựng mô hình lương - giáo đoàn kết đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Ngoãn - một giáo dân đã có thâm niên làm xóm trưởng 15 năm, điển hình làm kinh tế giỏi ở xã Hưng Trung cho hay: “Kết quả đó là nhờ chi ủy, ban cán sự xóm dân vận khéo”. Điều đầu tiên để dân tin và làm theo là phải phát huy dân chủ, công khai minh bạch “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Bản thân cán bộ, đảng viên, người đứng đầu chi ủy, ban cán sự, Mặt trận và các chi hội đoàn thể xóm phải thật sự gương mẫu, đoàn kết, cộng sự vì lợi ích chung”.

Bộ đội Đồn Biên phòng Keng Đu (Kỳ Sơn) tuyên truyền, phổ biến pháp luật,  chủ trương, chính sách mới cho người dân.
Bộ đội Đồn Biên phòng Keng Đu (Kỳ Sơn) tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương, chính sách mới cho người dân.

Làm tốt công tác dân vận, giữ mối quan hệ tốt với đội ngũ chức sắc, chức việc; giải quyết kịp thời những nhu cầu tôn giáo hợp pháp, chính đáng, đúng pháp luật của nhân dân; gây dựng những mô hình, nhân tố tốt để nhân rộng là một trong những giải pháp mà Đảng bộ huyện Hưng Nguyên đã triển khai trong nhiệm kỳ. Ông Hoàng Văn Phi, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên cho biết: Huyện thường xuyên chăm lo bồi dưỡng phát triển đội ngũ đảng viên, cán bộ cốt cán làm nòng cốt giúp đỡ quần chúng nhân dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đến nay, toàn huyện có 120 đảng viên là người có đạo trải đều trên 16/23 xã, thị có đồng bào tôn giáo. Kinh nghiệm cho thấy những nơi nào, xóm nào, xã nào có cán bộ cốt cán, đảng viên vững vàng, sự lãnh đạo đoàn kết thống nhất, thì nơi đó hoạt động tôn giáo đúng pháp luật, ít có vi phạm xảy ra.

Để củng cố hệ thống chính trị vùng đặc thù, một số địa phương có đông đồng bào theo đạo đã xây dựng được chương trình, hành động riêng phù hợp với thực tế địa bàn. Như ở huyện Quỳnh Lưu, nơi đạo Công giáo có khoảng 7.496 hộ, 43.785 nhân khẩu, chiếm 15,6% dân số với 1 hạt, 11 giáo xứ, 31 giáo họ và 30 nhà thờ. Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu khóa XXVI đề ra 5 chương trình trọng tâm, trong đó có chương trình 4 về "Tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đặc thù" gồm các vùng có đồng bào tôn giáo, dân tộc ít người với nhiều giải pháp đồng bộ. Nhờ đó đã thành lập thêm 1 chi bộ tăng cường, kết nạp 3 đảng viên người công giáo, 9 đảng viên dân tộc, giảm 1 xóm chưa có đảng viên; tỷ lệ tập hợp đoàn viên trong các tổ chức đoàn thể tăng lên, chất lượng hoạt động được nâng cao và đi vào nền nếp.

Lãnh đạo xã Hạnh Dịch (Quế Phong) hướng dẫn người dân trồng mây xuất khẩu.
Lãnh đạo xã Hạnh Dịch (Quế Phong) hướng dẫn người dân trồng mây xuất khẩu.

Trong nhiệm kỳ qua, nhìn chung trong toàn tỉnh công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng giáo đã thực sự có những chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn cho đội ngũ cốt cán trong vùng giáo được quan tâm. Nhiều nơi đã thành lập các tổ, đội tăng cường xây dựng cơ sở, bám địa bàn, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nắm tình hình và kịp thời giải quyết, xử lý các vụ việc, giữ vững trật tự - an ninh vùng giáo.

Giữ vững vùng biên

Đối với 27 xã biên giới tiếp giáp nước bạn Lào, thuộc địa bàn 6 huyện (Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong), Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các huyện đều đã tập trung cao độ cho việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở các xã biên giới. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, sử dụng cán bộ; đổi mới phương thức hoạt động, phong cách và lề lối làm việc của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đa số các huyện có xã biên giới đều tập trung xây dựng đề án, kế hoạch chuyên đề và hướng dẫn, chỉ đạo địa phương cơ sở thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở. Năm 2006, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đến 52 bản chưa có chi bộ, 8 bản chưa có đảng viên; cho đến cuối năm 2014, 100% xóm, bản đã có chi bộ, có đảng viên; chất lượng đảng viên có chuyển biến tiến bộ, tỷ lệ đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ được tăng lên theo từng năm.

Huyện Quế Phong từ đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã ban hành Đề án "Nâng cao năng lực cán bộ, công chức huyện Quế Phong giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo". Để củng cố hệ thống chính trị, Huyện ủy Quế Phong còn chỉ đạo thực hiện các Đề án "Nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ"; "Xóa cơ sở đảng yếu kém"; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cơ sở thực hiện; phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong cấp ủy trực tiếp theo dõi đảng bộ cơ sở.

Đồng chí Lữ Đình Thi, Bí thư Huyện ủy cho biết: "Quế Phong có 4 xã biên giới còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp như tệ nạn xã hội về ma túy, di, dịch cư trái phép, truyền đạo Tin lành... Chính vì vậy, huyện xác định việc củng cố hệ thống chính trị cho các xã biên giới là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Các cán bộ được giao trọng trách từ xã đến xóm, bản vừa đảm bảo về tiêu chuẩn, vừa phải là người có uy tín mà đồng bào thực sự tín nhiệm...".

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn thăm mô hình khoanh nuôi bảo vệ rừng hiệu quả tại xã Hữu Kiệm. Ảnh Hữu Nghĩa
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn thăm mô hình khoanh nuôi bảo vệ rừng hiệu quả tại xã Hữu Kiệm. Ảnh Hữu Nghĩa.

Để giúp các cơ sở vùng biên giới củng cố hệ thống chính trị, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện miền núi làm tốt công tác cán bộ, chủ động đào tạo, quy hoạch cán bộ, quan tâm quy hoạch cán bộ là dân tộc thiểu số. Đồng thời, đưa 25 sỹ quan biên phòng về giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới và 77 cán bộ biên phòng về sinh hoạt đảng tạm thời tại các chi bộ thôn bản vùng xung yếu; chỉ đạo thực hiện Đề án "Đưa sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp về xã".

Đồng chí Lê Quốc Khánh, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: thực hiện Kết luận 9,10 KL/TU, việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị vùng đặc thù đã tạo chuyển biến rõ rệt. Kinh tế - xã hội phát triển, công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng được chăm lo; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Đồng bào có đạo, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao biên giới tỉnh ta ngày càng yên tâm, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, góp sức cùng nhân dân toàn tỉnh hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

Khánh Ly - Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN