Ngành sữa Việt sẽ "chìm" trong TPP nếu không minh bạch tiêu chuẩn?

26/10/2015 08:02

Nhà nước cần có những quy định cụ thể để minh bạch tiêu chuẩn các loại sữa ở Việt Nam để ngành chăn nuôi bò sữa vững bước vào TPP.

Nhu cầu tiêu dùng sữa ở nước ta trong thập niên qua được đánh giá tăng trưởng cao, luôn đạt hai con số và trong tương lai dài nhu cầu này vẫn phát triển. Vậy trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới, đặc biệt là tham gia hiệp định TPP sắp tới, ngành chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa của nước ta sẽ có cơ hội gì và đối mặt rủi ro gì?

Mới đáp ứng được gần 34% nhu cầu nội địa

Theo PGS.TS Hoàng Kim Giao, Hiệp hội Gia súc lớn (Hội Chăn nuôi Việt Nam) cho biết: Tiêu thụ sữa bình quân cho một người trên thế giới là 103,4 lít. Con số này khác nhau ở các khu vực, các nước. Ví dụ ở châu Á là 65,6 lít, châu Âu là 205 lít, châu Đại Dương là 336 lít. Ở nước ta bình quân mới đạt là 18 lít/người/năm, trong đó có 6,1 lít sữa tươi bằng 34% tổng lượng sữa quy đổi tiêu thụ, Trung Quốc là 35 lít, Thái Lan là 25 lít.


1
Chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức khi vào TPP

Một số lợi thế thị trường là: Nhu cầu tiêu dùng sữa ở Việt Nam ngày càng gia tăng những năm gần đây; lực lượng lao động nhiều, phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến nhiều và đang dạng; sự đồng tình ủng hộ của chính quyền các cấp và hiệu quả chăn nuôi bò sữa của người dân thời gian qua cao hơn một số lĩnh vực chăn nuôi khác. Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay, ngành chăn nuôi bò sữa của nước ta mới đáp ứng được gần 34% nhu cầu về sữa tiêu dùng, 66% còn lại phải nhập nội. Như vậy, thị trường sữa ở nước ta còn rất lớn. Phát triển chăn nuôi bò sữa cung cấp sữa không những cho thị trường trong nước mà còn có khả năng xuất khẩu cho các nước lân cận như Lào, Campuchia.

Tuy nhiên, những vấn đề nhãn tiền mà ngành chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa nước ta đối mặt, theo PGS.TS Hoàng Kim Giao là: Điều kiện khí hậu, sinh thái không thuận lợi cho chăn nuôi bò sữa; nước ta không có giống bò sữa tốt, kinh nghiệm, kiến thức về chăn nuôi bò sữa còn thiếu; phần lớn chăn nuôi bò sữa còn nhỏ, phân tán, không chuyên nghiệp, khó quản lý dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chi phí giá thành sản xuất ra một lít sữa của nước ta cao hơn so với Australia, New Zealand, Mỹ.

Với thực trạng đó, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng về kinh tế thế giới, “Hiệp định thương mại TPP được ký kết là thách thức rất lớn đối với ngành chăn nuôi bò sữa. Bởi khi đó, các sản phẩm chăn nuôi trong đó có sữa tại các nước có lợi thế như New Zealand, Australia, Mỹ… sẽ được nhập vào nước ta.”- PGS.TS Giao nhấn mạnh. Theo một nghiên cứu của IFCN (mạng lưới trang trại quốc tế, 2013), chi phí sản xuất sữa trung bình của thế giới ước tính 46 USD/100 kg sữa tươi nguyên liệu, Australia và New Zealand là 35 USD, Mỹ 41,4 USD, châu Âu 40-55 USD… còn ở Việt Nam, tùy điều kiện, sản xuất ra 100 kg sữa tươi chi phí khoảng 42-52 USD.

Hơn nữa, sự liên kết giữa những người chăn nuôi bò sữa, giữa các công ty sữa, doanh nghiệp thu mua sữa, chế biến sữa được đánh giá là chưa tốt. Sự chưa rõ ràng, minh bạch trong các tiêu chuẩn sữa, trong tuyên truyền quảng cáo về các sản phẩm sữa đã đưa đến sự hiểu nhầm ở người tiêu thụ…

Nhập nhèm giữa sữa tươi và sữa hoàn nguyên: SOS?

Là một doanh nghiệp đang trực tiếp tham gia vào chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa tại Việt Nam, ông Hoàng Công Trang, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TH, thẳng thắn: Vào TPP, Việt Nam được đánh giá có thể được hưởng lợi nhiều nhất, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, “lợi ích không tự nhiên đến khi chúng ta không có sự chuẩn bị, tận dụng cơ hội để phát triển. Sẽ không có cơ hội nào nếu hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, của chúng ta không có thương hiệu, không đáp ứng các tiêu chuẩn ngặt nghèo về an toàn thực phẩm”.

