Lục địa già, lục địa đen và bài toán di cư

16/11/2015 06:58

(Baonghean.vn) - Khủng hoảng di cư đang diễn ra ở châu Âu là một trong những vấn đề hết sức nhức nhối, không chỉ giới hạn ảnh hưởng ở quy mô quốc gia hay khu vực, mà đánh động sự quan tâm của cả thế giới. Để chấm dứt dòng người từ các nước Trung Đông như Syria, nhiều nước đang tìm cách ổn định tình hình ở quốc gia đầy bất ổn này. Còn về phần lục địa đen, những động thái mới nhất trong tuần qua cũng cho thấy nỗ lực của EU hòng giải quyết luồng di cư bất hợp pháp từ châu Phi.

Chật vật giấc mơ miền đất hứa

Tình cảnh người di cư từ châu Phi tìm cách đặt chân tới châu Âu gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn cầu. Ảnh: Internet.
Tình cảnh người di cư từ châu Phi tìm cách đặt chân tới châu Âu gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn cầu. Ảnh: Internet.

Những ngày này, không khó để bắt gặp các con số thống kê trong các bản tin hàng ngày về số người di cư vào châu Âu. 1 triệu người chỉ riêng năm 2015, và con số hoàn toàn có thể lớn hơn rất nhiều trong năm 2016 cận kề, đánh cược mạng sống trong những hành trình hàng hải ẩn chứa hiểm họa khôn lường, để tìm kiếm môi trường sống an ninh hơn, sự bảo đảm về mặt kinh tế, nền giáo dục tiến bộ,…

Nhìn xa hơn, trong khoảng 10 năm qua, theo thống kê sơ bộ có tới 50 triệu người đã phải bỏ xứ, do biến đổi khí hậu, sa mạc hóa và bùng nổ dân số làm gia tăng sự bất ổn ở quê nhà và giảm bớt cơ hội tìm kiếm việc làm ở những quốc gia láng giềng thân cận. Trong những cuộc tranh luận về chủ đề di cư, có những khía cạnh phức tạp nhưng ít được đề cập, đó chính là điểm nóng châu Phi.

Tại cuộc gặp cấp bộ trưởng của các nước Liên minh châu Âu (EU) và châu Phi mới đây diễn ra tại Malta nhằm giải quyết hiện tượng tồn tại suốt nhiều năm ròng và hiện đang có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát, câu hỏi lớn nhất làm đau đầu các đại biểu tham dự là làm sao để quản lý lượng người di cư và người tị nạn khổng lồ như hiện nay.

Thụy Điển, một trong những “chủ nhà” hào hiệp nhất, hiện cũng đã hết sạch chỗ lưu trú tạm thời dành cho những người kém may mắn, và không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự bảo vệ chính họ và buộc phải áp đặt những biện pháp kiểm soát biên giới, tránh tình trạng bất ổn như tiền lệ không mong muốn từng xảy ra ở nhiều nước khác.

Trong khi đó, tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel cũng đang đối mặt với thách thức không hề nhỏ trong sự nghiệp chính trị khi “văn hóa chào đón” người di cư của quốc gia đầu tàu châu Âu đang vấp phải những ý kiến phản đối kịch liệt từ nhiều phía.

Chưa hết, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm 12/11 cũng lên tiếng ngầm cảnh báo khả năng hiệp ước Schengen cho phép sự di chuyển tự do giữa 26 nước thành viên EU đang bị đe dọa.

Còn từ phía nguyên nhân lẫn nạn nhân của tình hình hiện nay - những người di cư, họ cũng đang ở thế khó hơn nhiều: tính mạng bị đe dọa khi tìm cách vượt biên bằng đường biển, nhiều ngày dài đi bộ từ quốc gia này sang quốc gia khác, cố gắng một cách vô vọng để đáp kịp chuyến tàu tốc hành đưa họ tới miền đất hứa, dù nhiều khi ở nơi đến mọi thứ diễn ra hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của mình.

