Thế giới tuần qua qua ảnh
1. Khủng hoảng di cư tại châu Âu
Hàng trăm nghìn người chạy trốn xung đột, khủng bố ở Trung Đông và châu Phi đang mạo hiểm mạng sống để đến châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.
Những bức ảnh về cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu lột tả sự nguy hiểm tột cùng đang vây quanh những con người khao khát tìm kiếm một cuộc sống yên bình.
Đa số người tham gia vào hành trình nguy hiểm này đến từ các nước có xung đột ở Trung Đông và châu Phi như Syria, Iraq, Afghanistan, Nigeria, Sudan và Senegal. Người di cư ồ ạt di chuyển vào mùa hè để tránh thời tiết lạnh giá khi lênh đênh trên biển và đi qua miền núi vùng Balkan. Nguồn: Reuters |
Hàng trăm người di cư chen chúc ở nhà ga Keleti, thủ đô Budapest, Hungary, để lên tàu với hy vọng có thể di cư sang Áo hoặc Đức. Chính phủ Hungary hôm qua cho phép hàng trăm người di cư lên tàu hỏa để đến biên giới với Áo nhằm chấm dứt tình trạng đối đầu kéo dài nhiều ngày qua ở thủ đô Budapest. Sau khi cảnh sát rút khỏi khu vực này, người di cư, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, ùn ùn kéo đến tập trung ở nhà ga. Nguồn: Reuters |
Tại Budapest, cảnh sát ước tính có khoảng 3.000 người đang cắm trại phía ngoài nhà ga Keleti. Điều kiện sinh hoạt tại đây đã trở nên khó khăn dù các tình nguyện viên liên tục cung cấp nước uống, đồ ăn, thuốc men và phun chất khử trùng. Nguồn: Reuters |
Không chỉ ở ga tàu, người dân còn sẵn sàng đi bộ để chạy trốn khỏi khủng hoảng.. Nguồn: BBC |
...và chen lấn trên những con thuyền nhỏ bé không hề an toàn chỉ để tìm đến một miền đất mới với yên bình. Có những người đã vĩnh viễn phải nằm lại nơi đại dương sâu thẳm. Nguồn: Reuters |
Đây có lẽ là hình ảnh khiến người xem đau xót nhất, và cũng là hình ảnh mô tả rõ nhất về cuộc khủng hoảng di cư. Bức ảnh em bé Syria 3 tuổi nằm úp mặt bất động trên bãi biển ở Thổ Nhĩ Kỳ nói trên sau khi con tàu di cư chở gia đình bé bị chìm đã khiến hàng triệu trái tim trên khắp thế giới day dứt. Bé trai cùng gia đình đang trên đường di cư bằng thuyền từ Syria tới Hy Lạp thì gặp tai nạn, chỉ có người cha sống sót. Nguồn: Reuters |
Tuy nhiên, không phải là không có những ánh sáng nơi cuối con đường..
Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila hứa mở cửa nhà riêng của ông cho người tị nạn đến nước ông và kêu gọi tất cả người dân Phần Lan giúp đỡ cuộc khủng hoảng di cư. Chính phủ Phần Lan hôm qua cũng tăng gấp đôi ước tính số người xin tị nạn tại nước này trong năm nay lên 30.000, tức gấp hơn 7 lần số người Phần Lan nhận năm 2014. Nguồn: AFP |
Hàng triệu USD từ nhiều tấm lòng hảo tâm ở khắp châu Âu và Mỹ đã đổ về các tổ chức cứu trợ, sau khi bức ảnh cậu bé di cư trôi dạt vào bờ biển gây chấn động thế giới. AFP dẫn tin từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF cho hay hình ảnh về bé Aylan Kurdi nằm bất động trên cát có tác động mạnh mẽ. "Lượng tiền quyên góp đã tăng 105%", chi nhánh của UNICEF tại Mỹ thông báo, đồng thời cho biết khi bức ảnh được đăng lên website của tổ chức, số lượt truy cập cũng tăng gần 150% so với thời điểm đó ngày hôm trước. Nguồn: Canada Press |
Các trận bóng đá của giải Bundesliga tại Đức cuối tuần qua treo biểu ngữ "chào mừng người tị nạn". Đội bóng Đức Bayern Munich công bố kế hoạch thiết lập một trại huấn luyện, sẽ dạy đá bóng, tiếng Đức và cung cấp bữa ăn cho trẻ tị nạn. Cảnh sát cho biết họ choáng ngợp trước sự đóng góp của người dân địa phương cho người di cư. Tại Anh đang diễn ra chiến dịch kiến nghị chính quyền chấp nhận nhiều người tị nạn hơn và tăng cường hỗ trợ người di cư. Đơn này hiện có gần 300.000 chữ ký. Ở Barcelona, để đáp ứng lời kêu gọi của thị trưởng, hàng trăm cư dân cho người di cư ở nhờ để họ có thể được chấp nhận ở lại Tây Ban Nha. Nguồn: DPA |
2. Nga thừa nhận quân đội Nga giúp Syria
Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên thừa nhận Moscow tham gia sâu vào nội chiến Syria khi cho rằng nước này đang hỗ trợ hậu cần, huấn luyện quân đội Syria.
"Chúng tôi rất muốn tạo ra một loại hình liên minh quốc tế để chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan", tổng thống Nga nói. "Với mục tiêu này, chúng tôi tham vấn với các đối tác Mỹ, tôi đã nói chuyện riêng về vấn đề với Tổng thống Mỹ Obama". Nga liên tục dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong suốt cuộc chiến kéo dài 4 năm rưỡi, được cho là cướp đi sinh mạng của khoảng 250.000 người. Nga cũng là nước cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria về lâu dài, điều nước này cho là cần thiết để chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Nguồn: RIANovosti |
Tổng thống Putin và người lãnh đạo bên phía Syria Bashar al-Assad trong một chuyến viếng thăm cách đây không lâu Nguồn: ABCnet |
Trước thông tin này, Washington chia sẻ quan điểm với Moscow trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
"Ngoại trưởng nêu rõ nếu thông tin là chính xác thì những hành động (của Nga) có thể khiến xung đột leo thang, làm gia tăng số người vô tội thiệt mạng, tăng dòng người tị nạn và tạo ra nguy cơ đối đầu với chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo (IS) đang diễn ra ở Syria", AFP dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
3. Một số động thái mới về cuộc chiến chống IS
Một trong những hành động tàn phá của IS là phá hủy các di tích lịch sử ở Syria, và trong tuần qua Tổ chức này vừa tiếp tục hành động quen thuộc của mình.
Các nguồn tin trong thành phố cổ Palmyra xác nhận ba mộ tháp bị phá hủy, trong đó có mộ tháp Elahbel xây dựng năm 103 sau Công Nguyên. Mộ tháp Elahbel cao 4 tầng và có một tầng ngầm. "Chúng cho nổ tung ba mộ tháp, vốn được bảo tồn tốt nhất và đẹp nhất",AFP dẫn lời Maamoun Adbelkarim, giám đốc phụ trách quản lý cổ vật Syria, nói. Nguồn: Reuters |
Tuy nhiên, Tổ chức này cũng phải đón nhận những tin không vui trong tuầ vừa qua. Hai thủ lĩnh cấp cao của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở miền Đông Syria vừa chạy sang nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ sau khi cuỗm một lượng lớn tiền mặt từ ngân khố của tổ chức này.
Trước đó, một chỉ huy cấp cao khác của IS là Amer al-Naklavi, biệt danh là Abu Mohammad, vốn là thủ lĩnh của nhóm khủng bố Jund al-Rahman ở tỉnh Deir Ezzur cũng đã chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ với bọc tiền lớn trong tay.
Hai quan chức IS đã đào tẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ. Các chiến binh IS đã xử tử al-Hassan tại Mosul, vì cáo buộc đối tượng này âm mưu lật đổ Abu Bakr al-Baghdadi và chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng. "IS đã giết chết một chỉ huy cấp cao ở Iraq vì những bất đồng nghiêm trọng giữa ông ta và một số tướng lĩnh khác"- một nhân chứng nói . Nguồn: Reuters |
Sau khi 2 quan chức này bỏ trốn, IS đã thắt chặt với chính binh lính của mình. Theo AP, khoảng 211 tay súng IS tại Mosul cũng từng bị xử tử, bao gồm một số chiến binh Arab. Một nguồn tin của người Kurd tiết lộ, IS đang rút khỏi ngoại ô thành phố này do bị tổn thất nặng nề trong cuộc chiến với lực lượng Peshmerga (lực lượng tự vệ người Kurd).
