Kỳ Sơn: Triển vọng từ cây táo mèo

14/10/2015 11:25

(Baonghean) - Những ngày này, tại một số nơi ở Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), bà con đang bày bán quả táo mèo (một vị thuốc Đông y có lợi cho sức khỏe) với mức giá khoảng 15.000 đồng/kg. Theo lời những người bán hàng, số lượng táo mèo ở đây chủ yếu do đồng bào Mông ở xã Tây Sơn đem ra bán.

Đến bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn, gặp ông Vừ Nỏ Bì, người thường hay vào rừng lấy táo mèo về bán. Ông Bì cho hay, từ đầu mùa đến nay, ông đã nhiều lần vào rừng tìm quả táo mèo nhưng chỉ được khoảng 50 - 60kg. Đây là loài cây mọc ở trong rừng Pun Lon nhưng số lượng không nhiều, có khi đi từ sáng đến tối chỉ gặp vài cây. May mắn thì gặp được cây có quả, chịu khó tìm cách hái xuống cũng được khoảng vài trăm nghìn đồng.

Bản Đống 1, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn)- khu vực có nhiều cây táo mèo mọc trong rừng
Bản Đống 1, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) - khu vực có nhiều cây táo mèo trong rừng

Rời Huồi Giảng, men theo dòng Nậm Mộ, đến bản Cánh (trung tâm xã Tà Cạ), chúng tôi tìm đường lên bản Đống 1 và Đống 2. Con đường dốc đứng và khúc khuỷu, trơn trượt và sạt lở, xe máy gần như chỉ cài số 1, thi thoảng mới cài được số 2.

Nhiều đoạn sương mù bịt kín lối đi, bật đèn cũng không thể nhìn được cảnh vật phía trước. Bản Đống 1 và Đống 2 nằm ở độ cao trên 1.300m so với mực nước biển, là vùng giao nhau giữa dãy Pun Lon, Pù Xai và Pù Mo. Đây cũng là địa bàn giáp ranh giữa xã Tây Sơn và Mường Típ, Na Ngoi.

Cây táo mèo mọc quanh bản Đống 1, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn)
Cây táo mèo mọc quanh bản Đống 1, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn)

Khu vực này có khá nhiều cây táo mèo, theo ước tính của bà con nhân dân, 20 ha rừng tự nhiên có khoảng 200 - 300 cây. Táo mèo ở đây rất sai quả, thường rụng vào thời điểm cuối mùa Thu.

Một đặc điểm đáng lưu ý là loài cây này không phải năm nào cũng có quả, đặc biệt có những năm cả cánh rừng không hề cây có một cây nào có quả. Năm nay, cây táo mèo trong các khu rừng có rất nhiều quả, trở thành “món quà” có giá trị đối với bà con người Mông, giúp họ có thêm nguồn thu nhập.

Anh Hạ Giống Cu (bản Đống 2), người lấy được nhiều táo mèo nhất bản cho biết: “Từ đầu mùa đến giờ, ta vào rừng lấy được khoảng 400 kg quả táo mèo, bán được khoảng gần 5 triệu đồng. Bây giờ khó lấy hơn rồi, vì phải đi xa, có khi cả ngày mới kiếm được hơn chục kg”.

. Qủa táo mèo giúp người dân bản Đống 1 có thêm nguồn thu nhập.
. Qủa táo mèo giúp người dân bản Đống 1 có thêm nguồn thu nhập.

Đến bản Đống 1, anh Hạ Vả Khư cho hay, hôm trước vừa chở 50 kg táo mèo ra bán ở thị trấn Mường Xén. Từ đầu mùa tới nay, anh Khư đã khai thác được hơn 700 kg táo mèo, thu về một số tiền không nhỏ so với làm nương rẫy.

Cũng tại bản Đống 1, chúng tôi gặp anh Hạ Bá Chư đi từ bìa rừng về bản, trên lưng mang chiếc bao tải táo mèo khá nặng. Hạ Bá Chư cho biết: “Mình hôm nay đã gặp may, vì đã gặp một cây còn nhiều quả, được khoảng 30 kg táo”.

