Trường THPT Nghi Lộc 2: Dấu ấn nửa thế kỷ trồng người

14/11/2015 16:12

(Baonghean)- Trường THPT Nghi Lộc 2 (Nghi Lộc) ra đời trong khói lửa chiến tranh, suốt chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ thầy và trò nhà trường không ngừng ra sức thi đua, dạy tốt học tốt, đạt được nhiều thành tích cao trên tất cả các mặt công tác,...

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục của các xã phía Tây huyện Nghi Lộc, mùa thu năm 1965, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định thành lập Trường THPT Nghi Lộc 2.Trường đứng chân tại khu vực Rú chờ - Giếng Vạy thuộc xã Nghi Phương với 4 lớp, 193 học sinh, trong đó một lớp 10 với 40 học sinh, một lớp 9 với 37 học sinh và hai lớp 8 với 116 học sinh. Đội ngũ nhà giáo có 21 thầy cô do thầy Nguyễn Văn Duyên làm Hiệu trưởng. Ra đời trong lửa đạn chiến tranh, việc học tập của thầy và trò hết sức gian khổ và luôn đối mặt với hiểm nguy, nhất là khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Các lớp học luôn phải thay đổi địa điểm để tránh bom đạn của giặc.

Học sinh Trường THPT Nghi Lộc 2 vui ngày hội trường.
Học sinh Trường THPT Nghi Lộc 2 vui ngày hội trường.

Đầu năm học 1966 – 1967, trước tình hình ác liệt của chiến tranh, các khu vực trọng điểm như cầu cống, đường xá, kho lương thực, nơi tập trung đông dân cư bị tăng cường đánh phá nên Ban Giám hiệu nhà trường quyết định chia trường thành 2 phân hiệu:Phân hiệu 1 đứng chânở phía Tây cầu Phương Tích gồm học sinh các xã Nghi Phương, Nghi Đồng, Nghi Hưng, Nghi Công, Nghi Mỹ, Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều, Hưng Trung, học ở cơ sở cũ.Phân hiệu 2 gồm học sinh các xã Nghi Hoa, Nghi Thuận, Nghi Diên, Nghi Vạn, Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết và các bạn ở thành phố Vinh sơ tán ra đóng chân tại rú Con Chim xã Nghi Diên.

Cũng trong giai đoạn này, nhà trường vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, học tập vừa chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Hàng ngàn giáo viên, học sinh đã tạm biệt mái trường, lên đường ra tiền tuyến, cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, đã có 131 học sinh của trường anh dũng hi sinh, 1011 người phải bỏ lại một phần thân thể, máu xương của mình nơi chiến trường, trở thành những thương, bệnh binh.

Phòng học tin hiện đại của trường.
Phòng học tin hiện đại của trường.

Đến năm 1969, Trường THPT Nghi Lộc 2 chuyển về vùng núi xã Nghi Mỹ. Đây là vùng đồi núi, rừng cây cổ thụ. Sau khi được UBND xã Nghi Mỹ hỗ trợ máy múc tạo được mặt bằng làm 2 dãy nhà trệt, các thầy và trò nhà trường phải luân phiên nhau múc cát sỏi, đổ táp lô xây nhà cấp 4 làm nơi dạy, học. Với nhiệm vụ vừa học tập văn hóa vừa giáo dục lao động, vừa học vừa làm, thầy và trò đã chung tay góp sức cùng nhân dân trong khu vực trường đóng chân cùng nhau lao động, sản xuất. Các đợt trồng cây ở Nghi Kiều; sản xuất lúa ở Trại giống Nghi Văn; đắp đường, đào mương ở Nghi Phương thực sự đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên trong lòng mỗi học trò và thầy cô giáo...

