COP21: Nỗ lực vượt trở ngại

12/12/2015 09:30

(Baonghean) - Theo kế hoạch, 18h ngày 11/12, giờ địa phương (nửa đêm 11/12 theo giờ Hà Nội), Hội nghị thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris phải ký được một thỏa thuận toàn cầu về cắt giảm khí thải đang làm cho Trái Đất nóng lên. Tuy nhiên, thời hạn chót đã qua nhưng các đàm phán sẽ phải tiếp tục ít nhất đến hôm nay (12/12), do còn một số vướng mắc và bất đồng chưa được tháo gỡ.

Một bản dự thảo kết quả của hội nghị COP21. Ảnh: Guardian.
Một bản dự thảo kết quả của hội nghị COP21. Ảnh: Guardian.

Tín hiệu lạc quan

Đến nay, các nhà đàm phán tại Paris sắp sửa đạt được một thỏa thuận trên quy mô toàn cầu để cắt giảm lượng khí thải nhà kính đến năm 2030 và xa hơn. Đó là điều mà Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngầm ngụ ý khi khẳng định hội nghị kéo dài suốt nhiều ngày qua đã “rất gần hồi kết” trong khi trình bày bản dự thảo thứ 3 với nhiều điểm vướng mắc trước đó đã được tháo gỡ.

Sau khi nghiên cứu bản dự thảo và điều hành cuộc gặp của nhóm các nước phát triển, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nói rằng, bà nghĩ bản dự thảo đã “đạt được khoảng 80%”. Vị Ngoại trưởng này cho biết: “Vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là về vấn đề tài chính và sự phân chia quốc gia đang phát triển và phát triển… Song tôi vẫn hy vọng chúng ta sẽ đạt được thỏa thuận”.

Trong khi đó, các nhà quan sát phi chính phủ hàng đầu cũng thống nhất rằng các đàm phán rốt cuộc đã có sự tiến triển. Bà Jennifer Morgan, Giám đốc toàn cầu chương trình khí hậu tại Viện Nguồn lực Thế giới, khẳng định “đã có những tiến bộ đáng kể” được đưa ra.

Trước những dấu hiệu lạc quan và những nhận định tích cực như trên, ông Fabius vẫn cho rằng các đàm phán cần kéo dài thêm 1 ngày và kết thúc chậm hơn dự kiến vào hôm nay (12/12). Những cuộc đàm phán về vấn đề khí hậu do Liên hợp quốc đứng ra tổ chức quả thực không lấy làm lạ với thông lệ kéo dài thời gian này, như cuộc gặp hồi năm 2011 tại Durban cũng kéo dài tới sáng sớm ngày cuối tuần, do đó nếu lần này các đàm phán được gói lại chậm hơn dự kiến cũng không gây quá nhiều ngạc nhiên cho những người quan tâm theo dõi.

Những cuộc đàm phán nước rút, hay còn gọi là đàm phán marathon, cũng là đặc điểm của hội nghị lần này, khi ông Fabius cho các quốc gia tham dự có 2 giờ đồng hồ để nghiên cứu bản dự thảo mới nhất trước khi tiến hành một cuộc họp khác, ít rườm rà lễ nghi hơn, dự kiến diễn ra vào đêm muộn ngày 11/12 theo giờ địa phương, tức sáng sớm nay theo giờ Việt Nam.

Theo ông Fabius, phiên làm việc thâu đêm suốt sáng sẽ đưa ra những giải pháp cần thiết, và các nhà đàm phán sẽ có khoảng 30 - 45 phút để cùng nhau dàn xếp bất cứ tình thế bế tắc nào còn sót lại. Sau 2 cuộc gặp tương tự đêm 9/12, 1 do Ngoại trưởng Fabius chủ trì, 1 do Bộ trưởng Môi trường Peru Manuel Pulgar-Vidal điều hành, lần lượt kéo dài đến 5 giờ sáng và 8h sáng ngày hôm sau (10/12), đây là cơ hội tiếp theo để tất cả các nước lên tiếng về những quan ngại của họ, đảm bảo rằng không có quan điểm của bên nào bị bỏ sót hay không được lắng nghe. Và cũng như Ngoại trưởng Fabius, nhiều người đang đặt kỳ vọng vào cuộc gặp này để có thể chính thức đưa ra được bản dự thảo chung cuộc vào ngày hôm nay.

