Mất an toàn vệ sinh thực phẩm - khó ngăn ngừa!

15/12/2015 17:46

(Baonghean) - Sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, dư lượng thuốc BVTV trên rau, củ; mất ATVSTP từ khâu sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và chế biến thực phẩm đang là một vấn đề “nóng” được cử tri của quan tâm, phản ánh và kiến nghị nhiều trong các cuộc tiếp xúc của đại biểu Quốc hội, HĐND.

Thực trạng chung

Theo thống kê của ngành Y tế thì 92% các vụ ngộ độc thực phẩm đều do vi sinh vật quá liều lượng chứa trong thực phẩm. Đó là các loại rau xanh, quả chín đã được phun thuốc kích thích và thuốc trừ sâu sát thời điểm đưa ra thị trường tiêu thụ. Các loại hóa chất bảo quản thịt, cá, hoa quả không được phép sử dụng….

Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thức ăn đường phố.
Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thức ăn đường phố.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương cho biết: Chỉ tính từ cuối năm 2014 đến nay chi cục đã kiểm tra 518 vụ, xử lý 414 vụ vi phạm chủ yếu liên quan đến thực phẩm. Chi cục đã thu giữ 5.612 kg sản phẩm động vật, 3.500 kg mỡ động vật, 12.240 con gia cầm, 355 kg hạt khô các loại, 80 kg thực phẩm chế biến không rõ nguồn gốc xuất xứ”.

Thực tế những nguồn thực phẩm đang hằng ngày len lỏi vào thị trường bằng nhiều con đường khác nhau và việc bắt giữ của ngành chức năng đang như muối bỏ bể vì lực lượng mỏng, chưa có sự phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Vấn đề này, bác sỹ Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An chia sẻ: Hiện nay, việc kiểm tra và phát hiện các sai phạm sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ thực phẩm đang có nhiều bất cập. Ngành chức năng kiểm tra không xuể, người kinh doanh thì có đủ cách để lách luật. Người tiêu dùng vừa là nạn nhân, đồng thời vô tình là nhân tố tiếp tay cho vi phạm khi đa phần họ thiếu hiểu biết trong tiêu dùng.

Việc phát hiện các loại thực phẩm nhiễm vi rút, tồn dư hóa chất, mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay thông qua chỉ định màu là rất khó và kinh phí lớn. Đơn cử như vụ việc phát hiện thịt đỏ bất thường ở một hộ dân tại phường Hà Huy Tập (thành phố Vinh) dịp Tết Nguyên đán 2015, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phải gửi mẫu sang Hàn Quốc để làm xét nghiệm định danh vi khuẩn… Bất cập còn lại chính là chính quyền cơ sở chưa vào cuộc trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn mình.

Hiện nay, việc thanh, kiểm tra thị trường, các cơ sở SXKD thực phẩm vẫn chỉ được xem là phần ngọn và không triệt để. Trong khi thực phẩm đến tay người tiêu dùng qua rất nhiều công đoạn mà quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng và an toàn bắt đầu từ khâu sản xuất. Vậy, đối với khâu sản xuất, kinh doanh, việc mất ATVSTP đến từ những yếu tố nào?

Từ dư lượng thuốc BVTV trong rau...

Thực tế một trong những yếu tố gây nguy cơ cao về ngộ độc thực phẩm và nguy hại cho sức khỏe con người chính là dư lượng thuốc BVTV trên rau, quả vượt quá ngưỡng cho phép. Theo thông tin từ các cấp, ngành thì việc kiểm soát dư lượng thuốc BVTV đang ở mức nhỏ hẹp, chỉ thực hiện theo hình thức xác suất, và khi phát hiện ra những mẫu rau có chỉ số thuốc BVTV vượt ngưỡng thì hình thức xử phạt chỉ ở mức khuyến cáo, xử phạt hành chính…nên việc tái phạm có thể xảy ra ngay sau đó.

attp
Thực hiện kế hoạch thường kỳ vào dịp áp Tết, vừa qua Chi cục BVTV - Sở NN & PTNT đã lấy 26 mẫu tại 7 huyện có vùng chuyên canh rau tương đối lớn là TP.Vinh, Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc. Qua phân tích có 4 mẫu vượt ngưỡng, tỷ lệ này cũng không phải là tỷ lệ đáng báo động. Tuy nhiên, điều mà các nhà quản lý băn khoăn, lo lắng là kết quả kiểm tra, giám sát không thể phản ánh đúng thực tế, khi việc kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn.

Là người trực tiếp tham gia công tác lấy mẫu kiểm tra, ông Nguyễn Xuân Bình - Trưởng phòng Thanh tra của Chi cục BVTV cho biết: “Khó khăn thứ nhất là khi thực hiện việc lấy mẫu tại ruộng có thể bà con mới chỉ phun thuốc 4 ngày nên vẫn còn dư lượng, trong khi để hết dư lượng thì tới 7 ngày, mà chúng ta lại không thể kết luận được là sau ngày thứ 4 đó bà con có cắt rau ra chợ bán không. Thứ hai, là khi lấy mẫu, bà con thường ngăn cản, xin không cho, mua không bán, hỏi xem thuốc phun gần nhất là ngày nào thì trả lời không đúng với thực tế ”.

