Công an vào cuộc điều tra dấu hiệu lừa đảo tại Trung tâm hỗ trợ người nghèo

26/11/2015 08:38

(Baonghean.vn)- Chiều 25/11/2015, Công an TP. Vinh và Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh (PC46) Nghệ An cho biết, đang tập trung điều tra làm rõ những dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Trung tâm hỗ trợ người nghèo.

“Thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh, từ ngày 16/11,Công an thành phố đã giao nhiệm vụ cho Đội An ninh phối hợp với Công an các phường, xã tiến hành rà soát các hoạt động chương trình Trái tim Việt Nam của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới” - Đại tá Trần Ngọc Tú - Trưởng Công an thành phố Vinh cho biết.

Theo các cán bộ, chiến sỹ Đội An ninh TP. Vinh, qua điều tra ban đầu, đã xác định toàn bộ giấy tờ tổ chức này đang sử dụng có nguồn gốc không chính thống, mượn danh một số lãnh đạo, tổ chức; dùng dấu scan sau đó tự ký tên.

Hóa đơn thu tiền của Trung tâm hỗ trợ người nghèo được scan sẵn con dấu.
Hóa đơn thu tiền của Trung tâm hỗ trợ người nghèo được scan sẵn con dấu.

Về nguồn vốn “hỗ trợ” cho các thành viên tham gia, ngoài nguồn tiền “hỗ trợ” của thành viên nhận “hỗ trợ”, những người của tổ chức này không chứng minh tiền của người tài trợ. Trong các giấy tờ đã thu thập từ tổ chức này, có trên 60 đơn kiến nghị “duy trì, phát triển và giữ vững ổn định chương trình Trái tim Việt Nam” của các thành viên. Tuy nhiên, qua xác minh một số người trên địa bàn thành phố có tên, chữ ký trên đơn, họ khẳng định không viết và ký tên vào đơn…

Đơn kiến nghị nhưng người có tên khẳng định không viết và ký tên vào đơn.
Đơn kiến nghị nhưng người có tên khẳng định không viết và ký tên vào đơn.

Đội trưởng Đội An ninh Công an TP. Vinh, Thiếu tá Vũ Danh Ngọc phân tích: “Nếu đúng như tên gọi, Trung tâm này phải hướng đến những người được chính quyền địa phương xác nhận hộ nghèo, cận nghèo. Nhưng trên thực tế, bất kỳ ai họ cũng mời gọi tham gia chương trình và đều được nhận “hỗ trợ”. Bên cạnh đó, tiền “hỗ trợ” lại cho thành viên tham gia lại rất cao. Làm một phép tính đơn giản, nếu một thành viên có điều kiện kinh tế tham gia 1,2 tỷ đồng, tương đương 1.000 suất (trung tâm này không giới hạn các thành viên về số suất tham gia), sau gần 2 năm sẽ được nhận 5,7 tỷ đồng. Họ lấy đâu ra tiền để “hỗ trợ” như vậy?

Thực ra, trung tâm này nêu ra việc “hỗ trợ” trở lại cho các thành viên nhưng không có cam kết đảm bảo tính pháp lý. Nếu họ không thực hiện “hỗ trợ”, các thành viên tham gia sẽ mất trắng mà không thể kiện được. Đây là một số vấn đề cần tuyên truyền để người dân biết kẻo mắc lừa…”.

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46), Công an tỉnh cho biết: cán bộ chiến sỹ của phòng đã vào cuộc. Các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hành chính của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới đã cơ bản được làm rõ. Hiện nay, PC46 đang tập trung điều tra về những dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN