Nợ công vay được chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển

(Baonghean) - LTS: Theo báo cáo của Bộ Tài chính trình Quốc hội vừa qua, trên 98% vốn vay nợ nước ngoài (nợ công) được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng; phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước để chi cho đầu tư phát triển (ĐTPT) và chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết trả nợ đúng hạn, không để phát sinh nợ xấu. Việc điều hành vay và trả nợ thời gian qua đúng với Nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch vay, trả nợ hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các chỉ tiêu nợ so với GDP trong phạm vi giới hạn được Quốc hội cho phép. Cơ cấu các khoản nợ của Chính phủ chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng nợ vay trong nước, và nợ công chỉ sử dụng cho ĐTPT. 
Cầu vượt đường sắt trên Quốc lộ 46 mới đưa vào sử dụng. 	Ảnh: Sỹ Minh
Cầu vượt đường sắt trên Quốc lộ 46 mới đưa vào sử dụng. Ảnh: Sỹ Minh
Bên lề Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính Hoa Kỳ vừa qua, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia của Bộ Tài chính xung quanh vấn đề quản lý nợ công, chính sách thuế và chính sách tài chính doanh nghiệp (DN) để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài hiện nay. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Hoàng Hải: 
Giảm thiểu rủi ro liên quan đến nợ công
P.V: Thưa đồng chí, hiện trạng nợ công của Việt Nam hiện nay như thế nào? Con số được đưa ra đã hơn 60% GDP nhưng mức cho phép là 65%. Chúng ta sẽ áp dụng các biện pháp nào để cân bằng giữa nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng đang tăng và giữ nợ công trong mức kiểm soát? 
Phó Cục trưởng Hoàng Hải: Ước tính đến cuối năm 2014, dư nợ công khoảng 59,6% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 47,4% GDP, vẫn nằm trong ngưỡng đã được Quốc hội phê duyệt. Trong cơ cấu nợ công, nợ Chính phủ chiếm khoảng 79,6%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 19% và nợ của chính quyền địa phương chiếm 1,4%. Cơ cấu nợ vay của Chính phủ thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng vay nợ trong nước, khi tính đến 31/12/2014, nợ trong nước chiếm khoảng 54% và nợ nước ngoài chiếm 46%. Vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu là các khoản vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ có mức lãi suất bình quân khoảng 1,6%/năm; dưới 10% dư nợ nước ngoài của Chính phủ là lãi suất thả nổi. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN trong năm 2013 là 12,6%, năm 2014 là 13,8%, và dự kiến 2015 là 16,1%. Có nghĩa là chúng ta đã thực hiện trả nợ đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ đến hạn, không để phát sinh nợ xấu.
Về các biện pháp nhằm tăng cường quản lý nợ công, Bộ Tài chính đã quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, bảo đảm các chỉ số nợ nằm trong giới hạn cho phép. Việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đã bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chúng ta đã chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, và cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Việc quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ được tổ chức theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; đối với cho vay lại theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu đủ nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.
Trên thực tế, Bộ Tài chính đã thực hiện các hoạt động tái cơ cấu nợ công nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến nợ công. Cụ thể: Đã thực hiện phát hành trái phiếu quốc tế năm 2014 để hoán đổi các trái phiếu quốc tế cũ nhằm giảm bớt nghĩa vụ nợ phải trả vào năm 2016 và 2020 khi trái phiếu phát hành trước đây đến hạn. Giảm mạnh và tiến tới ngừng phát hành tín phiếu và trái phiếu kỳ hạn ngắn, tập trung chủ yếu vào trái phiếu có kỳ hạn dài từ 5 năm đến 15 năm, bước đầu cơ cấu lại danh mục trái phiếu Chính phủ. Kết quả: TPCP kỳ hạn 5 năm tăng từ 14% năm 2013 lên 27% năm 2014, kỳ hạn 10 năm tăng từ 4% năm 2013 lên 13% năm 2014, kỳ hạn 15 năm tăng từ 2% lên 6% năm 2014.
Ngoài ra, chúng ta vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường vốn trong nước và quốc tế để đề xuất các phương án phát hành nhằm huy động các nguồn vốn dài hạn với chi phí hợp lý.
Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Trần Quyết Tiến:
Tham gia TPP, WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ đem đến lợi ích cho các nhà đầu tư
PV: Thưa đồng chí, nếu TPP được thông qua, nền kinh tế Việt Nam sẽ được lợi như thế nào? 
Phó cục trưởng Trần Quyết Tiến: Tham gia TPP, cũng như WTO và các FTA sẽ đem đến những lợi ích chính yếu cho các nhà đầu tư. Trước hết, việc mở cửa thị trường tài chính tạo cơ hội cho sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư vào thị trường trong nước, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ , tăng cường năng lực cạnh tranh giúp thị trường phát triển. Thứ hai, việc thu hút đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực dịch vụ tài chính cũng sẽ giúp đồng thời gia tăng đầu tư gián tiếp nước ngoài thông qua thị trường vốn, TTCK. Cơ chế minh bạch hóa trong các hiệp định giúp xây dựng một môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, công khai, ổn định và dễ dự đoán, từ đó, giúp các DN nước ngoài thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin, yên tâm đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Có thể nói, một số FTA thế hệ mới có cam kết về cơ chế bảo hộ nhà đầu tư đối với nhà đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ tài chính, bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Một số loại hình dịch vụ dự kiến được cam kết mở cửa bổ sung trong biểu cam kết cụ thể sẽ tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài qua biên giới như dịch vụ quản lý danh mục đầu tư, cung cấp và lưu chuyển thông tin tài chính, các dịch vụ chứng khoán phụ trợ. Bên cạnh đó, các cam kết trong các FTA cũng tạo ra được không gian chính sách bảo đảm ổn định thị trường tài chính (như: các ngoại lệ và các biện pháp thận trọng giúp đảm bảo cơ sở để thực hiện các biện pháp bảo vệ quốc gia, quyền lợi cá nhân; một số cơ chế về tỷ giá, tiền tệ cũng được phép áp dụng nhằm bảo vệ thị trường do đây là các lĩnh vực nhạy cảm; cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định chi tiết hơn, bảo đảm tính minh bạch, xét xử có hiệu quả. 
Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi: 
Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài không phải nộp thuế
P.V: Thưa đồng chí, một trong những quan tâm của nhà đầu tư tài chính là thuế. Liệu có sự khác biệt nào giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài về các mức thuế  áp dụng lên lợi nhuận, cổ tức hay chuyển nhượng?
Vụ trưởng Phạm Đình Thi: Theo quy định của pháp luật về thuế Việt Nam hiện nay, hoạt động kinh doanh, mua bán chứng khoán chịu sự điều chỉnh của 3 sắc thuế chủ yếu là thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Trong đó, theo quy định của Luật Thuế GTGT thì hoạt động kinh doanh chứng khoán, vốn thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, tương tự các giao dịch chuyển nhượng vốn, cấp tín dụng cũng không chịu thuế GTGT. Về thuế TNDN, miễn thuế đối với thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế với DN trong nước, sau khi bên nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, liên doanh, liên kết đã nộp thuế TNDN theo quy định. Trường hợp tổ chức nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam không theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư của Việt Nam (không thành lập pháp nhân và không có cơ sở thường trú tại Việt Nam) thì đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán niêm yết trên TTCK, thu thuế bằng 0,1% trên giá chuyển nhượng. Công ty chứng khoán có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế và nộp thay thuế cho tổ chức nước ngoài.
Đối với hoạt động chuyển nhượng vốn đầu tư vào DN cổ phần chưa niêm yết trên thị trường thì việc xác định số thuế trên cơ sở doanh thu trừ chi phí, cụ thể số thuế phải nộp bằng 22% x (giá chuyển nhượng - giá mua vào - chi phí chuyển nhượng). Tổ chức nhận chuyển nhượng vốn hoặc DN mà tổ chức nước ngoài đầu tư vốn có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế và nộp thay thuế cho tổ chức nước ngoài chuyển nhượng vốn. 
Trường hợp tổ chức nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thì đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng vốn thì thu thuế bằng 22% x (giá chuyển nhượng - giá mua vào - chi phí chuyển nhượng). Kể từ ngày 1/1/2016 trở đi, những trường hợp áp dụng thuế suất 22% sẽ chuyển sang áp dụng thuế suất 20%.
Về thuế TNCN, Việt Nam miễn thuế đối với thu nhập là lãi TPCP. Thu nhập là cổ tức nhận được từ việc góp vốn mua cổ phần, lợi tức nhận được do tham gia góp vốn vào DN khác và từ các hình thức đầu tư vốn khác nộp thuế bằng 5% thu nhập tính thuế. Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Việt Nam: thu nhập từ chuyển nhượng vốn đầu tư vào DN chịu thuế bằng 20% thu nhập chịu thuế (giá chuyển nhượng - giá mua vào - chi phí chuyển nhượng) do cá nhân tự khai, nộp; thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán chịu thuế bằng 0,1% giá trị chuyển nhượng chứng khoán từng lần do công ty chứng khoán khấu trừ, nộp thay. Trường hợp cá nhân không là đối tượng cư trú của Việt Nam thì thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán chịu thuế bằng 0,1% giá trị chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán từng lần. Công ty chứng khoán, tổ chức nhận chuyển nhượng vốn hoặc DN Việt Nam mà cá nhân nước ngoài đầu tư vốn có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế và nộp thuế thay cho cá nhân nước ngoài.
Riêng đối với thuế đối với lợi nhuận chuyển ra nước ngoài, chúng ta quy định lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện các nghĩa vụ thuế kể trên thì khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài không phải nộp thuế chuyển lợi nhuận.
P.V: Cảm ơn các đồng chí đã trao đổi thẳng thắn câu hỏi của nhà đầu tư!
Thực hiện: Sông Hồng

tin mới

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.

Tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu từ ngày 1/4 đến nay UBND xã đã lập chốt ngay tại cửa rừng ở xóm Xuân Sơn, nhằm kiểm soát người ra vào rừng. Điểm chốt này luôn có lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ lâm nghiệp túc trực 24/24h. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An: Căng mình canh trực lửa rừng những ngày nắng rát

(Baonghean.vn) - Những ngày vừa qua Nghệ An nắng nóng cao độ, có những nơi nhiệt độ lên tới 41°C đến 43°C, nguy cơ cháy rừng rất cao. Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền các địa phương, lập chốt kiểm soát người vào rừng, canh gác lửa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.