Mồi lửa châm ngòi xung đột hay là khởi đầu cho kết thúc khủng hoảng Syria?

27/11/2015 10:17

(Baonghean) - Ngày 24/11, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng xác nhận quân đội nước này đã bắn rơi chiếc Su-24 của Nga đang hoạt động trong chiến dịch không kích IS ở Syria vì lý do xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay lập tức, sự kiện thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận quốc tế. Báo Nghệ An phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương - PGS, Tiến sỹ, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Chiến lược Bộ Công an về vấn đề này.

Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.
Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên viện trưởng Viện Khoa học và Chiến lược, Bộ Công an trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

Phóng viên: Đến nay cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thống nhất về thực hư diễn biến vụ việc: máy bay Nga có hay không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ khi bị bắn rơi? Xin Thiếu tướng cho ý kiến về vấn đề này!

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ngay từ đầu, Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định chiến đấu cơ Nga xâm phạm không phận nước này. Ngày 25/11, nước này cũng công bố một đoạn ghi âm cho thấy tín hiệu và thông điệp cảnh báo được phát đi nhiều lần trước khi phóng tên lửa bắn hạ mục tiêu.

Tuy nhiên, phía Nga đã đưa ra bản đồ lộ trình của máy bay Su-24 cho thấy chiến đấu cơ này không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, vị trí điểm rơi của xác máy bay cũng nằm trong phần lãnh thổ Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 4km.

Mới đây nhất, 1 trong 2 phi công Nga có mặt trên chiếc máy bay bị bắn hạ khẳng định không hề điều khiển máy bay bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và cũng không nhận được tín hiệu cảnh báo nào.

Bản thân tôi nghiêng về lập trường của Nga, bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố với báo giới tại Sochi rằng Su-24 không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Với vị thế và tiếng nói của người đứng đầu một nước lớn, Tổng thống Nga đủ khôn ngoan để cân đong câu chữ trước khi phát ngôn với thế giới.

Rồi đây lịch sử cũng sẽ có câu trả lời xác đáng, bởi toạ độ, vị trí của máy bay chắc chắn đã được ghi lại bởi các cơ quan không lưu, quan trắc đo lường.

Máy bay Su-24 rơi xuống lãnh thổ Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 4km. Ảnh: EPA
Máy bay Su-24 rơi xuống lãnh thổ Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 4km. Ảnh: EPA

Phóng viên: Thiếu tướng có đánh giá như thế nào về sự kiện này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng đây là một sự kiện bất bình thường xét cả trong bối cảnh tại chỗ và bối cảnh chính trị trước đó.

Nếu máy bay Su-24 của Nga không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ thì không có lý do gì giải thích cho việc phóng tên lửa bắn hạ Su-24. Thậm chí nếu có, cũng chỉ là sự cố hy hữu trong quá trình di chuyển, truy đuổi mục tiêu, không thể vào sâu trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ cần phát tín hiệu cảnh báo là đủ.

Với bối cảnh chính trị trước đó, mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tương đối ổn định, thậm chí đang có xu hướng tốt hơn lên sau 2 năm xuống dốc. Không chỉ hợp tác về ngoại giao, kinh tế, 2 nước này còn hợp tác quân sự với nhau. Điều đó chứng tỏ mối quan hệ của họ đang bình thường, thậm chí là hơn thế nhiều.

Như vậy, các yếu tố ngoại cảnh đều không ăn khớp với động thái bắn hạ máy bay Nga của Thổ Nhĩ Kỳ. Cả thế giới đều bất ngờ và đặt ra câu hỏi lớn về nguyên nhân vụ việc.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không “đơn thương độc mã” trong hành động lần này. Thiếu tướng có nhận xét gì về quan điểm này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cũng đồng tình với quan điểm này. Bởi ngoài lý do bối cảnh như tôi đã nói ở trên ra, còn 2 lý do khác dẫn đến suy luận như trên.

Thứ 1, tương quan lực lượng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga quá chênh lệch. Chính quyền Ankara thừa tỉnh táo để biết rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể nào đối đầu với Nga.

Thứ 2, về mặt luật pháp quốc tế, hành động bắn rơi máy bay nước bạn không xâm phạm, đe doạ đến không phận và an ninh quốc gia là không thể chấp nhận được.

Vậy thì bản thân Thổ Nhĩ Kỳ chẳng có lý do gì, mà nếu có thì cũng không đủ khả năng, vị thế để khiêu khích Nga trực diện. Nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là con bài trên bàn cờ lớn mà thôi!

Phóng viên: Theo Thiếu tướng, mục đích của hành động này là gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nếu thực sự có một thế lực đằng sau Thổ Nhĩ Kỳ trong hành động lần này, mục đích của họ không khó để đoán định.

