Thừa vốn 14.259 tỷ đồng sau làm đường sẽ được sử dụng ra sao?

20/10/2015 21:51

Chính phủ đề suất sử dụng vốn dư 14.259 tỷ đồng để hoàn thành các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Tiếp tục kì họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, chiều nay (20/10) Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Vốn dư chỉ sử dụng cho các dự án Trái phiếu Chính phủ

Theo quyết định được phê duyệt, tổng mức vốn đã được bố trí đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là 64.294 tỷ đồng. Đến nay, sau khi rà soát lại, do không phải sử dụng vốn dự phòng trượt giá; điều chỉnh thiết kế cho phù hợp; sử dụng biện pháp tổ chức thi công hợp lý; tiết kiệm 5% dự toán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổng kinh phí dự kiến để thực hiện các dự án chỉ còn 50.035 tỷ đồng, tổng số vốn TPCP còn dư là 14.259 tỷ đồng.

Để sử dụng vốn TPCP còn dư, Chính phủ báo cáo Quốc hội phương án sử dụng vốn để hoàn thành các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Đồng thời sử dụng vốn thi công một số tuyến tránh, một số nút giao và mở rộng một số đoạn nhằm đồng bộ quy mô và đảm bảo an toàn giao thông.

1
Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên chỉ còn 50.035 tỷ đồng, tổng số vốn TPCP còn dư là 14.259 tỷ đồng

Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội bố trí vốn cho một số công trình có tính kết nối với Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên nhằm đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư của hai tuyến đường này. Trường hợp vẫn còn vốn dư thì bố trí cho các dự án giao thông quan trọng khác thuộc danh mục dự án sử dụng vốn TPCP.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn TPCP đầu tư cho các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn TPCP còn dư để đầu tư các dự án với tổng số kinh phí không quá 14.259 tỷ đồng.

Đồng thời, Chính phủ đề nghị Quốc hội giao quyết định sử dụng nguồn vốn TPCP tiếp tục còn dư (nếu có) của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để chủ động xử lý các vấn đề phát sinh nhằm phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư hai tuyến đường này.

Quốc hội cũng giao Chính phủ thực hiện mức phát hành TPCP hàng năm theo tiến độ thực hiện các dự án, bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn TPCP. Giao Chính phủ tiếp tục thực hiện theo cơ chế quản lý và thực hiện đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 979/TTg-KTN ngày 5/7/2013. Đồng thời, cho phép tiến hành thẩm định, phê duyệt và triển khai ngay các dự án bổ sung sau khi được Quốc hội thông qua để đảm bảo tiến độ hoàn thành đưa toàn bộ quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh vào khai thác đồng bộ, hiệu quả.

Để thừa vốn là do lập dự toán, phê duyệt chưa sát

Thẩm tra về phương án sử dụng vốn TPCP còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, thay mặt Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT, dự án mở rộng Quốc lộ 1A và dự án đường Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào sử dụng vượt thời gian so với tiến độ.

“Trong quá trình thực hiện các dự án đã tập trung rà soát tiêu chuẩn kỹ thuật, quy mô dự án, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công nên chi phí thực tế thấp hơn so với mức vốn đã bố trí là kết quả tích cực trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn TPCP”, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đánh giá.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cho rằng, tỷ trọng vốn dư lớn so với tổng vốn được bố trí (dư 23%) thể hiện việc lập dự toán, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư chưa sát với thực tiễn. Việc cắt giảm quy mô đầu tư một số dự án có thể ảnh hưởng tới chất lượng công trình, không bảo đảm thực hiện đúng quy mô ban đầu của công trình; chất lượng thi công một số đoạn, tuyến chưa thật sự bảo đảm chất lượng cần được khẩn trương sửa chữa.

Về nguyên tắc sử dụng vốn dư, Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội thống nhất với Chính phủ về các nguyên tắc sử dụng vốn dư. Theo đó, các dự án dự kiến được phân bổ nguồn vốn dư này cần phải nằm trong danh mục các dự án sử dụng vốn TPCP được Quốc hội quyết định hoặc là các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A cải tạo và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; các dự án kết nối, góp phần phát huy hiệu quả đối với 2 tuyến đường này.

Đồng thời, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ tính cấp bách, cần thiết của từng dự án để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Chính phủ cũng cần rà soát kỹ hơn, bảo đảm các dự án được đề xuất phân bổ vốn dư là những dự án thực sự cấp bách, có trong danh mục các dự án sử dụng vốn TPCP.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng đồng tình với phương án sử dụng vốn dư để bổ sung cho các dự án nằm trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh (bao gồm cả tuyến tránh); các dự án đã có trong danh mục sử dụng vốn TPCP theo các Nghị quyết của Quốc hội và dự án có tính chất kết nối với Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh.

Các dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận, đồng ý về chủ trương hoặc cho phép sử dụng nguồn vốn TPCP như nội dung Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, bố trí đủ vốn để bảo đảm hoàn thành các công trình đã được Quốc hội quyết định đầu tư trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng cho biết, có ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh nợ công tăng cao, Ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, vốn TPCP lại là vốn vay, trong trường hợp đã hoàn thành mục tiêu của các dự án đầu tư của Quốc hội thì không nên tiếp tục phát hành, phân bổ, sử dụng nguồn vốn TPCP dư này nhằm hướng tới mục tiêu giảm bớt áp lực về nợ công.

Do đó, khi được Quốc hội chấp thuận sử dụng vốn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, đề nghị thể hiện trong Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt dự toán NSNN năm 2016 và tiếp tục rà soát về quy mô, thiết kế, dự toán và giao Chính phủ phân bổ vốn cụ thể cho các dự án có trong Danh mục được Quốc hội quyết định.

Nếu qua rà soát các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và quá trình tổ chức thực hiện còn tiếp tục dư vốn TPCP so với tổng mức đã bố trí, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chủ động bố trí vốn xử lý các vấn đề phát sinh để bảo đảm hiệu quả cao nhất cho 2 tuyến đường này, tránh tình trạng bố trí dở dang, thiếu vốn./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN