Nợ công và bội chi NSNN sẽ giảm dần từ năm 2016-2020

24/12/2015 23:31

Thủ tướng nhận định nợ công và bội chi NSNN sẽ giảm dần khi cơ cấu lại thu, chi NSNN và không phát sinh nhu cầu chi đột xuất lớn.

Trong văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP HCM) về khả năng giảm nợ công cũng như giảm mức thâm hụt Ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng Chính phủ cho biết, tính đến ngày 31/12/2015, mức dư nợ công của Việt Nam dự kiến khoảng 61,3%GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,9%GDP và nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5%GDP. Những khoản nợ này đều nằm trong phạm vi quy định.

Thủ tướng nhận định, trên cơ sở dự báo tình hình trong nước và quốc tế, dự kiến thu NSNN thời gian tới không tăng đột biến, trong khi nhu cầu chi NSNN phải tăng lớn để trả các khoản nợ đến hạn, đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới và tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, vì vậy cân đối NSNN tiếp tục phải bội chi ở mức hợp lý để đầu tư phát triển.

Trên cơ sở đó, Chính phủ dự kiến mức bội chi NSNN bình quân của giai đoạn 2016 – 2020 tính theo Luật NSNN hiện hành khoảng 4,9%GDP; đồng thời đặt mục tiêu dư nợ công không quá 65%GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 55%GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%GDP.

1
Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xây dựng cơ bản của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu phát sinh nợ.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để đạt được định hướng về dư nợ công và bội chi NSNN giai đoạn 2016 - 2020, cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó quan trọng nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển ở mức cao hơn giai đoạn vừa qua, tạo điều kiện tăng thu, giảm áp lực chi NSNN về an sinh xã hội. Đồng thời, cần thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ công; điều chỉnh chính sách thu; cơ cấu lại chi ngân sách.

Theo đó, để cơ cấu lại các khoản nợ công, Chính phủ sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá lại Chiến lược nợ công đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng như Luật quản lý nợ công, trên cơ sở đó sẽ kiến nghị với Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới; Đẩy mạnh huy động các khoản vay trung, dài hạn, triển khai có hiệu quả các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công; ưu tiên bố trí chi trả nợ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay của Chính phủ, giảm dần hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ; rà soát, loại bỏ các dự án không hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh Chính phủ, các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ xây dựng cơ bản của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; quản lý nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay về cho vay lại, để giảm thiểu phát sinh các nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ.

Chính phủ cũng tăng cường phát triển thị trường vốn trong nước cả về chiều rộng và chiều sâu nhằm đa dạng hóa kỳ hạn phát hành, trong đó tập trung phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên.

Để giảm bội chi NSNN trong giai đoạn này, Chính phủ cần thực hiện nhóm giải pháp, trong đó tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách thu NSNN, đặc biệt là thu nội địa, nhằm đảm bảo huy động mức phù hợp với sự phát triển của đất nước, tạo điều kiện cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời giảm thiểu tác động giảm thu do cắt giảm thuế quan để hội nhập quốc tế và giảm thu từ dầu thô.

Tiếp tục cơ cấu lại NSNN, phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng chi thường xuyên giảm xuống khoảng 58% (giảm khoảng 9 -10% so với tỷ trọng bố trí dự toán năm 2015), tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm trong tổng chi NSNN đạt khoảng 19 – 20%, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các hình thức đầu tư ngoài NSNN để tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội; tăng chi trả nợ, giảm số vay đảo nợ. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế; thúc đẩy cải cách mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công kết hợp xã hội hóa, cổ phần hóa một số đơn vị sự nghiệp công có điều kiện nhằm nâng cao hiệu quả chi, giảm áp lực bố trí chi từ NSNN.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, với dự kiến tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 bình quân đạt 6,5 – 7%, lạm phát không quá 5%, kết hợp thực hiện cơ cấu lại thu, chi NSNN và không phát sinh nhu cầu chi đột xuất lớn, dự báo nợ công, bội chi NSNN giai đoạn 2016-2020 sẽ giảm dần ở mức đảm bảo an ninh tài chính quốc gia./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN