Hợp tác quân sự hâm nóng quan hệ Nga - Ai Cập

03/03/2016 16:49

(Baonghean) - Kể từ đầu tháng 11 năm ngoái, quan hệ Nga - Ai Cập đã gặp trục trặc, khi một máy bay dân dụng Nga bị rơi tại bán đảo Sinai của Ai Cập khiến toàn bộ 224 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Tất cả các chuyến bay từ Nga tới Ai Cập từ thời điểm đó đã bị hủy bỏ, ảnh hưởng không nhỏ đến hợp tác kinh tế - du lịch giữa hai nước. Tuy nhiên những ngày gần đây, các hợp đồng khí tài quân sự đang được hai bên xúc tiến mạnh mẽ, nhằm kéo Nga và Ai Cập xích lại gần nhau. Đâu là động lực cho những bước đi này?

Gương vỡ lại lành!

Thời gian gần đây, nhiều tín hiệu hợp tác trong lĩnh vực quân sự - quốc phòng mới đã được giới lãnh đạo của cả Nga và Ai Cập tiết lộ. Trước hết phải kể đến việc Moskva đề xuất trợ giúp Cairo một khoản vay để mua lại 2 chiếc tàu Mistral vốn Pháp định chuyển giao cho Nga, nhưng đã bị hủy bỏ do liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine.

1
Hàng chục máy bay trực thăng tấn công Ka-52K sắp được Nga bán cho Ai Cập nhằm trang bị cho 2 tầu sân bay Mistral mà Ai Cập mua từ Pháp. Nguồn: Russian Helicopters

Tiếp đó, Nga cho hay sẽ tiến hành lắp lại các thiết bị đã tháo gỡ đồng thời bán cho Cairo ít nhất 32 máy bay trực thăng tấn công Ka-52K để trang bị trên 2 con tàu này.

Bên cạnh máy bay, cuối tháng 12 vừa qua, Nga cũng tuyên bố có thể cung cấp hệ thống điện tử để hỗ trợ Ai Cập trang bị cho tàu sân bay Mistral. Theo các quan chức Ai Cập, nước này hiện đang quan tâm việc sản xuất các thiết bị vô tuyến hiện đại R-168 (Aqueduct) do Công ty cổ phần Concern Sozvezdie phát triển.

Ai Cập cũng đã đặt mua hệ thống chụp ảnh chính xác trên máy bay MiG-35 của Nga với thời gian giao hàng dự kiến sẽ diễn ra ngay trong năm nay.

Với những bước tiến này, Nga và Ai Cập đều đang thể hiện một nỗ lực tích cực nhằm “làm hòa” và hợp tác kể từ sau vụ rơi máy bay hồi năm ngoái.

Không chỉ được hâm nóng bằng quân sự và quốc phòng, hôm 25/2 vừa qua, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã lần đầu tiên phát biểu trên truyền hình thừa nhận, các phần tử khủng bố chính là thủ phạm khiến chiếc máy bay A321 của Nga rơi trên bán đảo Sinai hồi tháng 10 năm ngoái. Bất chấp suốt thời gian qua, chính phủ Tổng thống al-Sisi luôn phủ nhận sự liên quan của khủng bố đối với vụ việc này.

Thừa nhận cũng đồng nghĩa, chính phủ Ai Cập có thể sẽ phải chịu trách nhiệm thanh toán tiền bồi thường cho các gia đình nạn nhân, thế nhưng, đây có thể nói là bước đi cần thiết của Tổng thống al-Sisi vào lúc này.

Lợi cả đôi đường

Với Ai Cập, nước này hiện phải đối mặt với lực lượng phiến quân Hồi giáo nổi dậy suốt hai năm nay ở khu vực Sinai, khiến hàng trăm binh lính và cảnh sát thiệt mạng. Vì vậy, hợp tác chặt chẽ với một nước Nga đang có nhiều lợi thế trên mặt trận chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tại Trung Đông sẽ giúp Ai Cập tự tin hơn trong cuộc chiến này.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Ai Cập al-Sisi không ngừng bắt tay trong buổi gặp mặt và hội đàm tại Cairo ngày 10/2/2015. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Ai Cập al-Sisi không ngừng bắt tay trong buổi gặp mặt và hội đàm tại Cairo ngày 10/2/2015. Nguồn: Reuters

Thể hiện là hồi tháng 1 vừa qua, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Trung Đông và châu Phi, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov và người đồng cấp Ai Cập Osama al-Majdoub đã cùng nêu bật tầm quan trọng của việc thiết lập một mặt trận chống khủng bố chung, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Về mặt kinh tế, vụ rơi máy bay năm ngoái cũng như việc đình chỉ các chuyến bay giữa Nga và Ai Cập đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch của Cairo. Do du lịch là một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Ai Cập, trong đó, du khách Nga chiếm một phần rất lớn. Kể từ sau vụ việc năm ngoái, du lịch Ai Cập đã mất khoảng 2,2 tỷ bảng Ai Cập (tương đương 280 triệu USD) mỗi tháng.

Đây là một thiệt hại lớn đối với một nền kinh tế đang còn rất nhiều khó khăn của quốc gia này. Vì thế, nỗ lực hâm nóng quan hệ đã tác động không nhỏ, khiến giới chức Nga đang xem xét có thể sớm mở lại đường bay tới Ai Cập trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh những lợi ích trước mắt như vậy, việc thúc đẩy quan hệ với Nga cũng nằm trong chiến lược lâu dài của Tổng thống Ai Cập al-Sisi. Bởi từ khi chính biến xảy ra, Nga đã là một trong những quốc gia đầu tiên ngoài khối Arab tuyên bố ủng hộ chính quyền mới.

Trong khi đó về phía Nga, tăng cường hợp tác quân sự - quốc phòng, thúc đẩy gắn kết lâu dài với Ai Cập cũng giúp nước này có được những lợi ích cả trước mắt và lâu dài. Thứ nhất, riêng với các hợp đồng mua bán khí tài phục vụ cho 2 tàu sân bay Mitral của Ai Cập, dễ dàng nhận thấy những món lợi khổng lồ mà Nga thu được.

Đó là khoản tiền hợp đồng trị giá hơn 1 tỷ USD khi bán máy bay và hệ thống thông tin chiến lược. Thứ hai, với loạt hợp đồng tiền tỷ này, Nga có thể “ngẩng cao đầu” với Mỹ. Bởi Washington thời gian qua vốn đang phải tung ra các hợp đồng hợp tác quân sự mới để xoa dịu và níu kéo đồng minh Cairo đang ngày càng có xu hướng thân thiết với Moskva.

Thứ ba, về lâu dài, Nga vốn đặt Ai Cập trong một vị trí chiến lược quan trọng nhằm khôi phục vị thế và ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông cũng như thế giới Arab, trong bối cảnh Nga vẫn đang bị các nước phương Tây cô lập.

Với những động lực như vậy, việc Nga và Ai Cập nỗ lực hợp tác không chỉ trong lĩnh vực quân sự - quốc phòng là những bước đi có thể dự báo trước. Cho đến khi nào, hai bên vẫn tìm thấy lợi ích chiến lược cho mình thì quan hệ Nga - Ai Cập vẫn khó có thể lung lay, vì bất cứ lý do gì./.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN