Homestay - điểm nhấn du lịch miền Tây Nghệ An.

02/03/2016 10:35

(Baonghean) - Dịp này, lên miền Tây xứ Nghệ, du khách sẽ được trải nghiệm một loại hình du lịch hoàn toàn mới mẻ và thú vị: lưu trú cộng đồng, hay còn gọi là “homestay”. Khách du lịch nghỉ ngơi, sinh hoạt tại nhà người dân bản địa và cùng họ khám phá đời sống văn hóa, ẩm thực địa phương.

Du khách đi thuyền trên sông Giăng.
Du khách đi thuyền trên sông Giăng.

Thử làm người dân địa phương

Không khí họp mặt của gia đình chị Lô Thị Hoa (bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông) những ngày này rộn ràng hơn mọi khi bởi sự xuất hiện của những người khách đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Đó là các chuyên gia Nhật Bản của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), giáo viên người Mỹ tại Nghệ An, các sinh viên Hàn Quốc, một số du khách và phiên dịch viên người Việt. Mọi người đến đây với chung mục đích khám phá vẻ đẹp miền Tây xứ Nghệ, và thích thú trải nghiệm hình thức du lịch cộng đồng (hay còn gọi là homestay) cùng gia đình chị Hoa.

Thưởng thức bữa cơm với những món ăn đặc sản của đồng bào Thái.
Thưởng thức bữa cơm với những món ăn đặc sản của đồng bào Thái.

Lần đầu tiên trải nghiệm “homestay” ở miền Tây Nghệ An, Dương Thu Phương (22 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Ba ngày ở với gia đình chị Hoa rất thú vị. Chúng em được mặc váy Thái, dệt khăn thổ cẩm, tập nấu một số món ăn truyền thống như món mọoc, cơm lam, cá mát nướng… giống như một cô gái Thái thực thụ. Em cũng không quên mua một số sản phẩm dệt may thủ công về làm quà”.

Du lịch cộng đồng, hay còn gọi là “homestay”, là loại hình du lịch mà khách sẽ cùng ăn, ngủ tại nhà dân, sinh hoạt và lao động cùng dân bản như thành viên trong gia đình để tự mình tìm hiểu những tập quán, nét văn hóa bản địa độc đáo. Đây là trào lưu du lịch đang càng ngày càng phát triển rộng rãi trên toàn thế giới, và được các cộng đồng và chính phủ ủng hộ. Mặc dù thường không mang lại lợi nhuận vật chất đáng kể cho gia đình tham gia chương trình, nhưng homestay giúp quảng bá hình ảnh về đất nước và con người một cách gần gũi và chân thật nhất.

Với các vị khách nước ngoài, sự khác biệt về văn hóa quốc gia không còn là rào cản khi họ chuẩn bị sẵn tâm lý “nhập gia tùy tục”. Ông Hiroshi Akiya (Nhật Bản) chia sẻ ấn tượng về tập quán ngủ tập thể dưới nền nhà sàn gỗ. Akiya nói: “Tập quán của người Thái ở đây là ngủ dưới nền nhà, ban đầu chúng tôi hơi ngại vì không quen nhưng muốn hòa mình vào đời sống của dân địa phương nên đã ngủ chung. Sàn nhà không quá lạnh như tôi nghĩ vì chủ nhà đã chuẩn bị đệm bông lau, chăn ấm và sạch sẽ. Tôi đã có một giấc ngủ ngon”.

Du khách xem chị em dân tộc Thái dết thổ cẩm.
Du khách xem chị em dân tộc Thái dết thổ cẩm.

Còn đối với nhóm của Alex Gentry (Mỹ) thì điều khiến họ thích thú nhất chính là được cùng múa lăm vông, uống rượu cần và nhảy sạp với phụ nữ Thái. Anh Alex cho biết: “Phải dùng từ “hạnh phúc” mới diễn tả hết cảm xúc đặc biệt của tôi. Người dân rất thân thiện, hiếu khách, câu lạc bộ dân ca Thái mời chúng tôi tham gia các tiết mục văn nghệ bằng sự hồn nhiên, say mê. Họ mong muốn chúng tôi cảm nhận và yêu thích nét văn hóa cộng đồng đó chứ hoàn toàn không phải làm vì tính chất thương mại”.

Loại hình du lịch tiềm năng

Ông Nguyễn Xuân Nam (Trưởng phòng Văn hóa huyện Con Cuông) cho biết: “Du lịch sinh thái kết hợp với lưu trú cộng đồng là loại hình du lịch đặc biệt, mang lại nhiều lợi ích mà huyện đang xúc tiến phát triển và kêu gọi đầu tư. Hiện tại, huyện Con Cuông đang phối hợp triển khai Dự án Jica của Nhật Bản để tuyển chọn, đào tạo nhân sự là các hộ gia đình nhằm nhân rộng mô hình “homestay”, tăng sinh kế, thu nhập cho người dân”.

Hòa mình vào những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người dân.
Hòa mình vào những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người dân.

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, ngày 29/2, các chuyên gia của Dự án Jica đã tổ chức phỏng vấn, tuyển chọn để đào tạo các tổ nhóm nấu ăn, văn nghệ và các hộ gia đình có khả năng làm dịch vụ “homestay”. Những hộ dân được lựa chọn phải đáp ứng được yêu cầu về môi trường, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt, đặc biệt là kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách du lịch của chủ hộ.

Như gia đình chị Hoa, sau khi được lựa chọn đã tham gia nhiều lớp tập huấn tại địa phương, đồng thời tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm mô hình du lịch cộng đồng ở bản Lác, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Mong muốn phục vụ khách hiệu quả hơn, gia đình chị tự cải tạo lại khu vực nghỉ ngơi, vệ sinh thoáng mát, trồng thêm cây xanh.

Chị Hoa cho biết: “Bước đầu thực hiện “homestay” nên chúng tôi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, từ thái độ với khách lẫn cơ sở vật chất, chất lượng bữa ăn. Khách dừng chân tại đây phần lớn đều có phản hồi tốt. Tôi tự tin trong tương lai sẽ đón tiếp nhiều đoàn khách và nhận được sự hài lòng từ họ”.

Nhìn chung, quá trình triển khai dự án du lịch cộng đồng vẫn vướng phải một số hạn chế như: thông tin điểm, tuyến du lịch chưa được quảng bá rộng rãi; quy hoạch giao thông trên tuyến du lịch còn bất tiện; ý thức chung “làm du lịch” của tập thể hộ dân ở khu vực có gia đình homestay chưa đồng bộ; khả năng ngoại ngữ còn hạn chế của người dân địa phương,…

Do đó, để hình thức du lịch này phát triển trở thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, cần có sự vào cuộc đồng bộ trong công tác tuyên truyền, đầu tư nâng cao chất lượng lưu trú, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực địa phương, tăng cường các công tác an ninh, môi trường.

Hoàng Vân

TIN LIÊN QUAN