Thương lái ở Kỳ Sơn thu mua táo mèo về bán tại Thị trấn Mường Xén
Thương lái ở Kỳ Sơn thu mua táo mèo về bán tại Thị trấn Mường Xén

Từ trước tới nay, nhiều người thấy loài cây này mọc trong rừng nhưng không ai biết được giá trị của nó, cứ để cây ra quả rồi rụng xuống. Người có công đưa quả táo mèo ra thị trường là anh Hạ Bá Tếnh ở bản Sơn Hà (Tà Cạ), là giáo viên Trường Tiểu học Tây Sơn, hiện công tác tại điểm trường bản Đống 2.

Anh Tếnh có người em trai công tác tại UBND xã Huồi Tụ, được một cán bộ xã này tặng mấy cân táo mèo sau chuyến tham quan Sa Pa. Tại Sa Pa, giá táo mèo lên tới 70.000 đồng/kg. Vốn sinh ra và lớn lên ở bản Đống 1, anh Tếnh và em trai biết rõ trên rừng Pun Lon, khu vực quanh bản có rất nhiều cây táo mèo, trong đó nhiều cây sai quả vào mùa Thu.

Năm nay cây táo mèo rất sai quả, nhiều cây đã bắt đầu rụng xuống, anh Hạ Bá Tếnh tranh thủ vào rừng lấy quả để vợ đem ra bán ở Thị trấn Mường Xén. Không chỉ vợ anh Tếnh mà nhiều người khác vào bản gom táo mèo về bán ở trung tâm huyện Kỳ Sơn.

Qủa táo mèo được bày bán khá nhiều tại Thị trấn Mường Xén
Qủa táo mèo được bày bán khá nhiều tại Thị trấn Mường Xén.

Qua trao đổi với ông Mùa Nhìa Vừ, Chủ tịch UBND xã Tây Sơn, được biết cây táo mèo có mặt trên rừng Tây Sơn từ rất lâu. Đây là cây ưa khí hậu lạnh, thường sống ở độ cao 1.300m trở lên, rụng quả vào dịp cuối mùa Thu. Hỏi về khả năng quy hoạch trồng cây táo mèo thành cây hàng hóa, giúp bà con tăng thu nhập, ông Mùa Nhìa Vừ khẳng định: “Đó là hướng đi hợp lý, khai thác lợi thế về vốn đất và khí hậu để phát triển kinh tế. Nhưng phải nghiên cứu kỹ đặc điểm giống cây này trước khi quy hoạch phát triển. Vừa rồi, Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ xã một ít cây giống, hiện cây trồng phát triển bình thường nhưng phải chờ 5 - 7 năm mới khẳng định được tính hiệu quả”.

Anh Trần Tuấn Thi, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số Nghệ An (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: “Trung tâm đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng mô hình thí điểm trồng cây táo mèo ở các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong và Tương Dương. Nếu thành công, sẽ tiến hành nhân rộng mô hình giúp bà con tăng thu nhập, giải quyết việc làm và góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững”.

KIÊN - PHƯƠNG

Táo mèo còn gọi là sơn tra, cây chua chát (vì táo mèo có vị chua chát). Ngoài ra cây táo mèo còn có nhiều tên gọi khác như: bắc sơn tra, nam sơn tra, dã sơn tra, aubepine.

- Tên khoa học: Crataegus pinnatifida Bunge (bắc sơn tra, sơn tra), Crataegus cuneata Sieb.et Zucc (nam sơn tra, dã sơn tra)

- Quả táo mèo chính là bộ phận được dùng làm thuốc. Quả táo mèo có vị chua và hơi chát.

- Cách chế biến và thu hái: Quả táo mèo thu hái về được bổ ngang hay bổ dọc rồi phơi khô

- Thành phần hóa học: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong táo mèo có chứa cá hoạt chất như: Axit tactric, vitamin C, hydrat cacbon và protit, tatin. Mới đây còn tìm thấy trong táo mèo chứa các axit hữu cơ thuộc loại tritecpen như axit oleanic và crataegic.

- Công dụng chữa bệnh: Tác dụng tốt cho tiêu hóa, chữa rối loạn tiêu hóa, kích thích tiêu hóa; giảm béo; tốt đối với người bị bệnh tim mạch; ổn định huyết áp và giải rượu.

- Đối tượng sử dụng: Người bị mỡ máu, mỡ gan, người béo phì; kém ăn, gầy yếu; bệnh tim mạch, huyết áp cao; rối loạn tiêu hóa; có thể dùng rượu táo mèo làm đồ uống rất ngon...

(Theo trang web caythuoc.org)

TIN LIÊN QUAN