Những trở ngại cuối cùng

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, giữ chức Chủ tịch COP21, tin tưởng thỏa  thuận cuối cùng sẽ đạt được vào ngày hôm nay (12/12). Ảnh: AP.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, giữ chức Chủ tịch COP21, tin tưởng thỏa thuận cuối cùng sẽ đạt được vào ngày hôm nay (12/12). Ảnh: AP.

Kể từ khi các đàm phán bắt đầu 12 ngày trước, tính đến nay vẫn còn các vấn đề then chốt và gây nhiều tranh cãi còn sót lại.

Thứ nhất, các quốc gia có đảo dễ bị tổn thương và nhiều quốc gia khác ủng hộ ý tưởng về một thỏa thuận đầy tham vọng đang khăng khăng rằng bản dự thảo cuối cùng phải đưa ra ngưỡng nóng lên toàn cầu được duy trì dưới 1,5 độ C. Một số bộ trưởng của các nước phát biểu trong các cuộc gặp đêm 9/12 cho rằng họ sẽ không chịu quay về một khi còn có “thái độ cảm thông” mơ hồ về vấn đề này. Bản dự thảo mới nhất đã tìm cách giải quyết và tháo gỡ khúc mắc, bằng cách nói rằng các quốc gia sẽ “duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu dưới 2 độ C trên các cấp độ tiền công nghiệp và theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C, thừa nhận rằng đây là mức giảm đáng kể nguy cơ và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”. Đến thời điểm này, đây là nội dung được đưa ra như là lựa chọn cuối cùng, và dễ được nhiều bên đồng thuận nhất.

Thứ 2, các quốc gia đang phát triển cho rằng bản thỏa thuận cần phải rõ ràng về khoản hỗ trợ tài chính mà họ có khả năng được nhận để giúp cắt giảm lượng khí thải và ứng phó với vấn nạn biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển muốn con số 100 tỷ USD hỗ trợ là con số sàn của năm 2020 và sẽ phải tăng dần trong các năm tiếp theo. Bản dự thảo cuối cũng vẫn còn chứa đứng nhiều khác biệt về mức độ tham vọng của mục tiêu hỗ trợ tài chính nói trên.

Thứ 3, các nước phát triển, trong đó có Mỹ và Australia, đồng thời là những nước dễ bị tổn thương, hiện đang kiên quyết yêu cầu bản thỏa thuận phải nêu rõ rằng cuối cùng mọi quốc gia đều sẽ phải giải thích và báo cáo về lượng khí thải của mình theo các cách tương tự nhau, và thường xuyên xem xét lại các cam kết của họ. Các nước đang phát triển trong khi đó lại muốn duy trì sự phân chia được nêu trong hội nghị khung về khí hậu năm 1992 đặt ra giữa các yêu cầu đối với nước giàu và nghèo. Đây cũng là vấn đề chưa được tháo gỡ tính đến ngày làm việc thứ 11 của COP21.

Thứ 4, tranh cãi về mất mát và tổn thất cũng chưa được dàn xếp ổn thỏa. Bản dự thảo đề xuất một cuộc xem xét lại trên quy mô toàn cầu vào năm 2019 - trước khi các cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong giai đoạn 2020 - 2030 bắt đầu có hiệu lực, và sau đó là các đợt kiểm tra, xem xét trong năm 2020 đối với các quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2025 và tùy chọn xem xét lại đối với các quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030.

Dù như Erwin Jackson, Phó Giám đốc điều hành của Viện Khí hậu nhận định, hội nghị năm nay đang nhiều cơ hội đạt được kết quả khả thi và tốt đẹp nhất, song vẫn còn những vấn đề then chốt mang tính chính trị phải giải quyết. Và Chủ tịch COP21 năm nay, Ngoại trưởng Pháp Fabius cũng nói: “Tôi sẽ không trình bày bản dự thảo vào tối thứ 6 như đã nghĩ, mà vào sáng thứ 7. Vẫn còn việc phải làm. Mọi chuyện đang đi đúng hướng”. “Chậm mà chắc”, hy vọng rằng COP21 sẽ không để phí hoài công sức chờ đợi và kỳ vọng của dư luận, và một bản thỏa thuận thiết thực và thành công nhất sẽ được đưa ra, làm đẹp lòng các bên liên quan.

Thu Giang

(Theo Guardian)

TIN LIÊN QUAN