Mang sách vào trại giam cho tù nhân

20/01/2016 16:36

(Baonghean) - Hỗ trợ việc đọc sách cho các đối tượng chuyên biệt như người mù, trẻ mồ côi, phạm nhân... là hoạt động đầy nhân văn được Thư viện tỉnh Nghệ An triển khai và duy trì từ nhiều năm nay, bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo.

Tại Hội Người mù tỉnh Nghệ An, những hội viên khiếm thị tập trung ở phòng khách, lắng nghe giọng đọc truyền cảm phát ra từ những bộ “sách nói”. “Sách nói” là thiết bị thu thanh, ghi âm những văn bản, cuốn sách lý thú, truyền tải thông tin đến người khiếm thị qua đường thính giác, rất thuận tiện cho người khiếm thị tiếp nhận kiến thức.

Chị Nguyễn Thị Sáu - hội viên Hội Người mù tỉnh chia sẻ: “Người khiếm thị thiếu thốn đủ điều, nhưng thiếu nhất vẫn là các kiến thức, kỹ năng xã hội. Hội đã tập huấn cách sử dụng sách chữ nổi nhưng giờ tuổi tác ngày càng cao, ngồi tỉ mẩn rà sách lâu lắm. Có “sách nói” tiện hơn hẳn, vừa nghe, vừa có thể làm việc được”.

Phòng đọc sách cho người khiếm thị tại Thư viện tỉnh Nghệ An.
Phòng đọc sách cho người khiếm thị tại Thư viện tỉnh Nghệ An.

Bộ “sách nói” mà chị Nguyễn Thị Sáu chia sẻ chính là 1 trong 57 bộ “sách nói” vừa được Thư viện tỉnh trao tặng cho Hội Người mù tỉnh vào tháng 12/2015. Ông Nguyễn Minh Đức - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết, nhiều năm nay, các chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho người khiếm thị tiếp cận kiến thức, nâng cao văn hóa đọc đã được Thư viện tỉnh triển khai rất tích cực. Ở Thư viện tỉnh có riêng một phòng đọc sách chuyên biệt cho người khiếm thị, được trang bị 2 máy đọc khuếch đại chữ, 2 máy nghe Victoreader và 220 bản sách chữ nổi, hơn 840 đĩa CD … mỗi ngày thu hút hàng chục người khiếm thị đến sử dụng. Hàng năm, hội viên Hội người mù tỉnh được trao tặng Thẻ đọc sách trọn đời.

Đặc biệt, nếu người khiếm thị khó khăn trong đi lại, không thể đến thư viện đọc sách, thì chỉ cần ở nhà gọi điện thoại, nhân viên thư viện sẽ sắp xếp thời gian đưa sách đến tận nhà hoặc đến trụ sở Hội người mù tỉnh phục vụ. "Những ưu đãi này tạo điều kiện rất tốt cho cộng đồng người khiếm thị nâng cao tri thức, mở rộng nhận thức xã hội, bồi đắp ý chí vươn lên” - ông Nguyễn Minh Đức khẳng định.

Thủ thư Thư viện tỉnh hướng dẫn cho trẻ đọc sách tại Làng trẻ SOS.
Thủ thư Thư viện tỉnh hướng dẫn cho trẻ đọc sách tại Làng trẻ SOS.

Đã thành thông lệ, vào ngày thứ Tư hàng tuần, hơn 100 trẻ mồ côi ở Làng trẻ SOS lại nóng lòng chờ đón thủ thư và những cuốn sách thú vị theo mô hình "Tủ sách lưu động" được thực hiện từ năm 2013. Tủ sách được các thủ thư Thư viện tỉnh chăm chút từ việc lựa chọn nội dung sách phù hợp với lứa tuổi; định hướng, giải thích để trẻ chọn lựa sách bổ ích. Thậm chí, nhiều khi người thủ thư còn pha trò, đố vui, tặng quà, ngồi đọc sách cùng trẻ để hình thành trong trẻ thói quen, niềm vui khi đọc sách và gìn giữ sách.

Tính nhân văn của hoạt động hỗ trợ đọc sách cho đối tượng chuyên biệt còn thể hiện ở việc thành lập các tủ sách ở các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh. Hơn 1 năm nay, đều đặn 1 tháng 1 lần, Thư viện tỉnh đã luân chuyển sách về các Trại giam Nghi Kim, Nghi Lộc; 3 tháng 1 lần đến Trại giam số 3, số 6… ; mỗi đợt 300 cuốn sách. Thư viện được xây dựng tại từng phân trại và nếu phạm nhân có nhu cầu, có thể đăng ký để mượn sách về đọc tại phòng giam.

Phạm nhân Trại giam số 3 (Tân Kỳ) đọc sách tại tủ sách của trại.
Phạm nhân Trại giam số 3 (Tân Kỳ) đọc sách tại tủ sách của trại.

Các đầu sách cơ bản là sách pháp luật, sách kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sách văn học… Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh và ban giám thị trại giam còn kết hợp tổ chức 1 năm 2 lần cuộc thi “Tuyên truyền, giới thiệu, kể chuyện theo sách” cho phạm nhân, thu hút rất đông phạm nhân tham gia.

Đại tá Phan Đình Thành - Giám thị Trại giam số 3 (Tổng cục VIII, Bộ Công an) cho biết, hiện trại có trên 2.000 phạm nhân đang thụ án, hầu hết là các đối tượng phạm trọng tội đặc biệt nguy hiểm như giết người, buôn bán ma túy… nên quá trình quản lý, giáo dục, cải tạo cần phải có những cách làm vừa cương quyết, vừa khéo léo.

Việc Ban giám thị trại phối hợp với Thư viện tỉnh xây dựng tủ sách mang lại hiệu quả rất thiết thực. Thông qua việc đọc sách, các phạm nhân vừa có thêm tri thức, kiến thức để sau này tái hòa nhập với cộng đồng, vừa thu nhận được những giá trị sống tốt đẹp, nhân văn để suy ngẫm, điều chỉnh hành vi, phấn đấu cải tạo tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Tú Anh - Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An khẳng định: Các hoạt động hỗ trợ việc đọc cho nhóm đối tượng chuyên biệt luôn được Thư viện tỉnh quan tâm, chú trọng. Trong thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ tiếp tục phát triển hoạt động này, sáng tạo thêm nhiều cách làm mới để tiếp cận tốt hơn với đối tượng độc giả này.

Phương Chi

TIN LIÊN QUAN