Thổ Nhĩ Kỳ dọa "nhấn chìm" châu Âu trong biển người di cư

11/02/2016 23:30

(Baonghean.vn) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa chỉ trích chính sách của phương Tây đối với khủng hoảng di cư và khẳng định đất nước của ông có khả năng “nói lời tạm biệt” với người di cư. Lời đe dọa được đưa ra trong bối cảnh các nước Liên minh châu Âu (EU) đang lo sợ trước dòng người khổng lồ đổ về châu lục.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images.
Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images.

Phát biểu tại một hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Ankara, ông Erdogan cho biết: “Chúng tôi không phải là những kẻ ngốc. Chúng tôi sẽ kiên nhẫn, nhưng sẽ làm những việc cần phải làm”.

Erdogan khẳng định có khả năng số người di cư sẽ đạt tới con số 600.000 trong thời gian tới nếu tình hình tại Syria không có dấu hiệu tiến triển. Ông nói thêm: “Chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng với khả năng trên, và sẽ tỏ ra kiên nhẫn tới một mức độ nhất định, còn sau đó sẽ làm điều cần thiết”.

Erdogan ngầm đe dọa: “Trong quá khứ chúng tôi đã chặn dòng người tại các cửa ngõ vào châu Âu, tại Edirne chúng tôi đã chặn các xe chở khách. Điều này diễn ra chỉ một vài lần nữa thôi và sau đó chúng tôi sẽ mở cửa tiễn họ lên đường, đó là điều mà tôi muốn nói”.

Hồi đầu tuần, trang web “euro2day” của Hy Lạp đưa tin vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker rằng nước này có thể đưa người di cư tới châu Âu nếu không nhận đủ sự giúp đỡ trong cuộc khủng hoảng.

Hôm 11/2, Erdogan củng cố thêm những bình luận trước đó của ông, nói: “Tôi hãnh diện về những điều đã phát ngôn. Chúng tôi bảo vệ quyền lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ và người di cư. Và chúng tôi nói với những người châu Âu rằng: xin lỗi, chúng tôi sẽ mở những cánh cửa và “tiễn biệt” người di cư”.

Erdogan: chỉ kiên nhẫn
Erdogan: chỉ kiên nhẫn "tới mức nhất định". Ảnh: picture alliance.

Erdogan chỉ trích Liên hợp quốc

Vị Tổng thống này cũng chỉ trích Liên hợp quốc (UN), sau khi cơ quan quốc tế kêu gọi Ankara tiếp nhận hơn 30.000 người di cư cắm trại tại biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Erdogan nói: “Thật đáng xấu hổ!”, và cho biết thêm UN đã chi không tới nửa tỷ USD trong cuộc khủng hoảng này.

Theo nhà lãnh đạo, Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ ra 9 tỷ USD để đón nhận người di cư kể từ khi cuộc xung đột tại Syria khởi phát năm 2011. EU đã hứa trao 3 tỷ EUR cho đất nước này để ứng phó với người di cư, tuy nhiên khoản tiền trên vẫn chưa được chuyển giao.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang chứa khoảng 3 triệu người di cư và đang muốn tạo ra một khu vực an toàn ở miền Bắc Syria để bảo vệ dân thường. Washington và các đồng minh phương Tây trong khi đó lại tin rằng việc tạo ra một khu vực như vậy sẽ đưa họ vào thế đối đầu với Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng đồng minh.

Con tàu Bonn do Đức cung cấp là một phần trong hoạt động triển khai của NATO tại biển Aegea.
Con tàu Bonn do Đức cung cấp là một phần trong hoạt động triển khai của NATO tại biển Aegea. Ảnh: dpa.

NATO sẽ điều tàu tới biển Aegea

Trong khi đó, NATO đã thống nhất điều một nhóm hải quân tới biển Aegea để giám sát hoạt động buôn người vốn đưa hàng trăm nghìn người vượt biên vào EU trong năm qua. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định tổ chức này “đang chỉ đạo đội hải quân thường trực di chuyển vào biển Aegea ngay và khởi động các hoạt động giám sát hàng hải”. Nhóm gồm 3 tàu thuộc quyền chỉ huy của Đức.

Ông Stoltenberg cho biết: “Hành động này không nhằm ngăn chặn những người di cư”, bổ sung rằng cơ chế nói trên sẽ giúp duy trì kiểm soát đối với bọn buôn người.

Theo Tổ chức Quốc tế về Di cư (IOM), hơn 770.365 người đã từ Hy Lạp tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ đầu năm nay, trong đó hơn 300 người đã thiệt mạng khi cố vượt biển Aegea.

Thu Giang

(Theo AP, Reuters)

TIN LIÊN QUAN