Giai đoạn 1979 – 1992, dù trong hoàn cảnh khó khăn vì nhiều lý do khác nhau, nhưng thầy và trò nhà trường vẫn cố gắng dạy tốt, học tốt. Thậm chí, có thời điểm, trường chỉ còn 5 lớp cấp 3, khối lớp 10 chỉ có 28 em học sinh nhưng bằng sự năng động, sáng tạo và cần cù, chịu khó, phát huy truyền thống vùng đất học, Trường THPT Nghi Lộc 2 vẫn từng bước vươn lên, đạt được nhiều thành tích cao. Nổi bật nhất là trường được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Nhiều học sinh của nhà trường đã làm rạng danh mái quê hương đất nước, nhiều cựu học sinh đã và đang trở thành các tướng lĩnh đảm nhận những vị trí quan trọng của đất nước. Nhiều anh chị học sinh cũ nhà trường đã trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Giờ thực hành Vật lý.
Giờ thực hành Vật lý.

Từ 1996 đến 2015, Trường THPT Nghi Lộc 2 bước vào giai đoạn ổn định và phát triển. Điều này thể hiện rõ nét về mặt số lượng học sinh tăng cao song hành cùng chất lượng dạy học. Thời kỳ cao điểm, trường có ba hệ học: Công lập, Bán công và Bổ túc văn hóa với số lượng học sinh lên đến 2600 em, 58 lớp học. Đây cũng là thời kỳ đánh dấu những bước phát triển mới của nhà trường trong việc huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất. Từ những dãy nhà cấp 4 đơn sơ, trường đã dần xây dựng được những dãy nhà cao tầng khang trang, hiện đại với đầy đủ các phòng học đa chức năng, phòng thực hành tin học, ngoại ngữ, thư viện, vườn thực nghiệm…

Năm 2006, phân hiệu 2 của trường được tách ra để thành lập Trường THPT Nghi Lộc 5. Trường giảm về quy mô nhưngchất lượng dạy và học, công tác quản lý và đội ngũ cán bộ, giáo viên vẫn tiếp tục được nâng cao và đang thực sự trở thành điểm sáng của giáo dục tỉnh nhà với các thành tích nổi bật là học sinh đậu tốt nghiệp, học sinh đậu đại học - đậu đại học điểm cao được tỉnh vinh danh và học sinh giỏi tỉnh. Có những năm, học sinh của trường đạt 2 giải nhất, 7 giải nhì, 6 giải ba và 8 giải khuyến khích, về tổng sắt huy chương chỉ đứng sau trường Chuyên Phan Bội Châu.

Từ năm học 2005 – 2006 đến nay Trường có 2 giải nhất học sinh giỏi tỉnh, 47 giải nhì, 91 giải ba và 103 giải khuyến khích; 1 em đạt Huy chương Đồng IMO toàn quốc, 2 em khác đạt huy chương Đồng IOE toàn quốc; 2 giải khuyến khích Sáng tạo Khoa học kỹ thuật… Đặc biệt có những học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã đạt được kết quả xuất sắc giành được thủ khoa, học sinh được tỉnh vinh danh như: Phạm Thị Liên ở xã Nghi Đồng, Nguyễn Đức Tài xã Nghi Lâm, Nguyễn Thế Hiếu xã Nghi Phương, Nguyễn Thị Oanh xã Nghi Mỹ… Hiện nay trường được xếp thứ 24 trên tổng số 92 cơ sở giáo dục THPT Tỉnh Nghệ An; Xếp thứ 642 trên tất cả các trường THPT toàn quốc về số điểm thi đại học.Trong giai đoạn này, nhà trường đã được chủ tịch nước tặng 1 huân chương lao động hạng Nhì và 1 huân chương lao động hạng Ba.

Trường THPT Nghi Lộc 2 luôn xác định phải xây dựng đội ngũ nhà giáo vừa hồng, vừa chuyên để đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của việc dạy và học. Hiện nay, trường có 80 cán bộ giáo viên, nhân viên, tất cả đều đạt chuẩn và trên chuẩn trong đó có 15 thạc sỹ, 17 Giáo viên giỏi tỉnh, 15 Sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành, tỉnh.

Những năm gần đây, trường liên tục được tặng thưởng các danh hiệu như đơn vị tiên tiến, tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh; chi bộ Đảng lien tục được công nhân Chi bộ trong sạch vững mạnh; Công đoàn nhà trương nhiều năm liên tục đạt danh hiệu “Vững mạnh xuất sắc”, nhiều năm được Liên đoàn Lao động Tỉnh Nghệ An và Công đoàn giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen.Đoàn Thanh niên nhiều năm được T.Ư Đoàn và Tỉnh đoàn Nghệ An tặng bằng khen. Năm 2015, Trường được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen do có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo.

Phát huy truyền thống nửa thế kỷ vẻ vang, thầy và trò Trường THPT Nghi Lộc 2 đang ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, đoàn kết đổi mới và phát triển, hoàn thành mục tiêu xây dựng trường chuẩn Quốc gia năm 2015, đáp ứng với sự kỳ vọng, tin yêu của các thế hệ học sinh, phụ huynh và nhân dân địa phương; xứng đáng là lá cờ đầu của ngành giáo dục tỉnh nhà.

BẢNG VÀNG THÀNH TÍCH

A. KẾT QUẢ ĐÀO TẠO

- Học sinh tốt nghiệp ra trường: 18.869

- Học sinh giỏi tỉnh: 2 giải nhất, 47 giải nhì, 91 giải ba và 103 giải khuyến khích.

- Học sinh giỏi quốc gia, toàn quốc: 1 huy chương Đồng IOE toàn quốc; 2 giải khuyến khích Sáng tạo Khoa học kỹ thuật.

- Giải thưởng khác: 1 giải Ba cuộc thi Hát dân ca ví giặm.

- Học sinh đậu Đại học - Cao đẳng: 60% số học sinh tốt nghiệp hàng năm.

- Xếp thứ 24 trên tổng số 92 cơ sở giáo dục THPT Tỉnh Nghệ An

- Xếp thứ 642 trên tất cả các trường THPT toàn quốc về số điểm thi đại học.

B. DANH HIỆU PHONG TẶNG

1. Tập thể

- Nhiều cờ thi đua “Tổ lao động XHCN”

- Nhiều năm liền được công nhận là trường tiên tiến, trường tiên tiến xuất sắc cấp Tỉnh.

- Huân Chương Lao động hạng Ba (năm 1976)

- 2 Huân Chương Lao động hạng Nhì (năm 1999 và 2004)

- 2 Bằng khen của Bộ NN&PTNT và Bộ Quốc phòng

- Nhiều năm được UBND Tỉnh Nghệ An và Bộ Giáo dục đào tạo tặng Bằng khen.

- Chi bộ nhiều năm liền được công nhận là Chi bộ trong sạch vững mạnh xuất sắc

- Công đoàn: Nhiều năm liên tục đạt danh hiệu “Vững mạnh xuất sắc”, nhiều năm được Liên đoàn Lao động Tỉnh Nghệ An và Công đoàn giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen.

- Đoàn Thanh niên nhiều năm được TW Đoàn và Tỉnh đoàn Nghệ An tặng bằng khen.

- Năm 2015 được Thủ tướng Chính Phủ tặng bằng khen do có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo.

2. Cá nhân

- Hàng ngàn học sinh của trường đã lên đường nhập ngũ, trong đó có 1011 thương binh, 131 Liệt sĩ.

- 17 Giáo viên giỏi tỉnh

- 15 Sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành, tỉnh.

- Nhiều cựu học sinh trở thành lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh.

- Nhiều học sinh trở thành các nhà khoa học nổi tiếng trong và ngoài nước, nhiều người là giáo sư, Phó giáo sư, tiến sỹ trên các lĩnh vực.

Nguyên Khoa

TIN LIÊN QUAN