"Việt Nam cần cải cách sẵn sàng cho hội nhập"

01/12/2015 21:59

Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2015 nói về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trước thềm hội nhập.

Với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ (VBF) 2015, sự kiện kinh tế quan trọng hàng đầu về môi trường kinh doanh đã diễn ra hôm nay (1/12) tại Hà Nội.

Bên lề diễn đàn, phóng viên VOV đã phỏng vấn bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2015 về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp trước hội nhập.

PV: Thưa bà, năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Bà đánh giá như thế nào về tác động của những cải cách này đối với cộng đồng doanh nghiệp?

Bà Virginia Foote: Năm 2015, Việt Nam bắt đầu với Nghị quyết 19, trong đó nhấn mạnh đến việc cắt giảm các thủ tục hành chính, điều này cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm và hoan nghênh, bởi các biện pháp đó đã giúp giảm bớt các gánh nặng về mặt thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp.

Năm 2015, Việt Nam cũng đạt được những bước tiến bộ hết sức đáng khích lệ trong việc hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và trong tuần này, hi vọng sẽ hoàn tất việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU.

Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do khác cũng đang được xúc tiến. Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng được thành lập trong năm 2015. Tất cả những điều này đều có tác động rất tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2015 nói về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trước thềm hội nhập.

Bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2015.

PV: Việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế sẽ đem lại những cơ hội và thách thức như thế nào với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, thưa bà?

Bà Virginia Foote: Cơ hội thứ nhất là chuỗi cung ứng, hiện nay chúng ta có chuỗi cung ứng toàn cầu và nó đặt trọng tâm vào khu vực châu Á. Chính vì vậy, Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội để có thể phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ khi mà các doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển, đưa cơ sở sản xuất của mình về Việt Nam.

Cơ hội thứ hai là tăng cường cơ hội xuất khẩu, bởi vì các doanh nghiệp từ Việt Nam sẽ được tiếp cận với thị trường toàn cầu rộng lớn hơn, đặc biệt, các quốc gia tham gia vào những hiệp định thương mại tự do và thuế xuất dành cho các hàng xuất khẩu từ Việt Nam cũng sẽ giảm.

Cơ hội thứ ba là dành cho người tiêu dùng, bởi vì sẽ có nhiều sản phẩm được đưa đến Việt Nam với giá rẻ hơn khi mà thuế nhập khẩu dành cho các mặt hàng này sẽ được giảm xuống.

Cơ hội thứ 4 là những cơ hội về chuyển giao công nghệ. Khi các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam càng có tương tác gia tăng với doanh nghiệp nước ngoài thì họ càng có cơ hội được học hỏi và tiếp cận gần hơn với chuẩn mực của thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những thách thức. Thứ nhất là nền kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn.

Thứ hai, khuôn khổ về kinh doanh cơ bản của Việt Nam hiện nay vẫn còn một số bất cập cần được giải quyết. Đây là một quá trình diễn ra không ngừng nghỉ cùng với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do và ASEAN có một cộng đồng kinh tế chung thì cơ hội là rất lớn.

Tuy nhiên, những cơ hội này không có sự bảo đảm chắc chắn sẽ gặt hái được thành công. Các doanh nghiệp phải hết sức nỗ lực để có thể hiện thực hóa những cơ hội mà các hiệp định mang lại.

PV: Bà đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trước hội nhập, đặc biệt là khi mà năm sau các hiệp định có hiệu lực?

Bà Virginia Foote: Sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được hoàn tất, Việt Nam sẽ cần một thời gian để các doanh nghiệp và Chính phủ làm quen cũng như hiểu rõ những quy tắc, cam kết được đưa ra trong các hiệp định này và sau đó, các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh theo các cam kết đó.

Tôi nghĩ rằng, giai đoạn chuẩn bị để đưa những hiệp định vào triển khai cũng phải mất 1-2 năm, thậm chí còn có thể lâu hơn nữa. Khoảng thời gian này cũng đủ để cho các doanh nghiệp chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc thực hiện.

Đây là một thời điểm tốt để các doanh nghiệp tìm hiểu nội dung và các quy định cũng như cam kết được đưa ra trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết và tìm hiểu xem các doanh nghiệp đối tác nước ngoài họ cần gì ở thị trường Việt Nam, cần gì ở các doanh nghiệp Việt Nam, cần phải cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị nhà nước như thế nào rồi hệ thống kế toán… Tất cả những lĩnh vực này cần các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, điều chỉnh trong khoảng thời gian tới khi thực hiện các hiệp định.

PV: Với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”, theo bà, Việt Nam nên làm gì để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp?

Bà Virginia Foote: Đối với chính sách của Chính phủ cũng như là cải cách công tác quản lý nhà nước, đặc biệt về khung khổ pháp lý, ví dụ như việc hướng dẫn triển khai các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng như việc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp của Việt Nam… Đấy là những cải thiện cần phải có trong hành lang pháp lý của Việt Nam.

Chúng tôi cũng có những kiến nghị đặc biệt liên quan đến ngành năng lượng, bởi vì Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn vào phát điện và sản xuất điện ở trong nước, tuy nhiên, chất lượng môi trường không khí của Việt Nam hiện rất tệ. Chính vì vậy, việc đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng trong ngành năng lượng phải chú ý để làm sao bảo vệ được môi trường, đặc biệt là không khí.

Chúng tôi cũng có những khuyến nghị liên quan đến cơ sở hạ tầng, đến ngành giáo dục, xây dựng cảng biển cũng như cải cách các thủ tục hành chính… để tạo ra một môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà!./.

Theo VOV.VN

TIN LIÊN QUAN