Thực tế việc sản xuất rau đa phần là do tự phát từ các hộ dân, manh mún, nhỏ lẻ chưa có quy hoạch tổng thể; vẫn có hiện tượng hộ dân này sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thúc, bón, phun khiến rau xanh tốt thì hộ dân khác cũng học hỏi theo, tính toán làm sao đạt hiệu quả cao hơn. Người dân mới chỉ quan tâm đến sản lượng và mẫu mã đẹp chứ an toàn thực phẩm chưa được xem trọng.

Đến chất cấm trong thức ăn chăn nuôi

Anh Hồ Viết Nam ở thị trấn Nam Đàn, chủ một trang trại nuôi lợn gồm 130 con lợn thịt, 30 con lợn nái sinh sản cho biết: Thức ăn gia súc thì mình phối hợp từ nhiều loại của các nhà máy có đại lý phân phối trên địa bàn; cứ thử thấy loại nào lợn nhanh lớn, béo đẹp thì mình sử dụng cho ăn...Các chất cấm trong chăn nuôi, nói thực là tôi cũng không rõ; đã lưu hành trên thị trường thì chắc là đã qua kiểm nghiệm kỹ càng, đảm bảo chất lượng thôi.

Trang trại chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP của gia đình ông......
Hình minh họa.
Trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, loại hình trang trại chiếm tỷ lệ lớn nhất là trang trại tổng hợp với khoảng 200 mô hình có quy mô 0,5 - 2 ha (chủ yếu chăn nuôi lợn, vịt kết hợp nuôi trồng thủy sản). Trong đó, tỷ trọng doanh thu sản phẩm chăn nuôi lợn chiếm hơn 2/3; vịt và cá chiếm khoảng 1/3.

Ông Hồ Văn Cường, chủ gia trại ở xóm 1, xã Hưng Tân chia sẻ: Trang trại của ông mỗi lứa nuôi 100 - 120 con lợn, chi phí mua thức ăn hết khoảng 250 triệu đồng. Mỗi bao cám nếu mua qua đại lý thì mất đi 25.000 - 30.000 đồng/bao, như vậy mỗi lứa lợn mất 18 - 20 triệu đồng, làm cho lợi nhuận giảm đáng kể. Tuy nhiên, nếu giá lợn hơi thấp hơn 40.000 đồng/kg, thì người chăn nuôi quy mô nhỏ sẽ bị lỗ. Vì thế việc tìm hiểu nguồn thức ăn chăn nuôi sao cho chu kỳ nuôi ngắn nhất, thành cao nhất đang là sự quan tâm hàng đầu của ông Cường và những chủ trang trại trên địa bàn xã Hưng Tân.

Thực tế việc kiểm soát nguồn thức ăn chăn nuôi được Phòng Chăn nuôi - Sở NN & PTNT thực hiện khá chặt chẽ từ chu trình lấy thức ăn đến việc kiểm tra danh mục thức ăn tại địa bàn được lấy mẫu. Trong thời gian gần đây, đoàn kiểm tra đã kiểm tra, giám sát chất cấm trong thức ăn chăn nuôi tại 6 huyện, thị, lấy 82 mẫu và kiểm tra 132 chỉ tiêu cấm trong chăn nuôi.

Kết quả phân tích có 1 mẫu dương tính với chất Salbutamol (là thành phần chính trong thuốc chữa hen suyễn trên người, nếu chất này vượt ngưỡng cho phép nhiều lần sẽ gây nguy cơ tim mạch cho người sử dụng). Đoàn cũng đã tiến hành kiểm tra các điều kiện sản xuất, kinh doanh, kiểm tra nhãn mác, bao bì, khối lượng, lấy 66 mẫu thức ăn công nghiệp để phân tích chất lượng kết quả có 1/66 công ty vi phạm, 2/40 công ty vi phạm nhãn mác.

Ông Lưu Công Hòa - Trưởng phòng Chăn nuôi và Thú y - Sở NN & PTNT cho biết: “Dù công tác kiểm tra khá thường xuyên, nhưng đoàn cũng chỉ thực hiện được đối với những trường hợp nghi vấn theo hình thức xác suất; nhưng tin rằng trên địa bàn Nghệ An chất cấm trong chăn nuôi không có điều kiện thuận lợi để lưu hành vì người nông dân rất luôn đặt chất lượng vật nuôi lên hàng đầu. Tuy nhiên, không tránh khỏi tình trạng các hãng thức ăn chăn nuôi nhỏ chào hàng tại các nông hộ; khi đó nếu người dân cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương và chính quyền yêu cầu lấy mẫu kiểm tra, thì sở sẽ tiến hành kiểm tra ngay”.

Như vậy, những thức ăn không có nhãn mác, trôi nổi được người dân rỉ tai để trà trộn vào thức ăn nhằm tăng cân nhanh cho vật nuôi tạo màu, tạo nạc để tăng giá thành đối với sản phẩm từ vật nuôi vẫn là điều có thể xảy ra. Để có thể kiểm soát chặt thức ăn trong chuồng trại của nông hộ, lãnh đạo Sở NN & PTNT khẳng định cần phải có đội BVTV, kiểm dịch cơ sở. Các huyện phải tăng cường công tác kiểm tra, chịu trách nhiệm trong chất lượng kiểm tra, giám sát. Hơn nữa, người nông dân khi tham gia sản xuất, chăn nuôi cần ý thức rằng giá trị sản phẩm cần gắn với niềm tin người tiêu dùng...

Thanh Nga - Thành Chung

TIN LIÊN QUAN