IS không ngại xử tử chính người của mình Nguồn: Reuters |
Về chiến dịch chống IS toàn cầu, Tổng thống Francois Hollande đang cân nhắc không kích Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria", nhật báo Le Monde hôm qua đưa tin. "Mức độ người tị nạn Syria gia tăng, liên minh quốc tế chưa thể đẩy lùi IS và khả năng quân đội Nga hiện diện (ở Syria) đang thách thức lập trường của Pháp".
Tổng thống Pháp Francois Hollande Nguồn: AP |
3 máy bay tiêm kích của Pháp đã sẵn sàng tấn công lực lượng ở IS ngày càng làm càn ở Syria Nguồn: AP |
4. Thái Lan bắt thêm nghi phạm đánh bom
Một người đàn ông nước ngoài, và là một trong những nghi phạm đánh bom ở đến Ekrawan tháng trước vừa bị bắt ở biên giới với Campuchia.
Chúng tôi vừa bắt một người nữa. Anh ta không phải người Thái", Reutersdẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha hôm nay cho biết trong cuộc họp nội các. Nghi phạm bị bắt ở tỉnh Sa Kaeo, biên giới với Campuchia. Hiện người này được đưa về thủ đô để thẩm vấn.
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy một người đàn ông gày gò, đội mũ lưỡi trai, đeo kính râm và có ria ngắn. Hiện có thông tin trái chiều về việc liệu nghi phạm này có phải là "người mặc áo vàng", nghi phạm chính trong vụ đánh bom đền Erawan hay không Nguồn: Bangkok Post |
Cũng trong thời điểm đó, Thái Lan vừa chính thức công bố lệnh truy nã cho ba nghi phạm mới. Cả ba người đều là nam giới và bị cáo buộc tàng trữ vật liệu nổ trái phép. Hai người đàn ông đầu tiên được xác định là Ali Jolan và Ahmet Bozonglan, theo Bangkok Post.
Chân dung ba nghi phạm mới do cảnh sát công bố Nguồn: Bangkok Post |
5. Nghi vấn về con tàu chở vàng của Phát xít Đức
Khi phát xít Đức tràn vào Ba Lan, họ chiếm đóng một lâu đài cổ ở tây nam nước này và tiến hành dự án đào đường hầm bí ẩn, cơ sở để nhiều người tin có đoàn tàu chở kho báu đang ẩn mình tại đây.
Theo truyền thuyết địa phương, con tàu chở kho báu của Đức quốc xã biến mất gần lâu đài Ksiaz ở Wałbrzych. Khi Đức xâm lược Ba Lan năm 1939, gia đình quý tộc sống trong lâu đài này đã rời khỏi đất nước. Hai năm sau đó, Đức quốc xã chiếm giữ lâu đài này. Nguồn: AP |
Kho vàng thời xưa của Phát xít Đức được di chuyển qua đường hầm, Dự án đường hầm được đặt tên là "Riese," có nghĩa là "Khổng lồ", và hiện vẫn không rõ mục đích của nó là gì. Nhiều người tin rằng Hitler dự định biến khu tổ hợp Riese thành trụ sở mới của mình. Những người khác suy đoán rằng vũ khí sẽ được lưu trữ trong các hang động ngầm, hoặc có một hệ thống đường sắt bí mật được xây dựng dưới lòng đất. Nguồn: National Archives and Records Administration |
Những hình ảnh cho thấy con tàu chở vàng của Đức là có thật Nguồn: National Archives and Records Administration |
Piotr Koper, từ Ba Lan, và Andreas Richter, quốc tịch Đức, xuất hiện trước ống kính đài truyền hình Ba Lan TVP, nhấn mạnh họ có "bằng chứng rõ ràng về cái được gọi là đoàn tàu chở vàng", Telegraph đưa tin hồi giữa tuần. Đó là một bức ảnh chụp bằng radar xuyên thấu có vật thể giống như một đoàn tàu bọc giáp
Hình ảnh chụp vật thể nghi là đoàn tàu chở vàng của phát xít Đức Nguồn: Telegraph |
Nhật Minh
(tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|