Vẫn còn gần 3.000 điều kiện kinh doanh trái luật
Kết quả rà soát bước đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong số 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư thì có đến 2.833 điều kiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền gồm cả các văn bản được ban hành trước và sau khi Luật đầu tư có hiệu lực thi hành.
Vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh hạn chế các doanh nghiệp trái luật |
Đây kết quả rà soát văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành không phù hợp về thẩm quyền theo quy định của Luật đầu tư trong một báo cáo của bộ này gửi Chính phủ.
“Điều đặc biệt đáng lưu ý là sau khi Luật đầu tư có hiệu lực thi hành, một số bộ vẫn tiếp tục ban hành, soạn thảo các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh”, theo báo cáo của bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn TBKTSG Online gần đây, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, chỉ có nghị định của Chính phủ trở lên mới có quyền hạn chế quyền kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các bộ ngành vẫn ra thông tư đặt ra điều kiện kinh doanh.
“Điều kiện kinh doanh nào cấm đoán quyền của người dân một cách trái luật thì phải hạn chế triệt để. Tôi thấy là có tình trạng ban hành nhiều giấy phép con làm trái tinh thần của Luật Đầu tư”, ông Vinh nói.
Ông cho biết, Chính phủ vừa thành lập Tổ thi hành Luật doanh nghiệp và trong năm tới Tổ này sẽ tổng rà soát để xem có bao nhiêu điều kiện kinh doanh được đẻ ra thêm để báo cáo Chính phủ.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, tạo chi phí tuân thủ lớn, hạn chế gia nhập thị trường của các doanh nghiệp. Ví dụ: yêu cầu số lượng phương tiện tối thiểu, thiết bị, diện tích kho bãi, số lượng người có chứng chỉ hành nghề, yêu cầu chung chung về người điều hành doanh nghiệp phải có đủ kinh nghiệm chuyên môn, yêu cầu địa điểm kinh doanh thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng...
Trong quá trình rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh đã phát hiện vướng mắc liên quan đến việc áp dụng Luật đầu tư và các luật chuyên ngành liên quan đến thẩm quyền quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Theo quy định tại Điều 7 Luật đầu tư, điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định. Tuy nhiên, trong trường hợp một số luật giao bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thì việc ban hành này có trái với quy định của Luật Đầu tư không?
“Đây là vấn đề cần có sự thống nhất giữa các bộ, ngành”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu vấn đề.
Về việc rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ than phiền hầu hết các bộ, ngành chưa gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của Nghị định số 16/2013/NĐ-CP. Các bộ được nêu tên gồm: Quốc phòng, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương.
Chỉ có một số ít bộ đã gửi báo cáo về việc rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh là Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giao thông-Vận tải, Tư pháp, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Về việc ban hành nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các bộ Công an, Giao thông-Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Y tế vẫn đang trong quá trình soạn thảo các nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành: kinh doanh súng bắn sơn; dịch vụ bảo đảm hàng hải; kinh doanh thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động; kinh doanh dịch vụ an toàn thông tin; kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô, dịch vụ thẩm mỹ, kinh doanh dịch vụ thử thuốc trên lâm sàng...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải nguyên nhân chủ yếu của việc chậm trình Chính phủ ban hành các nghị định này là do hầu hết các luật quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nêu trên vừa mới được Quốc hội thông qua trong năm 2015.
Theo VnEconomy
TIN LIÊN QUAN |
---|