Nhìn thực trạng ngành chăn nuôi bò sữa và thị trường sữa của Việt Nam, ông Trang phân tích: Với hoạt động chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa, 3 nước trong TPP là Australia, Mỹ, New Zealand đã đạt tiêu chuẩn cao về an toàn, chất lượng. Các sản phẩm sữa của họ đã và đang được nhập ồ ạt vào Việt Nam phần lớn dưới hình thức sữa bột pha lại (vì dễ vận chuyển, dễ bảo quản, chi phí thấp). Trong bối cảnh đó, chiến lược của Tập đoàn TH là chủ động sản xuất nguyên liệu, thúc đẩy chăn nuôi trong nước, đẩy mạnh thị phần sữa tươi sạch trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Tuy nhiên, thị trường sữa tươi trong nước đang đối mặt nhiều thách thức khi TPP có hiệu lực. Theo ông Trang, việc nhập khẩu sữa bột vào Việt Nam sẽ diễn ra theo xu hướng ồ ạt nếu giá xuống thấp và thuế suất về Việt Nam bằng 0. Việc này sẽ phá vỡ xu hướng tiêu dùng sữa hiện nay là hướng tới việc sử dụng sữa tươi (xu hướng tiêu dùng của thế giới). Hơn nữa, việc nhập khẩu sữa tươi sẽ thuận lợi hơn so trước đây. “Việc này gây bất lợi cho các thương hiệu sữa tươi trong nước”- ông Trang lo lắng.

Thực tế, đối với sản phẩm sữa tươi nhập khẩu thì người tiêu dùng luôn tin rằng sản phẩm đó thực sự là 100% sữa tươi, trong khi đối với sữa dạng lỏng trong nước thì đang có sự nhập nhằng giữa sữa tươi pha lại với sữa tươi do những quy định hiện hành (thông tư 30 về tiêu chuẩn sữa). “Điều này làm mất lợi thế chính đáng của sữa tươi trong nước ngay tại sân nhà và tạo thêm lợi thế cho hàng nhập khẩu”- ông Trang dự báo.

Về điểm này, TS.Nguyễn Thị Thu Hằng (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) chỉ rõ: Tại Việt Nam đang sử dụng sữa hoàn nguyên là chủ yếu vì sữa tươi chỉ mới đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu. Sữa hoàn nguyên giá rẻ hơn nhưng thực tế giá sữa hoàn nguyên bán trên thị trường thấp hơn sữa tươi không đáng kể. Một nguyên nhân quan trọng là quy định ghi nhãn sữa không chặt chẽ. Thị trường chưa minh bạch nên người tiêu dùng còn chịu thiệt.

Vì thế, cả ông Trang và bà Hằng đều đề nghị Nhà nước cần có những quy định cụ thể để minh bạch tiêu chuẩn các loại sữa ở Việt Nam. Quy chuẩn sữa cần phải minh bạch, rõ ràng hơn để đảm bảo sự công bằng cho ngành sữa tươi Việt Nam, bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và trả lại cơ hội phát triển và cạnh tranh lành mạnh cho ngành chăn nuôi và nông nghiệp Việt. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp bảo vệ được thương hiệu của mình, nó cũng là giải pháp “vực” các nông hộ, các trang trại đang chăn nuôi bò sữa./.

“Vài cánh én không làm nên mùa xuân”

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh:

Để vượt qua thách thức khi TPP được ký kết, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp-chăn nuôi, ta sẽ phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học – công nghệ… để sản phẩm nông nghiệp của nước ta đủ sức đứng vững trên sân nhà.

Ông Hoàng Công Trang, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TH cho hay:

Đối với Tập đoàn TH, đã tiên phong trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật trên mọi lĩnh vực chăn nuôi, từ quản lý đàn bò, chế biến thức ăn gia súc, chế biến sữa… bằng công nghệ hiện đại. Một vài doanh nghiệp lớn khác cũng đang đi những bước đi vững chắc như thế. Tuy nhiên, vài cánh én không làm nên mùa xuân, chúng tôi rất cần chính sách thúc đẩy để hỗ trợ người chăn nuôi khi thuế được đưa về 0% trong đó có sản phẩm sữa. Chỉ khi chúng ta đoàn kết, cơ cấu lại sản xuất, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu thì mới có thể có chỗ đứng trong TPP và biến cơ hội thành những lợi ích thực tế cho đất nước.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN