Myanmar:Tương lai nào sau những lá phiếu?

12/11/2015 08:51

(Baonghean) - Cuộc bầu cử lịch sử ở Myanmar ngày 8/11 vừa qua đã thu hút toàn bộ sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào đất nước Đông Nam Á nhỏ bé này. Sau 25 năm, một lần nữa Đảng NLD (Liên minh Quốc gia vì Dân chủ) lại giành chiến thắng nhưng lần này, là một chiến thắng được công nhận.

Mặc dù chưa có kết quả chính thức nhưng cả đảng đối lập NLD và đảng cầm quyền USDP (Vì sự đoàn kết và phát triển của liên minh) đều đã lên tiếng xác nhận chiến thắng của đảng NLD do bà Aung San Suu Kyi làm thủ lĩnh. Nếu như vào năm 1990, bà Aung San Suu Kyo bị quản thúc tại nhà và kết quả thắng cử của đảng NLD bị chính quyền đương nhiệm bác bỏ thì nay, thủ lĩnh của đảng USDP Htay Oo đã lên tiếng 1 ngày sau khi cuộc bầu cử diễn ra: “Chúng ta đã thất bại và bây giờ chúng ta cần phải tìm ra nguyên nhân”.

Tổng thống Thein Sein cũng cam kết tôn trọng kết quả bầu cử. Có vẻ như đảng cầm quyền và quân đội Myanmar đã chấp nhận bước sang một trang mới trong lịch sử chính đất nước này. Câu hỏi đặt ra ở thời điểm hậu bầu cử này là: Tại sao giới quân sự Myanmar chấp nhận một kết quả không có lợi như vậy và họ sẽ chấp nhận sự thay đổi này như thế nào?

Tổng thống Myanmar Thein Sein. (Nguồn: Bloomberg)
Tổng thống Myanmar Thein Sein. (Nguồn: Bloomberg)


Cuộc bầu cử ngày 8/11 đã diễn ra dưới sự giám sát của các nhà quan sát trong và ngoài nước, trong đó có Liên minh EU. Sở dĩ như vậy là bởi cử tri trong nước và cộng đồng quốc tế đều hoài nghi về sự minh bạch trong và sau quá trình bầu cử, do cái bóng của chế độ quân sự trước đây vẫn còn quá lớn.

Thực vậy, ngay cả khi chế độ quân sự được xoá bỏ và thay vào đó là một nhà nước dân sự chuyển tiếp, theo đánh giá của nhiều chuyên gia nước ngoài, quân đội Myanmar vẫn nắm trong tay quyền lực thực sự chi phối đất nước. Phản ứng của quân đội sau cuộc bầu cử năm 1990 khi đảng NLD giành chiến thắng cũng là một trong những “vết đen” khó xoá bỏ khi nói đến tiến trình dân chủ ở Myanmar.

Những người ủng hộ đảng NLD hào hứng chờ đợi kết quả bỏ phiếu ở Rangoon ngày 8/11. Ảnh của AFP
Những người ủng hộ đảng NLD hào hứng chờ đợi kết quả bỏ phiếu ở Rangoon ngày 8/11. (Ảnh: AFP)

Theo đánh giá của trang The Irrawaddy, một số sai phạm tại chỗ đã được phát hiện. Ví dụ như tại khu vực đồng bằng châu thổ Pathein, người đi bỏ phiếu được đề nghị nhận một khoản tiền có giá trị khoảng 100 euros nếu bỏ phiếu cho USDP; tại bang Kachin ở miền Bắc đất nước, những người chết cũng xuất hiện trong danh sách bỏ phiếu cho một ứng cử viên của đảng Mặt trận quốc gia vì dân chủ;…

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì nêu lên việc một bộ phận quần chúng không được quyền bỏ phiếu - đó là trường hợp của các tộc người thiểu số, trong đó có người hồi giáo rohinggya ở bang Arakan và việc một số ứng viên bầu cử bị loại bỏ tư cách. Ông nhận định: “Cuộc bầu cử này là một bước tiến đáng kể, nhưng còn xa mới đạt đến độ hoàn hảo”.

2 lá phiếu bầu cho đảng cầm quyền USDP. Ảnh của AFP
2 lá phiếu bầu cho đảng cầm quyền USDP. (Ảnh của AFP)

Tuy nhiên, đánh giá tổng quát vẫn cho rằng cuộc bầu cử ở Myanmar đã được tiến hành một cách cởi mở, tự do và minh bạch nhất có thể. Trên thực tế, đó cũng là ý định của chính quyền đương nhiệm tại Myanmar, bởi một số lý do nhất định. Thứ nhất, cuộc bầu cử lần này thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế, với sự xuất hiện và tham gia của bà Aung San Suu Kyi - biểu tượng quốc tế đấu tranh cho nền dân chủ, nguồn cảm hứng mạnh mẽ của nhiều thế hệ người Myanmar và được truyền thông nước ngoài đặc biệt ưu ái. Sẽ là một sai lầm lớn nếu chính quyền hiện hành ở Myanmar không “chơi đẹp” trong trường hợp kết quả bất lợi - như họ đã từng mắc phải vào năm 1990, dẫn đến hậu quả là những chính sách cấm vận khắt khe, khiến nền kinh tế nước này càng khó khăn hơn trên một phông nền chính trị - xã hội vốn đã cực kỳ phức tạp.

Thứ hai, cuộc bầu cử này có lẽ cũng chính là cơ hội để Myanmar tiến gần hơn đến việc mở cửa hội nhập và được cộng đồng quốc tế đón nhận sau nhiều thập kỷ bị cấm vận. Điều này đáng ra đã thành hiện thực vào năm 2011 khi chính quyền quân sự bị xoá bỏ và các cải cách chính trị được tiến hành. Nhưng theo đánh giá của thế giới thì đó chỉ là động tác chính trị mang tính hình thức.

Tướng Min Aung Hlaing chúc mừng thắng lợi của bà Aung San Suu Kyi. (Nguồn: EPA)
Tướng Min Aung Hlaing chúc mừng thắng lợi của bà Aung San Suu Kyi. (Nguồn: EPA/Vtv.vn)

Vì những lý do trên, đến thời điểm hiện tại có thể ghi nhận chiến thắng của đảng NLD và bà Aung San Suu Kyi, cũng như việc chính quyền hiện tại và giới quân sự Myanmar chấp nhận chuyển giao một phần quyền lực của mình. Nhưng liệu tiến trình thay đổi có diễn ra dễ dàng như vậy? Mặc dù vui mừng trước chiến thắng nhưng tất cả những người ủng hộ NLD và cộng đồng quốc tế đều biết rõ 25% số ghế trong Quốc hội được mặc định thuộc về các tướng lĩnh, sỹ quan trong quân đội.

3 vị trí quan trọng là Bộ trưởng Bộ Biên giới, Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ sẽ do quân đội chỉ định. Trên hết, theo Hiến pháp Myanmar thì Quốc hội không phải là cơ quan nắm quyền lực cao nhất mà là Hội đồng An ninh Quốc phòng của quân đội. Thống soái Than Shwe, người từng lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar trong gần 2 thập kỷ, là người đang nắm trong tay quyền lực chi phối hội đồng này.

Một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch tranh cử của NLD là cải cách Hiến pháp, nhưng để làm được điều đó thì cần có phiếu ủng hộ của hơn 75% đại biểu Quốc hội. Tức là, nếu giới quân sự không hợp tác, sẽ cực kỳ khó khăn để đạt được bất kỳ thay đổi nào. Nói cách khác, tiến trình dân chủ ở Myanmar đang vướng vào một nút thắt mâu thuẫn: mục tiêu của nền dân chủ là cải cách, thay đổi nhưng bản thân nó lại chịu sự ràng buộc bởi Hiến pháp được lập nên dưới chế độ quân sự.

Cũng cần nhắc lại là một số điều khoản được thêm vào từ năm 2008 và năm 2011 khi tiến hành cải cách chính trị. Trong đó, có cả việc không cho phép công dân kết hôn với người nước ngoài lên nắm chức Tổng thống. Điều đó đồng nghĩa với việc bà Aung San Suu Kyi - thủ lĩnh của phong trào dân chủ - sẽ không thể tham gia vào cuộc bầu cử sắp tới.

Thêm một tác nhân khác có thể ảnh hưởng đến tiến trình dân chủ ở Myanmar: Trung Quốc. Rõ ràng Bắc Kinh không hào hứng với việc Myanmar thoát khỏi tình trạng cấm vận, mở cửa với thế giới, đặc biệt là với phương Tây. Bên cạnh mối quan hệ ngày càng cải thiện với các quốc gia trong khu vực những năm qua, Myanmar cũng duy trì quan hệ với Trung Quốc và nhận được chính sách hỗ trợ dễ chịu. Rõ ràng, khi quan hệ Myanmar - phương Tây cải thiện, ảnh hưởng độc quyền của Bắc Kinh ở quốc gia láng giềng giàu tài nguyên này sẽ không còn như trước.

Quan trọng hơn cả, ý tưởng về một nền dân chủ vẫn sẽ là một điều gì đó mới mẻ trong nhận thức của người dân Myanmar - sau nhiều thập kỷ quen với sự chi phối của chính quyền quân sự và mới đây là chính quyền dân sự có sự can thiệp của quân đội. Các học viện quân sự vẫn đang là lựa chọn hàng đầu của các bậc phụ huynh. Sức mạnh của quân đội là một thực tế mà bản thân bà Aung San Suu Kyi đã phải thừa nhận khi được hỏi trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 6 vừa qua. Chắc chắn Quý bà Myanmar sẽ phải chứng tỏ sự khôn khéo và bản lĩnh chính trị nhiều hơn nữa để thắng lợi không chỉ dừng lại ở những lá phiếu.

Ngày 11/11, Uỷ ban Bầu cử Liên bang của Myanmar tiếp tục cập nhập kết quả bầu cử. Đảng NLD vẫn đang áp đảo với 291 ghế tại Hạ viện, Thượng viện và Hội đồng lập pháp khu vực, Đảng USDP cầm quyền chỉ giành được 27 ghế. Bà Aung San Suu Kyi tái đắc cử nghị sỹ tại Hạ viện.

Thục Anh

TIN LIÊN QUAN