Những bữa cơm "khuyết"
(Baonghean) - Bữa cơm gia đình thể hiện sự đoàn viên, hạnh phúc. Nhưng thực tế hiện nay không phải bữa cơm của gia đình nào cũng luôn đầy đủ các thành viên. Cuộc sống hiện đại xô bồ, tất bật, những bữa cơm “khuyết” dường như ngày một nhiều hơn!
Bữa cơm của bà Nguyễn Thị Liên và 5 cháu mồ côi ở xã Nghi Phú, Thành phố Vinh. Ảnh: N.K |
Mấy năm nay, bữa cơm của gia đình ông Cao Văn Khoa, bà Trương Thị Tám ở xóm 1, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn chỉ có hai vợ chồng già. Mỗi lúc trái gió trở trời, đau yếu, bữa cơm hàng ngày với ông bà dường như trở nên khó nuốt hơn bao giờ hết.
Nhưng thời gian gần đây, bữa cơm hàng ngày của hai vợ chồng ông dường như ngon hơn khi cậu con trai út Cao Văn Quang, sau khi tốt nghiệp loại giỏi Trường Cao đẳng nghề Tôn Đức Thắng ở Thành phố Hồ Chí Minh được Nhật Bản cấp học bổng và mời sang làm việc. Bà Tám chia sẻ: “Cơm đạm bạc nhưng ông bà đều thấy ngon. Mình phải cố ăn, trước là để có sức khỏe cho con yên lòng công tác nơi xứ người, sau nữa là đợi con về cưới dâu, sinh cháu nội…”.
Trong căn nhà của bà Vi Thị Hương, 58 tuổi, ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, bữa ăn gia đình diễn ra trong không khí nặng trĩu. Đại dịch HIV/AIDS đã cướp đi con trai duy nhất của bà, đứa con dâu vì buồn phận cũng bỏ đi, năm về 1 - 2 bận; bữa cơm nghèo của bà và đứa cháu nội 6 tuổi chỉ có mỗi xôi chấm chẻo và ít măng đắng.
Bà Trần Thị Lý ở xóm 10A, xã Bảo Thành (Yên Thành) đang chăm sóc bữa cơm cho các cháu nội, ngoại. |
Bữa cơm gia đình đáng quý lắm, nếu không trân trọng, vô tình thì sự đáng quý đó trở thành đáng buồn. Giờ đây, N.T.Phương (TP. Vinh) ý thức rõ giá trị bữa cơm gia đình hơn bao giờ hết. Hơn 2 tháng nay, Hùng, chồng Phương không về nhà… Giá như cô đừng có thái độ tiểu thư thành phố khinh anh “nhà quê”; đừng xem thường anh kiếm được ít tiền hơn người khác, đừng nói hỗn với anh. Nếu như cô là dâu hiền với bố mẹ chồng, nếu như cô vẫn giữ được tình yêu với anh như trước kia... thì giờ đây Phương không phải đón nhận những bữa cơm đắng ngắt, tẻ nhạt trong tủi hờn như bây giờ.
“Người già sống vì con cháu. Ăn cơm một mình lủi thủi cũng chạnh lòng lắm, song rồi mãi cũng thành quen”, bà Trần Thị Xoan, 66 tuổi, xóm 14, xã Nghi Kim gượng cười làm vui. Chồng mất đã lâu, bà Xoan ở vậy nuôi 3 con. Giờ 2 đứa đầu làm thuê trong Nam, cô con gái út làm công nhân cho một công ty đóng trên địa bàn. Hàng ngày bà ở nhà trông cháu; con gái bà tăng ca, sáng đi tối mịt mới về. Ở nhà hai bà cháu đánh vật cùng bữa cơm lương công nhân cực nhọc. Nấu cháo, rồi cho cháu ăn, ru cháu ngủ xong, bà Xoan mới lặng lẽ với bữa cơm qua ngày của mình.
Bữa cơm đạm bạc giữa trưa của người lao động tự do. |
Còn bữa cơm trưa của những người lao động tự do hàng ngày vẫn tập trung nơi ngã ba, ngã tư đường trong thành phố mang ý nghĩa khác. Bữa cơm của chị Nguyệt (xã Nghi Ân) gói gọn trong chiếc cặp lồng nhỏ, gồm cơm, rau, khúc cá mặn và không có canh. Một ngày của chị Nguyệt bắt đầu từ 5 giờ sáng với việc dậy nấu cơm cho mình và cả nhà rồi đạp xe đi đến tối mịt, về đến nơi thì con đã ăn xong. “Chị cũng thèm một bữa cơm nóng sốt có đủ các thành viên nhưng đành chịu vậy. Tất cả vì tấm áo, quyển sách cho con, vì ngày lễ tết cho con được bữa ăn không thua chúng bạn”.
Bữa cơm gia đình không phải là một thói quen mà đó chính là ngọn lửa sưởi ấm hạnh phúc. Trong cuộc sống bộn bề hôm nay, bữa cơm gia đình thiếu khuyết các thành viên dẫu không muốn cũng đã trở thành tất yếu. Và để không có những bữa cơm buồn, mọi người nên trân trọng, chăm lo những bữa cơm hạnh phúc, đoàn viên…
Thanh Sơn
TIN LIÊN QUAN |
---|