Tìm lời giải cho châu Phi

Lãnh đạo các nước EU và châu Phi tại hội nghị thượng đỉnh ở Valletta, Malta bàn về khủng hoảng di cư hôm 11-12/11. Ảnh: Internet.
Lãnh đạo các nước EU và châu Phi tại hội nghị thượng đỉnh ở Valletta, Malta bàn về khủng hoảng di cư hôm 11-12/11. Ảnh: Internet.

Hội nghị thượng đỉnh giữa EU và châu Phi diễn ra trong bối cảnh như vậy, chẳng nhiều thì ít cũng đánh động cho chúng ta hiểu rằng bài toán hóc búa về người tị nạn và di cư mà châu Âu đang vắt óc tìm ra hướng giải không đơn giản chỉ gói gọn trong những nguyên nhân là các cuộc khủng hoảng và chiến tranh ở Trung Đông. Nói cách khác, châu Phi cũng giữ vai trò không kém phần quan trọng.

Khách quan nhìn nhận, đến nay những kế sách được áp dụng không đem lại hiệu quả gì như mong đợi. Hết cuộc đàm phán này tới cuộc họp cấp cao đa phương khác, tất cả chỉ làm tình hình thêm xấu đi, bằng chứng là những hàng rào thép gai mọc lên ngày một dày đặc khắp khu vực Đông Nam châu Âu, tần suất tuần tra trên các vùng biển ngày một tăng, thời tiết đã chuyển lạnh, biển động dữ dội, nhưng bước tiến của dòng người di cư chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, thậm chí họ đã tìm ra những tuyến đường mới để đạt được mục đích của mình.

Phức tạp là thế, nhưng các đàm phán hôm 11/11 tại Valletta lại không cho nhiều kết quả. Tờ Guardian thậm chí còn đưa ra nhận định rằng các đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh lần này hết sức kém cỏi: rót thêm tiền hỗ trợ những nỗ lực của châu Phi hòng đối phó khẩn cấp với vấn nạn di cư, và đẩy nhanh quá trình hồi hương của những người bị bác đơn xin tị nạn.

Theo quan điểm của trang tin này, cả 2 đề xuất trên dường như sẽ chẳng đem lại kết quả khác biệt nào so với những nỗ lực trước đó. Lấy ví dụ, Tây Ban Nha từng tìm cách ứng phó với đợt di cư quy mô lớn từ Tây Phi tới quần đảo Canary hồi năm 2006, trục xuất hàng loạt người song những người này ngay lập tức nảy sinh ý định vượt biên tới Libya. Đóng cửa biên giới Libya, họ lại “quá giang” Thổ Nhĩ Kỳ để tiến về Hy Lạp.

Có cầu ắt sẽ có cung, vô hình trung cuộc khủng hoảng di cư lại trở thành cái nôi để tội phạm xuyên quốc gia có cơ hội phát triển, đòi hỏi gấp rút giải quyết vấn nạn buôn người như hiện nay. Giải pháp xử lý các vấn đề về quản lý và phát triển của châu Phi đang được triển khai, song chúng mất nhiều thời gian và chưa chắc đã thành công như ý. Hơn thế, mặt trái của tăng trưởng kinh tế cho châu lục này có thể diễn ra khi người dân có điều kiện để tích lũy tiền bạc, chuẩn bị cho chuyến đi “trong mơ” tới châu Âu.

Một sự thật ít được nói ra nhưng nhiều người ngầm hiểu đó là chúng ta sẽ không thể nào ngăn chặn hành động di cư bất hợp pháp nếu thiếu vắng sự tồn tại của các kênh di cư hợp pháp. Đây là điều châu Phi mong muốn, nhưng vì e sợ những hậu quả về mặt chính trị, các nhà lãnh đạo EU lại ngần ngại tiến hành.

Dù vậy, luồng di cư từ châu Phi xuất phát từ những nguyên nhân khác với Trung Đông, trong đó có Syria, vì thế nên chăng EU cần thay đổi thái độ, có những cơ chế thích hợp với bộ phận di cư hợp pháp từ châu Phi, chẳng hạn như thông qua cơ chế hạn ngạch hoặc xổ số visa như nước Mỹ từng áp dụng. Vì xét cho cùng, châu Âu cũng đang rất cần những người di cư trẻ và ham học hỏi để bổ khuyết cho cơ cấu dân số đang già đi của mình.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN