Mặt trận Aleppo - điểm then chốt của cuộc chiến Syria

17/02/2016 11:40

(Baonghean) - Gần như mọi mâu thuẫn và vấn đề của cuộc chiến kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria có thể sắp được giải quyết tại mặt trận Aleppo. Sự có mặt của tất cả các lực lượng và đòn bẩy tham gia cuộc chiến này đang đẩy thế trận tại đây tới một cục diện phức tạp và khốc liệt chưa từng có.

Đủ mặt anh tài

Không phải ngẫu nhiên mà cuối tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tiếp nã pháo qua biên giới vào các mục tiêu chủ yếu là lực lượng người Kurd tại tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria. Không phải là Thổ Nhĩ Kỳ chưa từng có ý định can thiệp vào cuộc nội chiến tại nước láng giềng nhưng việc lựa chọn thời điểm này để thúc đẩy một cuộc phiêu lưu quân sự hoàn toàn là vì hoàn cảnh bắt buộc.

1
Mặt trận phía Bắc Syria, đặc biệt tại thành phố Aleppo sẽ quyết định lối thoát cho cuộc chiến kéo dài hơn 6 năm qua tại Syria. Ảnh: Townhall.com

Đó là vì Thổ Nhĩ cảm thấy lo ngại trước những bước tiến chậm nhưng vững chắc của các lực lượng thân chính phủ Syria tại Aleppo. Hồi đầu tháng này, với sự hỗ trợ đắc lực của Nga và Iran, quân đội Syria đã cắt đứt tuyến đường nối liền tỉnh Aleppo và biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được biết tới với tên gọi hành lang Azaz.

Thực tế thì suốt mấy tháng qua tại Aleppo, máy bay Nga vẫn đang tiếp tục các đợt không kích. Dưới mặt đất, các chiến binh gốc Iraq và của Hezbollah được sự trợ giúp của các cố vấn Iran đang đạt được những kết quả nhất định trên chiến trường.

Ở phía bên kia, quân nổi dậy Syria được Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Qatar chống lưng đang phải vất vả chống đỡ các đợt tấn công từ lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad. Các nhóm nổi dậy, chống đối này được coi là “có tên tuổi” trong đó có cả các tổ chức cực đoan có liên hệ với mạng lưới al-Qaeda như Mặt trận Nusra, hay Ahram al-Sham.

Còn người Kurd, lực lượng vốn liên kết với cả Nga và Mỹ cũng đang tận dụng thời điểm hỗn loạn này để mở rộng “lãnh thổ” của mình. Trong khi các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn cố thủ ở một số khu làng nhỏ.

Sự dính líu của Thổ Nhĩ Kỳ với các vụ pháo kích trong hai ngày 13-14/2 bởi nước này lo ngại một khi chính quyền Bashar al-Assad xóa sổ phe nổi dậy tại khu vực dọc biên giới, các lực lượng của người Kurd sẽ mau chóng thay thế. Lực lượng Bảo vệ người Kurd ở Syria (YPG) vốn đã tận dụng các đòn không kích của Mỹ và cả Nga để mở rộng vùng cứ địa ở miền đông Syria và nay là cả ở Aleppo.

2
Vai trò của hai cường quốc Nga và Mỹ sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới tương lai hòa bình tại quốc gia Trung Đông này. Ảnh: Inquirer

Những sự liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) - phái chính trị bị chính quyền Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố là mối đe dọa không hề viển vông. Một khi người Kurd ở Syria kiểm soát vùng lãnh thổ này, đó sẽ là điều kiện thuận lợi để thiết lập một nhà nước ly khai xuyên biên giới Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí là cả Iraq tại Trung Đông. Đó là lý do vì sao Ankara phải mau chóng động binh, cùng với tuyên bố sẽ còn tấn công chừng nào mà YPG chưa thoái lui khỏi khu vực giáp biên.

Chiến trường được gọi với cái tên “Stalingrad” của Syria chứng kiến đầy đủ những lực lượng tham chiến và cả những hình thái chiến tranh khác nhau. Bên cạnh các cuộc giao chiến trên bộ dọc hành lang biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, các lực lượng tác chiến Syria còn phải đối mặt với các khu dân cư dày đặc, nơi hiệu quả của các loại vũ khí hạng nặng bị suy giảm và nguy cơ thương vong tăng vọt. Chính vì thế, quân đội chính phủ Syria và đồng minh có lẽ đang tính tới phương án siết chặt vòng vây từng bước để đạt được mục tiêu giành lại cứ điểm quan trọng phía Bắc này.

Diễn biến chiến trường sẽ quyết định cuộc chơi

Mặc dù Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã thông qua dự thảo nghị quyết do Mỹ - Nga đệ trình vào tháng 12 năm ngoái nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị ở Syria, thế nhưng không nhiều người tin rằng một bản nghị quyết như thế này có thể tạo ra chuyển động tích cực cho cuộc nội chiến ở Syria.

3
Mặt trận Aleppo đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Ảnh: Washington Post

Mạng tin tình báo Debka nhận định rằng, một giải pháp chính trị cho Syria sẽ tùy thuộc phần nhiều vào các diễn biến trên chiến trường, đặc biệt là miền Bắc Syria, nơi có sự can dự của các lực lượng bên ngoài. Trong khi đó, tương lai chính trị của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ không còn là yếu tố quyết định.

Nhận định này là có cơ sở bởi bản kế hoạch hòa bình chưa tính đến việc chấm dứt nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua tại Syria hay buộc tổng thống Assad phải thoái lui. Nó chỉ là tiền đề để giải thích cho việc Nga mở rộng can dự ở Syria.

Ngoài ra, chỉ một ngày trước khi HĐBA thông qua dự thảo nghị quyết, Mỹ hôm 17/12 đã rút toàn bộ 12 tiêm kích F-15 được triển khai ở căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ trước đó chỉ một tháng. Hành động này xảy ra tại thời điểm Nga điều tên lửa phòng không hiện đại Buk-M2 tới Syria, buộc Lầu Năm Góc dừng các đợt không kích ở miền Bắc Syria.

Hai động thái trên cho thấy, Mỹ đã thoái lui các nguồn lực quân sự trong cuộc chiến chống IS ở Syria, để Nga là người làm chủ cuộc chơi ở Syria. Không có sự hỗ trợ của Mỹ, khó có thể nói các lực lượng nổi dậy ở Syria có đủ sự tự tin và nguồn lực để đẩy mạnh việc phản công, giành lại lãnh thổ.

Khi sự trợ giúp từ trên không đã nằm trong tay Nga, nó sẽ là nhân tố quan trọng trong việc quyết định cuộc chiến trên mặt đất, nơi mà tình thế vẫn chưa thực sự rõ ràng. Quân đội Chính phủ Syria cùng các đồng minh đang nắm lợi thế rõ rệt. Và một khi mà lực lượng này có thể nắm quyền làm chủ chiến trường, đánh bật các nhóm nổi dậy và khủng bố, khi đó dư luận mới có thể chắc chắn tiến trình chuyển tiếp chính trị hướng đến chấm dứt nội chiến Syria mới có bước tiến./.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN