An ninh chung hay tự do cá nhân?

21/11/2015 16:39

(Baonghean) - Sau thảm kịch 13/11 tại Paris, Pháp và Bỉ hôm 19/11 đã đốc thúc tăng cường các lực lượng an ninh, vô hình trung đẩy châu Âu lún sâu vào cuộc tranh luận từng nổ ra tại Mỹ sau sự kiện 11/9: làm sao cân bằng nỗ lực chống khủng bố với các quyền tự do của người dân.

Sau sự kiện 11/9, ở Mỹ từng nổ ra cuộc tranh luận về an ninh và quyền riêng tư của cá nhân. Ảnh: Internet.
Sau sự kiện 11/9, ở Mỹ từng nổ ra cuộc tranh luận về an ninh và quyền riêng tư của cá nhân. Ảnh: Internet.

Khi dân chúng vẫn còn hoảng sợ, sức ép chính trị không ngừng tăng, chính phủ 2 nước Pháp - Bỉ tuyên bố trong lúc này đây, bảo vệ an toàn cho công dân là ưu tiên được đặt lên hàng đầu.

Các nước châu Âu như Pháp, nước hứng chịu nhiều vụ tấn công trong năm nay; Bỉ, nơi nhiều kẻ tấn công Paris từng sinh sống; và Anh, nước đã phá nhiều mưu đồ tấn công trong những năm qua đều đang gia cố quyền lực của chính phủ, trong khi tranh luận về các biện pháp kiểm soát tự do đi lại không cần hộ chiếu trong phạm vi lục địa già vẫn tiếp diễn.

Dù vậy, trong những ngày sau loạt vụ tấn công Paris, hầu như không ai chỉ trích về sự đánh đổi mà các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất, Pháp và Bỉ, đưa ra để nhanh chóng áp đặt các biện pháp an ninh mới, điều chỉnh cấu trúc pháp lý và hiến pháp giúp chính phủ ứng phó với các mối đe dọa linh hoạt hơn.

Tìm ra sự cân bằng hợp lý giữa quyền cá nhân và các biện pháp chống khủng bố ngày một trở nên khó hơn trong 14 năm qua, kể từ khi Mỹ bị al-Qaeda tấn công, một phần là vì sự lan rộng của công nghệ số và kéo theo đó là những vấn đề về quyền riêng tư.

Binh lính canh gác tại nhà thờ Notre Dame của Paris hôm 19/11 trong bối cảnh an ninh được đẩy lên cao sau loạt tấn công khủng bố hôm 13/11 khiến 129 người thiệt mạng. Ảnh: NYTimes.
Binh lính canh gác tại nhà thờ Notre Dame của Paris hôm 19/11 trong bối cảnh an ninh được đẩy lên cao sau loạt tấn công khủng bố hôm 13/11 khiến 129 người thiệt mạng. Ảnh: NYTimes.

Khi Thủ tướng Manuel Valls cảnh báo hôm 19/11 về khả năng xảy ra các vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học và sinh học, Quốc hội Pháp đã tiến hành bỏ phiếu thông qua việc kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng, với 551 phiếu thuận, chỉ 6 phiếu chống và 1 phiếu trắng.

Rõ ràng tình trạng khẩn cấp sẽ phần nào hạn chế các quyền tự do của công dân, nhưng xét cho cùng, như ông Valls nói, đây là cơ hội để nước Pháp lập lại trật tự, sau đó dần khôi phục hoàn toàn các quyền tạm thời bị hạn chế.

Tại Bỉ, Thủ tướng Charles Michel khẳng định sẽ nhanh chóng thay đổi luật pháp để thuận tiện trong công tác bắt giữ, xét xử và trừng phạt những kẻ bị tình nghi khủng bố đang hoạt động trong lãnh thổ, tăng thời gian tạm giữ nghi phạm từ 24h lên 72h.

Những nội dung khác trong kế hoạch của Bỉ là cấm bán thẻ SIM điện thoại mà không đăng ký tên tuổi vì có thể giúp khủng bố che giấu danh tính, xóa bỏ giới hạn khung giờ cảnh sát được phép tiến hành vây ráp nghi phạm khủng bố, bắt giữ các phần tử thánh chiến trở về từ nước ngoài, buộc bất kỳ kẻ nào tiềm ẩn nguy cơ đe dọa phải đeo vòng kiểm soát điện tử,...

Tuy nhiên, những người ủng hộ các quyền tự do của công dân cảnh báo chính phủ đang đi quá xa, và kiến nghị các quốc gia châu Âu phải đặc biệt cẩn trọng, để các biện pháp đang triển khai không chĩa vào nhóm công dân theo đạo Hồi, gây tình trạng phân biệt đối xử và tạo trở ngại trong các lĩnh vực đời sống.

Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm của Bỉ. Ảnh: Reuters.
Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm của Bỉ. Ảnh: Reuters.

Hôm 20/11, Dự luật khẩn cấp của Pháp được Thượng viện nước này thông qua, tăng thêm quyền hạn cho luật khẩn cấp năm 1955, cho phép giải tán các nhóm cực đoan điều hành các nhà thờ Hồi giáo và những địa điểm cầu nguyện khác; chặn các trang web kích động khủng bố; và sử dụng thiết bị nhận dạng điện tử cho những người bị quản thúc tại gia.

Trong tình trạng khẩn cấp, giới chức nước này được phép tiến hành các cuộc bố ráp và bắt giữ mà không cần xin lệnh bắt từ trước. Tuy vậy, khi bắt giữ người hoặc niêm phong tài sản, hệ thống luật pháp thông thường sẽ được áp dụng.

Tại Mỹ, ngay cả sau vụ 11/9, các cuộc vây ráp trên quy mô tương tự đã gây ra làn sóng chỉ trích, song tại Pháp, chỉ 10 tháng sau khi các phần tử Hồi giáo cực đoan tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo và siêu thị của người Do Thái, người dân nhìn chung đã chấp thuận và xem biện pháp trấn áp là cần thiết.

Cũng như ở Pháp, nhiều người Bỉ cho rằng dù các biện pháp có phần quyết liệt, song họ sẵn sàng từ bỏ một số quyền tự do cá nhân để đổi lấy an ninh.

Bart Tommelein, người phụ trách vấn đề quyền riêng tư tại Bỉ khẳng định những hạn chế về quyền riêng tư sẽ chỉ áp dụng với các nghi phạm khủng bố: “Nếu nói đến những kẻ tình nghi khủng bố và người phạm các tội danh như vậy, vấn đề quyền riêng tư không tồn tại. Vì vậy, đối với những người tới Syria, hoặc trở về từ Syria, ranh giới đó có thể bị xóa bỏ, họ đánh mất quyền này”, nhưng những người khác thì không.

Ông khẳng định thêm rằng chính phủ không có ý định “đưa hết thông tin của mọi người vào cơ sở dữ liệu, nhưng sẽ đưa những kẻ bị tình nghi dính dáng đến hoạt động khủng bố vào tầm ngắm”. Và như vậy, vấn đề an ninh sẽ không “lấn át” các quyền tự do cá nhân.

Thu Giang

(Theo NYTimes)

TIN LIÊN QUAN