Thứ 1, dằn mặt Nga trong cuộc chiến chống IS tại Trung Đông cũng như trong tiến trình giải quyết xung đột Syria. Chúng ta đều biết rằng chiến dịch không kích của Nga tại Trung Đông chỉ mới bắt đầu từ ngày 30/9 nhưng hiệu quả vượt trội hơn hẳn những gì mà phương Tây đã làm trong hơn 1 năm. Nếu ai đó muốn kìm chế một nước Nga đang trên đà khí thế hừng hực là điều dễ hiểu.

Người Nga biểu tình, ném đá vào Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Moskva hôm 25/11. Ảnh:AFP
Người Nga biểu tình, ném đá vào Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Moskva hôm 25/11. Ảnh:AFP

Đồng thời, thông điệp cảnh cáo này có thể nhắm vào tâm lý người dân Nga, kích động để người Nga phản đối chính sách của điện Kremlin tại Trung Đông.

Thứ 2, trấn an và củng cố lòng tin của đồng minh trong khu vực như Ả Rập Xê Út, Qatar, Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, Jordanie,…Qua đó khẳng định rằng vị thế của NATO tại khu vực không thể bị bất kỳ ai thay thế, kể cả Nga.

Phóng viên: Nga đã và sẽ phản ứng như thế nào sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 và phiến quân Syria bắn hạ máy bay trực thăng đến giải cứu phi công?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước một hành động khiêu khích trực diện như thế này, tất nhiên Nga không thể “án binh bất động”. Điện Kremlin đã ngay lập tức đưa ra quyết định phản ứng trên nhiều lĩnh vực, thể hiện rõ thái độ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Về ngoại giao, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã huỷ chuyến thăm đến Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến vào ngày 25/11.

Về kinh tế, Nga tuyên bố chấm dứt hợp tác kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là về du lịch, thương mại.

Về xã hội, công dân Nga được khuyến cáo không đến Thổ Nhĩ Kỳ và các tuyến du lịch đến nước này đã bị huỷ bỏ.

Về quân sự, Nga đã điều tàu tuần dương tên lửa Moskva và triển khai hệ thống phòng không S-400 đến bảo vệ căn cứ không quân ở tỉnh Latakia, Syria. Điều này cho thấy quyết tâm của Nga theo đuổi cuộc chiến tại Trung Đông và là câu trả lời hùng hồn nhất cho những ai đứng đằng sau sự kiện bắn rơi máy bay Su-24 vừa qua.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga sẽ được triển khai đến căn cứ không quân tại Syria. Nguồn: defencerussia.wordpress.com
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga sẽ được triển khai đến căn cứ không quân tại Syria. Nguồn: defencerussia.wordpress.com

Phóng viên: Dư luận thế giới đang lo ngại về một cuộc xung đột giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí giữa Nga và Mỹ. Có hay không khả năng này và sự kiện bắn rơi máy bay Su-24 có tác động đến quá trình giải quyết khủng hoảng Syria hay không?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng xung đột giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là kịch bản khó tránh, nhưng sẽ chỉ diễn ra ở mức thấp trong một phạm vi không gian và thời gian hẹp chứ không đẩy lên cao trào thành chiến tranh.

Ví dụ, nếu Thổ Nhĩ Kỳ lại tấn công vào các mục tiêu Nga thì Nga sẽ ngay lập tức “ăn miếng trả miếng” tại chỗ. Về mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, tôi cho là họ đang đẩy nhau đến bên bờ vực nhưng sẽ biết dừng lại trong gang tấc. Cả 2 chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến vào lúc này.

Cao trào xung đột chính trị này sẽ là mồi lửa cần thiết để thúc đẩy tiến trình giải quyết khủng hoảng Syria sang một giai đoạn mới - giai đoạn mang tính quyết định. Xin nhớ cho là trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 thì Tổng thống Nga đang hội đàm tại Tehran và chắc chắn phương Tây không lấy gì làm vui vẻ trước cái bắt tay của Nga và Iran, dù mục đích là gì đi nữa.

Sự kiện lần này sẽ không thể kìm hãm mà ngược lại, thúc đẩy Nga mạnh tay hơn trong chiến dịch không kích tại Syria, cùng với sự yểm trợ của quân Iran trên bộ. Với đà diễn tiến như vậy, chính quyền của ông Bashar al-Assad sẽ có khả năng mở rộng vùng giải phóng, củng cố vị thế và tiếng nói trong nước và khu vực.

Dưới sức ép phải cân bằng vị thế với Nga, phương Tây sẽ không còn cách nào khác ngoài tăng cường nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố. Như vậy, khủng hoảng Syria mới có hy vọng khép lại, bắt đầu bằng việc các liên minh quốc tế quyết liệt tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố.

Phóng viên: Cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện!

Thục Anh

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN